GS. tài chính: Nền kinh tế Trung Quốc có thể suy sụp, Mỹ làm thế nào hạn chế ảnh hưởng
- Thi Bình
- •
Nguy cơ sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc là một trong những chủ đề nóng hiện nay của truyền thông thế giới. Các chuyên gia đã phân tích tại sao nền kinh tế vốn đã phát triển mạnh trong nhiều thập niên này lại đang suy thoái, đồng thời thảo luận cách đưa Mỹ sớm thoát khỏi ảnh hưởng.
Giáo sư tài chính Noah Smith tại Đại học bang New York ở Stony Brook đã có bài phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế này là quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào bất động sản, hệ quả cuối cùng gây nổ bong bóng bất động sản; trong khi đó Giám đốc Ban Trung Quốc của Viện Chính sách Mỹ là Adam Savit cho rằng cách tốt nhất để Mỹ chống lại ảnh hưởng xấu từ Trung Quốc là đảm bảo mạnh mẽ và thịnh vượng của Mỹ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không thành nguy cơ địa chính trị của Mỹ.
Phân tích nguyên nhân khủng hoảng kinh tế Trung Quốc
Giáo sư Smith viết trên blog cá nhân rằng cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc là “sự kiện khá quan trọng”, nền kinh tế mà nhiều người cho rằng “sẽ không trật đường ray như các nước khác” cuối cùng cũng sắp sụp đổ.
Smith bắt đầu từ những năm 1980 đến những năm 1990 và đầu những năm 2000. Do mở cửa nền kinh tế mà trước đó bị ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát, từ đó khiến vốn nước ngoài đổ vào giúp Trung Quốc đã trở thành ‘công xưởng của thế giới’ và nền kinh tế nước này phát triển nhanh chóng.
Tiếp đến, sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và châu Âu năm 2008, xu thế mua hàng hóa Trung Quốc của các nền kinh tế phát triển bất ngờ bão hòa. Hệ quả là ĐCSTQ đã dùng bất động sản thay thế cho nguồn đầu tư vào nhà máy sản xuất, đồng thời yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay để tránh suy thoái kinh tế.
Trong 10 năm tiếp theo, Trung Quốc liên tục đầu tư vào bất động sản, điều này cơ bản đã chuyển đổi Trung Quốc từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang nền kinh tế bất động sản, khiến các ngành liên quan đến bất động sản chiếm tới 30% tổng giá trị nền kinh tế.
Smith phân tích từ góc độ đầu tư rằng kể từ đó, cơ cấu đầu tư của Trung Quốc đã có thay đổi thấy rõ. Tỷ trọng vốn giảm trong lĩnh vực sản xuất thương nghiệp, nhưng tăng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và nhà ở. Xu thế chuyển hướng đầu tư đi cùng với khó khăn trong việc sao chép công nghệ nước ngoài đã khiến tỷ trọng sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh, nhưng để duy trì tăng trưởng kinh tế nên ĐCSTQ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào bất động sản với lợi nhuận ngày càng thấp.
Smith cho rằng nền kinh tế Trung Quốc phồn thịnh trong những năm 2010 khiến mọi người nghĩ rằng giá bất động sản sẽ luôn tăng, khiến vô số người Trung Quốc dùng số tiền gấp hàng chục lần thu nhập hàng năm của họ để mua bất động sản, và quả bong bóng bất động sản khổng lồ cứ bơm hơi mãi cuối cùng cũng phải vỡ.
Bắt nguồn từ điểm yếu chính trị, Mỹ cần sớm thoát khỏi ảnh hưởng
Về chủ đề này, gần đây khi trả lời kênh thông tin Đài NTDTV của người Hoa tại Mỹ, Giám đốc Ban Trung Quốc của Viện Chính sách Mỹ là Adam Savit cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc là do điểm yếu của thể chế chính trị Trung Quốc.
Ông nói: “Trước khi Trung Quốc có cơ hội vượt qua Mỹ, dân số và nền kinh tế của họ sẽ suy giảm. Chúng ta có thể thấy thị trường bất động sản chiếm khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc, điều này làm nổi bật điểm yếu trong hệ thống của họ, đặc biệt hơn khi nhà cầm quyền Trung Quốc là một bộ máy hoàn toàn thiếu minh bạch”.
Savit chỉ ra không như truyền thống ở Mỹ, người dân Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay không mấy tin tưởng vào các quỹ đầu tư cũng như nhiều hoạt động thị trường, thay vào đó cảm thấy rằng nhà đất là “của cải bất động” duy nhất không lo bị mất mát.
“Nhưng vấn đề là nếu không được bảo đảm từ một chính phủ minh bạch, nhiều căn hộ hoặc bất động sản không bao giờ được xây dựng trên thực tế, hoặc thậm chí nếu được xây dựng thì chúng cũng được xây bằng vật liệu kém chất lượng. Chúng ta thấy [ở Trung Quốc] có những thành phố được xây dựng tồi tàn như ‘thành phố ma’, các nhà phát triển biết sẽ không bao giờ có người đến ở.”
Ông cho rằng suy thoái của nền kinh tế sẽ dẫn đến xu thế bất mãn trong xã hội, bên cạnh đó người dân Trung Quốc càng có cơ sở chất vấn về tính hợp pháp của ĐCSTQ, là điều nguy hiểm nhất đối với nhà cầm quyền Trung Quốc này.
Savitt cho rằng Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất của thế giới, vì vậy Mỹ cần bảo đảm được năng lực và sự thịnh vượng để hạn chế tối đa nguy cơ từ Trung Quốc và tác động của những thay đổi trong tương lai.
“Trước tiên, chúng ta phải nhận ra rằng cách tốt nhất để chống lại ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ là đảm bảo sức mạnh và sự thịnh vượng của nước Mỹ”, ông chia sẻ với NTDTV, cụ thể ở đây là những phương diện như “tính năng động thị trường”, “sức mạnh văn hóa mềm”, và “sức mạnh quân sự cứng răn đe” để Mỹ không phải lo lắng trước những động thái không hay thường xuyên từ ĐCSTQ, nghĩa là Mỹ phải mạnh đến mức vượt qua được lo ngại nguy cơ địa chính trị từ ĐCSTQ.
Ngoài ra, để thoát khỏi ảnh hưởng của ĐCSTQ, Savitt cho hay rằng Mỹ phải tiếp tục xác định, điều tra và trục xuất sự xâm nhập của ĐCSTQ vào nhiều lĩnh vực khác nhau của Mỹ – điều mà Chính phủ Liên bang hiện đang đẩy mạnh.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Bất động sản Trung Quốc