TP.HCM và Hà Nội: Hết xăng, bán nhỏ giọt và người dân đổ xăng vỉa hè giá “trên mây”
- Đức Minh
- •
Không riêng TP.HCM và các tỉnh miền Tây, khu vực Tây Nguyên,… Hà Nội cũng đang diễn ra tình trạng cây xăng hết hàng, bán nhỏ giọt 30.000 đồng hoặc treo bảng “hết xăng, còn dầu” trong nhiều ngày qua. Ngày 1/11, giá xăng dầu tiếp tục được liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp, nhưng Sở Công thương TP.HCM vừa cho biết có tới 108/550 cửa hàng thiếu xăng, dầu vào chiều cùng ngày.
- Chủ cây xăng miền Tây lao đao vì thua lỗ, người dân chật vật tìm mua xăng dầu
- Bộ Công thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng cho DN xăng dầu
Chiều ngày 1/11, liên Bộ Công thương điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá xăng RON95 tăng thêm 410 đồng/lít, lên mức giá 22.750 đồng. Xăng E5 RON92 cũng đắt thêm 380 đồng, lên 21.870 đồng. Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này từ giữa tháng 10 đến nay.
Các mặt hàng dầu cũng tăng, với dầu Diesel là 290 đồng một lít; dầu hoả 120 đồng và dầu mazut 190 đồng mỗi kg. Sau điều chỉnh, Diesel có mức giá mới là 25.070 đồng; dầu hoả 23.780 đồng và mazut 14.080 đồng.
Cũng trong chiều ngày 1/11, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết có gần 20% cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM thiếu hàng (tính ở thời điểm 12h cùng ngày), tương đương 108/550 cây xăng không còn đủ hàng bán cho người dân.
Tại cây xăng nằm trên quốc lộ 1A (Quận 12) treo biển đóng cửa đến sáng 1/11 vẫn chưa nhập được hàng. Nhân viên tại đây cho biết lượng xăng về nhỏ giọt nên không có hàng bán cho khách. Tương tự, ở quận Gò Vấp, cây xăng trên đường Nguyễn Oanh cũng xảy ra tình trạng hết xăng, Vnexpress đưa tin.
Trong khi đó, tại cây xăng trên đường Thống Nhất liên tục hết hàng vào mỗi buổi sáng và chỉ mở bán vài tiếng vào các buổi chiều tối. Dọc các tuyến đường quốc lộ 13 đi qua TP Thủ Đức, nhiều cây xăng cũng đóng cửa, số khác bán theo hạn mức 30.000 đồng/lượt.
Lãnh đạo doanh nghiệp (không nêu danh tính) sở hữu 12 cây xăng ở TP.HCM cho biết tình trạng này khó chấm dứt vì doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa đủ hàng để phân phối.
“Chúng tôi chỉ được cung ứng nhỏ giọt 50-60% so với thông thường. Do đó, nhiều cây xăng vẫn luôn trong tình trạng hết hàng”, vị này nói – Vnexpress dẫn lời.
Ở Hà Nội, nhiều cây xăng HFC (thuộc Công ty Thái Minh Petro) treo bảng hết xăng, đóng cửa, ngừng phục vụ khách hàng. Tại HFC Tam Đa (249 Thụy Khuê, Tây Hồ) lúc 17h ngày 1/11, xe máy cũng xếp thành hàng dài chờ đổ xăng, chỉ có 2/4 trụ bơm hoạt động nên người dân phải chờ đợi rất lâu mới tới lượt, theo Tuổi Trẻ.
Nhiều người đợi chờ quá lâu vẫn chưa mua được xăng nên sốt ruột bỏ đi. Chưa kể, theo nhân viên chỉ còn xăng RON92, không có xăng RON95 nên nhiều ô tô tới đổ phải quay đầu đi ra tay không.
Đến 17h30, cửa hàng cũng ngừng phục vụ khách hàng với lý do “tạm dừng bán để nhập hàng”.
Trước tình cảnh trên, nhiều người dân phải bỏ tiền đổ xăng từ những người bán lẻ trên vỉa hè trước cây xăng với giá 30.000 đồng/lít và 60.000 đồng/bình 2 lít để không bị dắt bộ về nhà.
Đến hơn 21h30, nhiều người dân đi đường cũng phải lắc đầu ngao ngán bỏ đi tìm cây xăng khác vì giá bán xăng vỉa hè “trên mây”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định việc hàng loạt cây xăng đóng cửa ở TP.HCM và phía Nam là “điều bất thường, đáng tiếc”, còn tình trạng này không diễn ra ở miền Bắc và miền Trung.
Đồng thời, Bộ trưởng Diên liên tục khẳng định “Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu”. Ông Diên còn nêu ra hàng loạt lý do cho sự khác nhau giữa hai khu vực như: phía Nam xăng dầu lậu tràn lan nên người kinh doanh không quan tâm lắm đến nguồn cung ổn định; chi phí kinh doanh xăng dầu lỗi thời, bất cập; doanh nghiệp xăng dầu thiếu nguồn vốn, kinh doanh thua lỗ, v.v…
Tuy vậy, dường như thực trạng trên đã “đi ngược” với phát biểu của Bộ trưởng và người dân Hà Nội cũng đang bức xúc vì cảnh xếp hàng đổ xăng nhiều ngày qua.
Từ khóa Liên bộ Công thương - Tài chính Cơn đau cây xăng đóng cửa hết xăng