Giao dịch nhà đất ở Hà Nội giảm gần 60% trong quý 1/2025. Giá nhà đất bị đẩy lên quá cao, dòng tiền sinh lợi kém dần khiến dòng tiền đầu tư đổ vào bất động sản Hà Nội gặp khó.

pho co ha noi 1
Quý 1/2025, Giao dịch bất động sản nhà ở tại Hà Nội giảm gần 60% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa Shutterstock.

Giá quá cao, giao dịch giảm mạnh

Theo báo cáo của OneHousing, quý I/2025 Hà Nội ghi nhận khoảng 4000 giao dịch đất thổ cư, giảm 59% so với quý trước và giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch sụt giảm tại hầu hết khu vực trọng điểm, trong đó khu vực phía Tây, phía Đông và các quận nội thành chỉ đạt khoảng 1200 giao dịch mỗi khu vực.

Khu vực phía Tây Hà Nôi – nơi từng là điểm nóng của thị trường ghi nhận mức giảm sâu. Hà Đông dẫn đầu với mức sụt giảm khoảng 71%, tiếp theo là Nam Từ Liêm (60%), Cầu Giấy (58%) và Bắc Từ Liêm (55%).

Tại khu vực phía Đông, Long Biên giảm 54%, Gia Lâm giảm 65%. Quận Hoàng Mai thuộc khu phía Nam chỉ ghi nhận 350 giao dịch, giảm tới 60% so với quý trước. Còn khu vực nội thành giảm khoảng 40%.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, giá rao bán đất nền tại nhiều huyện vùng ven Hà Nội đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ, nhưng giao dịch thực tế chỉ diễn ra ở phân khúc dưới 2 tỷ đồng.

Tại khu vực nội thành, giá nhà mặt phố Hà Nội cũng bị đẩy lên rất cao. Dữ liệu thị trường của Batdongsan.com.vn cho thấy giá rao bán trung bình trong quý 1 đã tăng 30%, từ mức 337 triệu đồng lên 437 triệu đồng/m2.

Tại quận Ba Đình, giá nhà mặt phố trên đường Nguyễn Công Hoan dao động từ 430 – 520 triệu đồng/m2, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại đường Cao Bá Quát, giá bán tăng từ 240 – 320 triệu đồng/m2 lên 280 – 370 triệu đồng/m2. Phố Ngọc Hà ghi nhận mức tăng từ 310 – 540 triệu đồng/m2 lên 360 – 620 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nhà mặt phố Kim Mã tăng từ 400 – 680 triệu đồng/m2 lên 440 – 730 triệu đồng/m2.

Tại quận Đống Đa, giá nhà mặt phố cũng thiết lập mặt bằng mới. Phố Hoàng Cầu tăng từ 380 – 470 triệu đồng/m2 lên 425 – 516 triệu đồng/m2; Yên Lãng từ 330 – 490 triệu đồng/m2 lên 370 – 560 triệu đồng/m2; Hoàng Ngọc Phách từ 350 – 370 triệu đồng/m2 lên 380 – 440 triệu đồng/m2. Mặc dù có biên độ tăng thấp hơn (7 – 10%), nhưng mặt bằng giá tại phố Huỳnh Thúc Kháng cũng được đẩy lên ngưỡng mới, từ 520 – 710 triệu đồng/m2 lên 550 – 770 triệu đồng/m2.

Tại quận Cầu Giấy, phố Duy Tân tăng  từ 230 – 520 triệu đồng/m2 lên mức trung bình 265 – 580 triệu đồng/m2. Phố Hoàng Quốc Việt tăng từ 380 – 550 triệu đồng/m2 lên 420 – 600 triệu đồng/m2. Phố Nguyễn Văn Huyên thiết lập mức giá mới, từ 365 – 570 triệu đồng/m2 lên 400 – 620 triệu đồng/m2.

Làn sóng “trả lại mặt bằng thuê”, lợi suất dòng tiền bất động sản nhà phố giảm dần

Ở một diễn biến khác, xu hướng trả mặt bằng tại các khu phố thương mại từng đông đúc trước đây ngày càng lan rộng. Không khó để thấy hàng loạt các băng rôn “cho thuê mặt bằng” được treo tại các cửa hiệu trên các dãy phố Kim Mã, Tràng Tiền, Tôn Đức Thắng,…

Theo anh Đình Hoàng – chuyên môi giới nhà đất nội đô có văn phòng tại phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), các mặt tiền ở đây đang cho thuê với giá dao động từ 10 – 40 triệu/tháng tuỳ vị trí mặt bằng. Mặt bằng cho thuê tại đây có yếu tố sinh lời cao vì nằm gần những trung tâm đông dân cư, lượng phương tiện qua lại đông đúc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều mặt bằng chưa có khách thuê, chủ nhà còn giảm giá xuống 7 triệu/căn 20m2 nhưng khách vẫn không mặn mà.

“Những năm trước, mặt bằng nơi đây được xem là mơ ước của nhiều chủ đầu tư, có giai đoạn khách thuê “cháy” mặt bằng. Thậm chí, nhiều người còn đặt cọc mặt bằng trước cả tháng để đợi thuê, nhưng nay thì ế ẩm”, môi giới Hoàng cho biết.

Thay bằng trả hàng chục triệu để thuê mặt bằng mỗi tháng, những người bán hàng đang chuyển dần sang hình thức bán hàng online và sử dụng mặt bằng kết hợp để giảm chi phí cố định.

Tình trạng nhà phố “ế” khách thuê đang khiến phân khúc bất động sản này rơi vào bế tắc. Giá quá cao trong khi lợi suất thu về lại không ổn định và có chiều hướng đi xuống.

Nguyên Hương (t/h)