Sau Mỹ, mới đây Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đạt hơn 19 tỷ USD (giảm 4% so với cùng kỳ).

hoi dam nhat ban viet nam
Ngày 27/11, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. (Ảnh: baotintuc.vn)

Tối 27/11, ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đồng chủ trì họp báo quốc tế, thông báo về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Truyền thông trong nước đưa tin, hai bên sẽ thống nhất những phương hướng lớn, chủ đạo của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Đối tác Chiến lược Toàn diện là cấp cao nhất trong quan hệ giữa các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với khoảng 33 nước. Bốn nước Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam trước đó gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: “Tôi và Ngài Thủ tướng Kishida Fumio hoan nghênh các khoản vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt mốc 100 tỷ Yen (khoảng 671 triệu USD)”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Ông Kishida cho biết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 19 tỷ USD (-4%), trong khi nhập khẩu từ quốc gia này đạt hơn 17,7 tỷ USD (-10%).

Về nhóm hàng, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,42 tỷ USD là nhóm hàng đứng thứ hai, đây là nhóm hàng chủ lực có tăng trưởng khá.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ ba với kim ngạch 2,27 tỷ USD giảm khoảng 30 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ tư là gỗ và sản phẩm với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, giảm khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ 2022. Đây là một trong những nhóm hàng chủ lực có mức giảm mạnh nhất (giảm gần 10%).

Thủy sản đạt gần 1,25 tỷ USD đứng thứ năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhóm hàng này giảm khoảng 180 triệu USD và là nhóm hàng “tỷ đô” bị giảm mạnh nhất (giảm gần 13%).

Đức Minh