Sri Lanka hết nhiên liệu, kinh tế tiếp tục khủng hoảng trong vài tháng tới
- Thanh Minh
- •
Trong bối cảnh thiếu ngoại tệ thanh toán, Sri Lanka đã rơi vào tình trạng hết nhiên liệu và nền kinh tế “cực kỳ bấp bênh”, Thủ tướng mới của Sri Lanka cho biết hôm 16/5.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết Chính phủ nước này cần khoản tiền mặt khẩn cấp 75 triệu USD để thanh toán cho hàng nhập khẩu thiết yếu trong vài ngày tới.
“Hiện tại, nền kinh tế Sri Lanka cực kỳ bấp bênh”, ông Wickremesinghe nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. “Vài tháng tới sẽ là những tháng khó khăn nhất trong cuộc đời chúng tôi”.
Ông Wickremesinghe cho hay 3 lô hàng dầu thô và dầu lò “đã được neo đậu trong khu vực hàng hải của Sri Lanka” nhưng Chính phủ không thể huy động đô la để trả cho họ.
“Hiện tại, ngân hàng trung ương, ngân hàng địa phương và tư nhân, và các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Sri Lanka đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đồng USD. Như [công chúng] đã biết, chúng tôi sở hữu một lượng đô la Mỹ rất thấp”, ông Wickremesinghe nói.
Trong khi các lô hàng dầu Diesel và xăng sử dụng hạn mức tín dụng của Ấn Độ có thể cung cấp cứu trợ trong những ngày tới, ông Wickremesinghe cảnh báo rằng Sri Lanka có thể chứng kiến sự cố mất điện kéo dài tới 15 giờ mỗi ngày.
Nước này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc và thiết bị phẫu thuật nghiêm trọng, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh tim và vắc-xin chống bệnh dại. Sri Lanka hiện đang nợ 34 tỷ rupee Sri Lanka (94 triệu USD) cho các nhà cung cấp dược phẩm.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka sẽ phải in tiền để trả lương cho các nhân viên khu vực nhà nước, mặc dù ông Wickremesinghe cảnh báo rằng làm như vậy sẽ khiến đồng tiền mất giá. Ông cũng đề xuất tư nhân hóa các hãng Hàng không Sri Lanka.
Trước đó, ông Wickremesinghe được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày 12/5 sau khi các cuộc biểu tình bạo lực dẫn đến sự từ chức của ông Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa.
Theo ghi nhận, cuộc biểu tình đã khiến ít nhất 9 người chết và 219 người khác bị thương sau khi những người ủng hộ đảng cầm quyền tấn công những người biểu tình chống chính phủ vào ngày 9/5. Quân đội có vũ trang hiện được phép bắn bất cứ ai được nhìn thấy cướp bóc tài sản công cộng hoặc gây thiệt hại.
Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết hôm 15/5 rằng 230 người đã bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm, tấn công công chúng và gây thiệt hại. Trong số đó, 68 người đã bị tạm giam.
Sri Lanka là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường Trung Quốc (BRI), các quốc gia khác đã chỉ trích đây chính là “bẫy nợ” cho các quốc gia nhỏ hơn. Một số dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi các khoản đầu tư nước ngoài đã không mang lại doanh thu, khiến đất nước rơi vào nợ nần.
Vào tháng 12/2017, Chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê cảng quan trọng Hambantota trong 99 năm để chuyển đổi các khoản vay nợ 1,4 tỷ đô la thành vốn chủ sở hữu. Động thái này đã khiến hàng ngàn người biểu tình phản đối thỏa thuận giữa Sri Lanka và chính quyền Bắc Kinh.
Thành viên Quốc hội Sri Lanka Harsha de Silva hôm 15/5 nói rằng Chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc “tìm cách thoát khỏi các khoản nợ” được tích lũy từ các dự án cơ sở hạ tầng của đất nước.
“Chúng tôi không thể hủy bỏ các dự án ngay bây giờ. Những gì chúng tôi có thể làm là tìm ra cách để thoát khỏi nợ nần. Chúng tôi phải tái cấu trúc nó, chúng tôi phải nói chuyện với Người Trung Quốc và đi đến một giải pháp”, ông Silva nói với India Today.
Khoảng 10% trong số 51 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka là nợ Trung Quốc. Sri Lanka đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Trung Quốc để cơ cấu lại nghĩa vụ nợ và hỗ trợ tài chính trị giá 2,5 tỷ USD. Vào tháng 5, Chính phủ Sri Lanka cho biết Bắc Kinh đã gia hạn gói viện trợ tổng cộng 500 triệu nhân dân tệ (76 triệu USD).
Từ khóa sáng kiến 'Vành đai và Con đường' bẫy nợ Trung Quốc Sri Lanka Dòng sự kiện khủng hoảng tại Sri Lanka