Lãi suất vay 13% – 15%/năm, “cơn bão” âm thầm kéo đến người mua nhà
- Trọng Minh
- •
Trong bối cảnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở nhiều ngân hàng đã tăng lên xấp xỉ 9%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay mua nhà cũng tăng lên từ 13 – 15%/năm. Nếu cuối năm lãi suất không hạ nhiệt sẽ tạo áp lực ngày càng lớn hơn với người mua nhà khi chịu lãi suất thả nổi với biên độ dao động từ 3 – 5% tùy ngân hàng.
- Trong 2 năm, Công ty An Đông huy động 25.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu
- NHNN bơm ròng hơn 8.700 tỷ đồng ngày 8/11; người dân đến SCB đòi tiền trái phiếu
Cụ thể, những ngày gần đây, để giữ dòng vốn và thu hút thêm nguồn tiền từ người dân, các ngân hàng thương mại đã tăng đụng trần lãi suất không kỳ hạn lên mức 1%/năm. Còn các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng dao động từ 6 – 8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên phổ biến ở lãi suất trên 8%/năm, một vài ngân hàng niêm yết trên 9%/năm.
Thông thường, khách vay mua nhà chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định, thường từ 3 – 12 tháng vay đầu tiên.
Khi hết thời gian ưu đãi, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ấn định ở mức cao hoặc thả nổi theo lãi suất thị trường.
Trong đó, lãi suất thả nổi thường bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ lãi suất khoảng 3% – 5%/năm hoặc bằng lãi suất cơ sở được ngân hàng công bố cộng với biên độ lãi suất nói trên tùy từng ngân hàng.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D, Công ty DKRA nhận định tác động rõ nét của việc lãi suất tăng đến thị trường bất động sản (BĐS) là sức cầu giảm mạnh. Lãi suất cho vay mua BĐS phổ biến trên mức 12%/năm như hiện nay khiến nhà đầu tư e dè, thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính, trang Tin Nhanh Chứng khoán đưa tin.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay cũng không dễ bởi hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cạn dần vào cuối năm.
“Với vòng luẩn quẩn như hiện nay, nguy cơ thị trường bất động sản “rơi” trong thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không có những biện pháp hỗ trợ kịp thời”, ông Thắng nói.
Hiện nay, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, từ các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính đến khó khăn về dòng tiền, thời hạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, v.v…
Các vụ án rúng động thị trường liên quan đến Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát,… được cho là khiến doanh nghiệp BĐS càng rơi vào tình cảnh “khát” vốn tín dụng, một phần nữa là do thị trường chứng khoán lao dốc.
Do đó, doanh nghiệp BĐS phải chiết khấu cao cho các dự án tương lai, hoặc vòng qua vay ký quỹ chứng khoán để thu xếp vốn ngắn hạn giá cao,…
Tại cuộc họp ngày 8/11 do Phó Thủ tướng Việt Nam tổ chức với các Tập đoàn BĐS lớn ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã đưa ra một số đề xuất để “cứu” thị trường như: nới trần room tín dụng thêm 1% (tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng); cho nhà đầu tư phổ thông mua trái phiếu riêng lẻ; cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp để mua, thuê mua nhà ở xã hội, v.v…
Giới chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động kéo theo lãi suất cho vay mua nhà sẽ tiếp tục tăng, người mua nhà nên cân nhắc kỹ về dòng tiền và khả năng trả nợ, Tạp chí Tài chính đưa tin.
Trọng Minh
Từ khóa Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất vay ngân hàng bất động sản