Mỹ chấm dứt ưu đãi thương mại với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ – Gia tăng sức ép cho TQ
- Hoàng Giang
- •
Theo Reuters, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 4/3 đã thông báo về việc Mỹ dự định chấm dứt quy chế ưu đãi thương mại với hai quốc gia Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chấm dứt ưu đãi thương mại với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ
Thông báo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ không còn tuân thủ các điều kiện đặt ra nên Mỹ có ý định chấm dứt việc liệt hai quốc gia này vào danh sách các quốc gia đang phát triển hưởng lợi theo Chế độ Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP).
Động thái này được đưa ra sau khi Ấn Độ thất bại trong việc đảm bảo cho Mỹ “tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”. Ấn Độ đã thực hiện hàng loạt rào cản thương mại gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố chương trình ưu đãi thương mại, trong đó cho phép lượng hàng hóa trị giá 5,6 tỷ USD của Ấn Độ xuất sang thị trường Mỹ không bị đánh thuế cũng sẽ sớm chấm dứt.
Còn về phía Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này hiện “đã phát triển đầy đủ về mặt kinh tế” nên cũng không còn đáp ứng tiêu chí GPS.
GPS là chương trình ra đời từ năm 1976 nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế của các nước nghèo thông qua việc cấp ưu đãi miễn thuế với hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ. Khoảng hơn 120 quốc gia hiện được hưởng ưu đãi này.
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ các nước kinh tế nhỏ khỏi GPS của Mỹ nhằm buộc các đối tác này nhượng bộ về thương mại, giảm nhẹ thâm hụt thương mại khổng lồ mà Mỹ hiện đang phải gánh chịu và giành lại “sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ”.
Gia tăng sức ép với Trung Quốc
Trong cuộc chiến thương mại của Mỹ – Trung, Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép cho Trung Quốc khi yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) loại Trung Quốc khỏi danh sách “nước đang phát triển”.
Hiện WTO đang cho phép các quốc gia thành viên tự đánh giá xem họ có phải là nước đang phát triển hay không. Điều đáng nói là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tuyên bố mình là quốc gia đang phát triển để được đối xử “đặc biệt và khác biệt”, được hưởng chính sách bảo hộ trong đàm phán thương mại, bao gồm mức thuế quan cao và trợ cấp nông nghiệp.
Trong cuộc họp báo của WTO tại trụ sở ở Geneva hôm 28/2, ông Dennis Shea – đại sứ Mỹ tại tổ chức này đã phát biểu: “Không có gì đặc biệt hay khác biệt khi một quốc gia thành viên đã thám hiểm lên vùng tối Mặt Trăng… lại khăng khăng đòi được đối xử giống như một trong những thành viên nghèo nhất của chúng ta.”
Ông Dennis Shea cũng đề xuất kế hoạch cải tổ việc đánh giá một quốc gia không còn được nhận những đặc quyền của WTO dựa trên một trong 4 tiêu chí sau:
- Quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
- Quốc gia là thành viên của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20)
- Quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm có thu nhập cao
- Quốc gia chiếm ít nhất 0,5% hoạt động thương mại toàn cầu
Đại sứ Shea đang tìm kiếm sự đồng thuận trong kế hoạch cải tổ WTO từ Nhật Bản và Liên minh châu Âu, sau đó dần tiến tới các thành viên khác. Mỹ thậm chí còn ngụ ý về việc sẵn sàng rút khỏi WTO nếu các cải cách không được thực hiện.
Trước đó, tại kỳ họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ngày 21/11/2018 bên lề Hội nghị cấp cao G-20, Mỹ cáo buộc Bắc Kinh sử dụng WTO để theo đuổi các chính sách “phi thị trường” và “dối trá”. Ông Dennis Shea nhấn mạnh Trung Quốc lợi dụng WTO để thúc đẩy chính sách phi thị trường, làm méo mó thị trường thế giới, dẫn đến năng lực sản xuất quá dư thừa, đặc biệt là sắt thép và nhôm.
Hoàng Giang
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung Trung Quốc tham gia WTO Ưu đãi thương mại