Sau vụ ông Trump bị ám sát hụt hôm 13/7, trong khi chính quyền Biden nhanh chóng phản ứng thì chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại tương đối “kiệm lời” về vụ việc. Tuy vậy, các nhà bán lẻ Trung Quốc đã lập tức ‘chớp’ lấy cơ hội ‘bắt trend’ kinh doanh.

Trump bi am sat 1
Áo phông in hình ông Trump bị thương đang giơ nắm tay được bán tại một lối đi bộ ở New Jersey. (Ảnh: X/ @ThaDietz_)

Những bình luận công khai đầu tiên của ông Biden về vụ xả súng được đưa ra vào khoảng 8h tối cùng ngày, khi đó các nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất áo phông có hình ông Trump giơ nắm tay, bất chấp âm mưu ám sát. Lô áo phông đầu tiên được bán trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc, vào lúc 8h40 tối hôm cùng ngày, trước khi hầu hết các chính phủ trên thế giới có phản ứng với vụ ám sát. Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin nói rằng đây chính là tốc độ của Trung Quốc.

Li Jinwei, một người bán hàng 25 tuổi trên eBay, đã rao bán những chiếc áo phông của mình trên mạng trong giờ ăn sáng Chủ nhật ở Trung Quốc. Li cho biết: “Ngay khi biết tin về vụ nổ súng, chúng tôi đã đưa những chiếc áo phông lên Taobao. Mặc dù chưa in nhưng trong vòng 3 giờ, chúng tôi đã thấy hơn 2.000 đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Mỹ.”

Nhà máy của Li nằm ở phía bắc tỉnh Hà Bắc. Cô có thể tạo ra sản phẩm mới chỉ bằng cách tải hình ảnh xuống và nhấn nút in trong thời gian trung bình là 1 phút để hoàn thành 1 chiếc áo. Cô nói: “Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng tôi chỉ làm quà lưu niệm về ông Trump vì ông ấy có nhiều khả năng thắng cử hơn và ông ấy rất được cư dân mạng Trung Quốc yêu thích”.

Yao Ailun, đồng sáng lập Công ty Sản xuất In kỹ thuật số Xinfei đến từ Quảng Đông, cho biết nhu cầu về áo phông đặt làm theo yêu cầu với “chủ đề bầu cử và biểu tình” tại thị trường Mỹ khá mạnh. Đầu năm nay, Yao đã mở một nhà máy hoàn toàn tự động ở California, với sản lượng hàng ngày khoảng 3.000 chiếc áo phông, dự kiến ​​sẽ tăng lên 8.000 chiếc vào tháng tới.

Yao cho biết: “Những chiếc áo phông này được nhập khẩu từ Việt Nam và lưu kho tại Mỹ. Tốc độ sản xuất rất nhanh”. Ông nói thêm rằng một máy in kỹ thuật số có thể in 27 mét vuông 1 giờ, tương đương khoảng 8 chiếc áo phông liên quan đến bầu cử, và có thể được đăng bán ngay lập tức ở California. Ông nói, “Nhu cầu quá cao nên chúng tôi không thể sản xuất đủ”. Công ty của ông Yao có kế hoạch mở một nhà máy mới ở Bờ Đông nước Mỹ vào năm tới để tăng sản lượng hàng ngày lên 30.000 chiếc.

Dữ liệu từ DHgate, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tập trung vào thị trường Mỹ, cho thấy khối lượng giao dịch quà lưu niệm liên quan đến bầu cử đã tăng hơn 40% mỗi tháng kể từ tháng 1, với tốc độ tăng trưởng hàng tháng trong tháng 3 vượt quá 110%. Trang tin Yicai tại Thượng Hải đưa tin vào tháng 5 trích dẫn số liệu từ DHgate cho biết, tổng khối lượng giao dịch quà lưu niệm bầu cử ở Mỹ trong quý đầu tiên đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với các nhà sản xuất khác, triển vọng ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 không chỉ có ý nghĩa đối với áo phông và đồ lưu niệm – các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang bắt đầu xuất khẩu các lô hàng vì lo ngại tăng thuế thêm. Xuất khẩu tính bằng đô la tăng 8,6% so với cùng kỳ trong tháng 6, trong khi chỉ số giá sản xuất và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm trong cùng kỳ.

Nhà xuất khẩu đồ nội thất gia đình Trung Quốc Sam Xiao cho biết công ty của ông ở Texas, Mỹ, đã yêu cầu trụ sở chính tại Trung Quốc đặt hàng và gửi hàng ngay lập tức để lấp đầy kho hàng trước cuối năm nay. Ông chỉ ra: “Nhiều nhà xuất khẩu đang thảo luận liệu có cần thiết phải xuất xưởng trước cuộc bầu cử để đối phó với những thay đổi đồng thời có thể xảy ra trong tương lai hay không, chẳng hạn như khả năng tăng thuế và chi phí vận chuyển tăng cao”.

Gao Zhendong, một chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Bắc Kinh, người giúp các công ty Trung Quốc đầu tư toàn cầu, cho biết mức tăng xuất khẩu sẽ không lớn vì chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã được điều chỉnh trong 6 hoặc 7 năm qua, và chính quyền Biden phần lớn vẫn tiếp tục chính sách thuế quan từ thời chính quyền Trump. Nhưng chiến thắng của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Ông phân tích: “Hầu hết các nhà xuất khẩu đều tin rằng vụ việc này đã làm tăng đáng kể khả năng chiến thắng của ông Trump. Nếu ông Trump thắng, thuế đối với ‘3 sản phẩm mới’ (xe điện, pin lithium, năng lượng mặt trời), sản phẩm sắt và nhôm sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, điều này cũng đồng nghĩa với việc các chuỗi cung ứng liên quan tại Việt Nam và Mexico có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi ông Trump luôn chỉ trích Việt Nam và Mexico là ‘thiên đường tái xuất khẩu’ cho sản xuất Trung Quốc.”

Tuy nhiên, nhập khẩu của Trung Quốc khó có thể giảm thêm, ông nói thêm. “Trong những năm gần đây, khối lượng thương mại Trung – Mỹ đã giảm đáng kể và ổn định. Không có nhiều không gian để giảm thêm hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bởi vì bất kỳ nỗ lực nào của Chính phủ Mỹ nhằm giảm hơn nữa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị hạn chế bởi áp lực lạm phát của Mỹ, ông Cao nói.

Ông Tập Cận Bình gửi lời hỏi thăm

Ngày 14/7, mặc dù các chủ đề liên quan đến vụ ám sát ông Trump nằm trong danh sách tìm kiếm nóng ở Trung Quốc Đại Lục nhưng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại nói rất ít, chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi lời thăm hỏi cá nhân ông Trump.

Trong cuộc họp báo lúc 3h10 chiều (giờ Bắc Kinh) ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ bày tỏ quan ngại ngắn gọn, và cho biết ông Tập Cận Bình đã gửi hỏi thăm tới ông Trump, nhưng không tiết lộ kênh thăm hỏi và nội dung lời chia buồn của ông Tập Cận Bình.

Theo báo cáo của Đài Châu Á Tự Do (RFA), vụ việc này đã gây chấn động thế giới. Tại châu Á, các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, v.v, đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại và gửi lời thăm hỏi. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ rõ ràng là thờ ơ, tính đến 1h chiều ngày 14/7, vẫn chưa có phản hồi nào. Phải đến khoảng 3h chiều, hơn 8h sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới tiết lộ ông Tập Cận Bình đã gửi lời thăm hỏi.

Ngoài ra, vì vụ việc gây chấn động thế giới nên truyền thông các nước đổ xô đưa tin. Tuy nhiên tại Trung Quốc Đại Lục, chỉ có các cơ quan truyền thông địa phương và không phải trung ương liên tục cập nhật trạng thái mới nhất của vụ việc vào sáng 14/7. Trên danh sách tìm kiếm nóng của Baidu và Weibo, vụ việc liên quan đến vụ ám sát Trump cũng tiếp tục đứng đầu danh sách.

Tuy nhiên, cách xử lý sự việc của các phương tiện truyền thông chính thống tương đối thận trọng và khiêm tốn. Tính đến trưa ngày 14/7, sự việc gần như không được nhắc đến, trên trang nhất các trang tin chính thức này đều là nội dung liên quan đến Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào ngày 15/7, và tuyên truyền về các chủ trương kinh tế của ông Tập Cận Bình.

Điều đáng chú ý là chính quyền ĐCSTQ không cấm cư dân mạng Đại Lục bình luận trong khu vực bình luận liên quan đến vụ việc ông Trump bị ám sát hụt. Cũng có thể thấy qua nội dung thảo luận, ngoài việc bày tỏ sự bất ngờ trước vụ việc, cư dân mạng Đại Lục còn bàn tán ầm ĩ về nền chính trị Mỹ, trong đó có tác động của vụ ám sát đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Bất kể trong các báo cáo hay trong khu vực bình luận, đều không có bình luận hoặc thông tin nào ủng hộ rõ ràng bất kỳ ứng cử viên tổng thống Mỹ nào.

Một số cư dân mạng cho rằng ĐCSTQ hiện không dám chọn phe. Sau cuộc tấn công vào ông Trump, họ có thể lợi dụng dư luận để thổi phồng một cách ác ý rằng các nước dân chủ quá hỗn loạn. Vì vậy, vẫn cần chờ xem phản ứng chính thức của ĐCSTQ đối với vụ việc này.