Sau 3 tháng, cổ phiếu FLC mất hơn một nửa giá từ sự kiện ngày 10/1
- Tuyết Minh
- •
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin hôm 10/1, cổ phiếu FLC liên tục “lao dốc” và đã mất hơn 56% thị giá. Mới đây, một số mã thuộc “họ” FLC không được giao dịch ký quỹ vì chậm công bố thông tin.
Sau nhiều vụ việc bắt giữ các tỷ phú doanh nhân và các bị can khác, thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch ngày 8/4 trong sắc đỏ. Theo đó, chỉ số VN-Index giảm 20,35 điểm, tương đương giảm 1,35% xuống mức 1.482 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 9,58 điểm, tương đương 2,17% xuống 432,02 điểm. Theo ghi nhận, phiên ngày 8/4 có hơn 370 mã giảm giá, chỉ hơn 90 mã tăng giá.
Đối với mã cổ phiếu “họ” FLC, phiên ngày 8/4 có 2 mã giảm sàn là FLC và ROS; 4 mã giảm giá gồm AMD, ART, HAI và KLF. Cụ thể, mã FLC giảm sàn về mức 9.720 đồng/cổ phiếu; ROS giảm còn 5.660 đồng/cổ phiếu; các mã còn lại giảm từ 2,4-5%.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá cổ phiếu FLC đạt mức cao nhất 22.500 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 7/1, trước khi ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu). Đến nay sau 3 tháng, giá trị của cổ phiếu FLC đã mất hơn 56%, về mức 9.720 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, mã ROS cũng lao dốc từ mức giá 15.900 đồng/cổ phiếu phiên ngày 7/1 xuống còn 5.560 đồng, tương đương mất khoảng 65% thị giá. Theo lịch sử giao dịch 5 năm gần đây, mã ROS từng được đẩy lên tới gần 180.000 đồng/cổ phiếu (tháng 10/2017) và chạm đáy còn 2.000 đồng/cổ phiếu sau 3 năm (tháng 10/2020).
Điểm rơi chung của nhóm cổ phiếu họ FLC là từ phiên ngày 10/1 ngay sau khi ông Quyết bị nhà đầu tư và báo chí phanh phui bán không công bố thông tin 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Sau vụ việc này, ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng.
20 ngày tiếp theo, giá cổ phiếu FLC lao thẳng đứng xuống chỉ còn 10.500 đồng/cổ phiếu vào hôm 27/1. Kể từ thời điểm này, đan xen giữa những phiên tăng và giảm liên tục, xu hướng chung mã FLC đã dần lấy lại đà phục hồi trong ngắn hạn.
Đến ngày 25/3, nhà đầu tư chưa kịp vui mừng khi mã FLC tăng lên lại 14.500 đồng/cổ phiếu thì rộ tin đồn trên các diễn đàn, mạng xã hội về việc ông Trịnh Văn Quyết bị hoãn xuất cảnh 1 tháng để phục vụ điều tra tối Chủ nhật ngày 27/3.
Một ngày sau, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 28/3, thông tin trở nên khó đoán định khi truyền thông trong nước đưa tin bất nhất về tình hình của ông Trịnh Văn Quyết.
Tuy vậy, sự thật được công bố ngay hôm sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giam, khởi tố ông Quyết và các bị can khác vì hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” vào ngày 29/3. Từ thời điểm đó đến nay, nhóm cổ phiếu họ FLC liên tục bị bán tháo nhiều phiên.
Vừa qua, thêm một tin tức không tốt đối với nhóm cổ phiếu này, hôm 8/4, HoSE công bố danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện cấp margin, trong đó có 3 mã: FLC, ROS và HAI. Việc này nhiều khả năng khiến sức mua đối với các mã trên tiếp tục giảm, người mua ít, người bán nhiều có thể khiến cổ phiếu họ FLC chưa dừng đà lao dốc.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nguyên nhân ngừng hoạt động cấp margin cho các mã trên vì 3 doanh nghiệp này đều chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán, quá hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Nhóm cổ phiếu FLC còn được cấp margin gồm: AMD, KLF và ART.
Trước đó, vào ngày 5/4, ông Trương Lê Quốc Công – Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán đã gửi văn bản đến các công ty chứng khoán, yêu cầu báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ với các mã kể trên thuộc nhóm FLC, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Trong báo cáo, UBCKNN đề nghị các công ty chứng khoán phải nêu rõ các nội dung: dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty; số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán.
Kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán đã hạ tỷ lệ cấp margin cho nhà đầu tư đối với các mã thuộc họ FLC kể trên, ở một số nơi tỷ lệ này đã rơi về gần bằng 0%. Tuy vậy, vẫn còn một số công ty cho vay với tỉ lệ từ 20-50%, tức vốn 100 triệu thì được vay thêm 20-50 triệu đồng để mua cổ phiếu, cũng theo báo Tuổi Trẻ.
Ở một diễn biến liên quan, sau khi ông Trịnh Văn Quyết và hai em ruột bị bắt, mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hương Trần Kiều Dung – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC và bà Nguyễn Quỳnh Anh – Tổng giám đốc Chứng khoán BOS, được cho là có vai trò đồng phạm góp phần cho ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán.
Từ khóa Thị trường chứng khoán Dòng sự kiện ông Trịnh Văn Quyết Tập đoàn FLC cổ phiếu FLC