Hàng không Vietnam Airlines đối mặt tình huống bị hủy niêm yết?
- Đức Minh
- •
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã bác đề nghị lùi thời điểm công bố báo cáo tài chính của hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA). Động thái trì hoãn báo cáo của VNA được cho là để tránh đối mặt thông tin nguy cơ bị hủy niêm yết.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 chưa kiểm toán, VNA ghi nhận doanh thu quý 4 đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, do kinh doanh dưới giá vốn khiến VNA lỗ gộp 1.100 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021. Con số này cùng kỳ năm trước lên đến 2.085 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, hãng bay này lỗ ròng 1.184 tỷ đồng trong quý 4/2021, qua đó ghi nhận khoản lỗ ròng cả năm 2021 đến 13.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm 31/12/2021 âm 21.978 tỷ đồng và đã “ngốn” gần hết vốn điều lệ 22.143 tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất tại thời điểm xem xét.
Vì vậy, việc trễ nộp báo cáo tài chính qua kiểm toán của hãng bay này được xem là động thái trì hoãn để tránh vấp phải thông tin bị hủy niêm yết, từ đó dẫn đến việc cổ phiếu sẽ khó giao dịch và rớt giá.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 96 của Bộ Tài chính, nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp của Vietnam Airlines thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý 1 chậm nhất vào ngày 30/4 vừa qua.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng thực tế VNA đang trong tình trạng kinh doanh lỗ và có nguy lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu sau hai năm. Việc xin gia hạn thời gian công bố kết quả kinh doanh quý dù vì lý do gì thì đó cũng là hành động trì hoãn mà các nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi về mục đích.
Ông Huân nhận định việc cổ phiếu Vietnam Airlines bị hủy niêm yết nhiều khả năng có thể xảy ra, nhưng cần phải đợi hết năm 2022. Tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt vốn điều lệ nhưng theo quy định, số lỗ này phải được tính trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Tại thời điểm báo cáo chưa kiểm toán ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines hiện vẫn còn dương 1.489 tỷ đồng vì trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng (Nghị quyết 194) dành cho Vietnam Airlines. Trong đó, bao gồm 4.000 tỷ đồng là Vietnam Airlines được vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại; 8.000 tỷ đồng từ kế hoạch phát hành cổ phiếu.
Do vậy, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã tăng từ 14.182 tỷ đồng lên 22.143 tỷ đồng, tăng hơn 7.961 tỷ đồng sau khi phát hành lượng cổ phiếu tương đương 796,1 triệu đơn vị vào tháng 9/2021, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lượng cổ phiếu của Vietnam Airlines trong đợt này với giá trị khoảng 6.880 tỷ đồng.
Hiện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) vẫn là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 55,2% vốn; tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,62% và một số cổ đông nhỏ khác chiếm 8,04% còn lại.
Từ khóa hàng không Vietnam Airlines Dòng sự kiện VNA UBCKNN