Từ tháng 8, Mỹ sẽ khôi phục mức thuế cao đối với hàng trăm quốc gia
- Bình Minh
- •
Theo NBC, hôm Chủ nhật (6/7), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trả lời phỏng vấn chương trình “State of the Union” của CNN cho biết, Mỹ sẽ khôi phục mức thuế quan cao đối với nhiều quốc gia vào đầu tháng Tám, khi thời hạn tạm ngưng áp thuế 90 ngày kết thúc vào thứ Tư tuần này.
Ông Bessent nói rằng Tổng thống Trump sẽ gửi thông báo chính thức đến một số đối tác thương mại, cảnh báo nếu không hoàn tất đàm phán trước ngày 1/8, Mỹ sẽ đưa thuế quan của các quốc gia này trở lại mức của ngày 2/4, tức ngày “Ngày Giải phóng”.
Ông nhấn mạnh đây không phải là một hạn chót mới, mà là thời điểm điều này sẽ xảy ra. Nếu các nước muốn đẩy nhanh tiến độ, hãy đàm phán; nếu không muốn thỏa hiệp, thì hãy chuẩn bị chịu hậu quả sau ngày 1/8.
Hôm thứ Sáu (4/7), chính Tổng thống Trump cũng tuyên bố, bắt đầu từ ngày 1/8, Mỹ sẽ áp thuế trở lại với những quốc gia chưa đạt thỏa thuận, với mức thuế từ 10%-70%, đồng thời khẳng định gần như tất cả các trường hợp, tiền thuế sẽ bắt đầu chảy vào nước Mỹ từ ngày 1/8.
Đàm phán tiến triển không đồng đều, nhiều quốc gia vẫn chưa phản hồi Mỹ
Theo CNN, Chính phủ Mỹ dự định gửi thư áp thuế tới khoảng 100 quốc gia, đặc biệt là những nước có giao thương không lớn với Mỹ. Nhiều quốc gia trong số này hiện đang chịu mức thuế cơ bản 10%. Ông Bessent tiết lộ, mặc dù Nhà Trắng từng kỳ vọng các nước sẽ tích cực phản hồi, nhưng thực tế nhiều nước thậm chí chưa từng liên hệ với Mỹ.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro từng nói hồi tháng Tư rằng trong 90 ngày có thể đạt được 90 thỏa thuận. Nhưng đến nay, Mỹ mới chỉ đạt được khung thỏa thuận sơ bộ với 3 quốc gia: Anh giữ mức thuế 10%, Trung Quốc giảm phần lớn thuế từ 145% xuống 30%, và Việt Nam đồng ý mức thuế thấp nhất 20%.
Ông Bessent nói thêm, các thư cảnh báo sắp tới sẽ nêu rõ mức thuế cuối cùng của từng quốc gia. Ông kỳ vọng sẽ hoàn tất ký kết 100 thỏa thuận trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ những quốc gia nào gần đạt thỏa thuận, chỉ nói rằng Mỹ đang chơi bài với các nước thâm hụt thương mại, họ có con bài trong tay.
Khi được hỏi liệu ngày 1/8 có phải là hạn chót mới hay không, ông Bessent phủ nhận. Ông lấy ví dụ về EU rằng nếu các nước không muốn đàm phán, thì thuế quan sẽ trở về mức cũ. Đây không phải là thời hạn mới do Mỹ đặt ra, mà là sự lựa chọn của họ.
Nhiều quốc gia khẩn cấp đàm phán, Hàn Quốc và Nhật Bản tích cực liên hệ
Khi thời gian ân hạn sẽ kết thúc vào ngày 9/7, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tích cực đàm phán với Mỹ, hy vọng kéo dài thời hạn đàm phán hoặc đạt được các điều kiện thuận lợi hơn.
Theo Yonhap và Reuters, ngày 5/7, Bộ trưởng Đàm phán Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Lee Greer, hai bên đã trao đổi ý kiến về việc kéo dài thời hạn. Ông Yeo nhấn mạnh, Chính phủ Lee Jae-myung sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông dự đoán Trump có thể sẽ một lần nữa trì hoãn việc áp thuế cao.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba vẫn giữ vững lập trường cứng rắn trước áp lực từ Tổng thống Trump. Ông nhấn mạnh Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư kinh tế lớn nhất của Mỹ trên toàn cầu, không nên bị đánh đồng với các quốc gia khác, đồng thời chất vấn những cáo buộc không công bằng đến từ đâu.
Ông Ishiba nói Nhật Bản sẽ kiểm tra từng điểm trong tuyên bố của Mỹ và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Theo kế hoạch thuế quan ông Trump công bố ngày 2/4, Hàn Quốc có thể phải đối mặt với thuế đối ứng 25%, Nhật Bản 24%, và EU 20%.
Tại châu Âu, thái độ phản đối cũng rất rõ ràng. Ngày 5/7, Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard tuyên bố, nếu Mỹ và châu Âu không đạt được thỏa thuận trong thời hạn, châu Âu chắc chắn sẽ phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn. Hiện các quốc gia thành viên EU đang thảo luận các biện pháp trả đũa đối đẳng tiềm tàng.
Thị trường phản ứng thận trọng, nhóm kinh tế bảo vệ chính sách
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gửi thư áp thuế, các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ giảm nhẹ. Dù ông Bessent khẳng định chưa thấy lạm phát, một số nhà kinh tế và doanh nghiệp đã đưa ra cảnh báo.
Ví dụ, các nhà bán lẻ lớn như Walmart từng nói rằng nếu phạm vi đánh thuế mở rộng, họ sẽ buộc phải tăng giá hàng hóa. Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers cũng chỉ trích thuế quan có thể giúp tăng thu ngân sách, nhưng sẽ đẩy lạm phát lên và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Stephen Millan đã lên tiếng ủng hộ chính sách thuế quan trên chương trình “This Week” của ABC, nói rằng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy thuế quan đánh vào Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã gây tổn hại kinh tế, và nhấn mạnh việc làm vẫn tiếp tục tăng, lạm phát không tăng rõ rệt.
Theo số liệu tháng Sáu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng Năm chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Bessent nói trên Fox News rằng tác động của thuế quan đối với lạm phát đã bị phóng đại, và chính sách này thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ trong thương mại.
Chính sách thuế quan đối ứng là trụ cột trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nhấn mạnh rằng Mỹ phải nhận được sự đối xử bình đẳng từ các quốc gia khác. Tuy động thái này nhận được sự ủng hộ từ một số ngành công nghiệp trong nước, nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu.
Trong những ngày tới, việc Mỹ có đạt được thỏa thuận với nhiều quốc gia hay không, hoặc liệu thuế quan cao có chính thức được áp dụng, dự kiến sẽ có tác động sâu rộng đến cục diện thương mại toàn cầu.
Từ khóa Thuế quan Mỹ Scott Bessent
