Tỷ giá trung tâm đã tăng 618 đồng/USD từ đầu năm. Thặng dư thương mại thu hẹp, FDI đăng ký giảm và nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trên thị trường chứng khoán, khiến áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng. 

USD
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Hôm nay (16/5), Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.960 VND/USD, giảm 13 đồng so với ngày hôm trước.

Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 26.208 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.712 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.762– 26.158 VND/USD (mua vào – bán ra).

Tại Vietcombank, tỷ giá được niêm yết ở mức 25.729 – 26.110 VND/USD (mua vào – bán ra). Tại BIDV, tỷ giá giao dịch ở mức 25.750 – 26.110 VND/USD. Tại Techcombank, tỷ giá niêm yết 25.723 – 26.120 VND/USD.

Trên thị trường tự do, USD giao dịch ở mức 26.450 – 26.550 VND/USD (mua vào – bán ra).

So với đầu năm, Tỷ giá trung tâm đã tăng 618 đồng/USD; Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 551 đồng/USD; Tỷ giá thị trường tự do tăng 733 đồng/USD, trong khi chỉ số USD Index lao dốc từ mức 109 xuống 100.

Tỷ giá vẫn trong vòng áp lực

Kể từ khi Mỹ công bố thuế quan đối ứng với hàng loạt quốc gia ngày 2/4, trong đó Việt Nam chịu mức thuế 46%, gần cao nhất, Việt Nam đã bị đặt trong vòng áp lực tỷ giá. Mặc dù sau đó 1 tuần (ngày 9/4), Tổng thống Dolnald Trump ra sắc lệnh hoãn thực thi thuế quan đối ứng này trong vòng 90 ngày, mà thay vào đó là mức thuế cơ sở 10%, thì Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng áp lực của tỷ giá.

Ngay trong tháng 4, tổng kim ngạch thương mại đã giảm 1,4%, chỉ đạt 74,32 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài FDI đăng ký giảm 8,4% so với cùng kỳ. Nhiều nhà đầu tư hoãn lại các kế hoạch thực hiện đề nghe ngóng tình hình đàm phán thuế quan.

Thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 9 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán tiếp tục gia tăng. Cùng lúc Kho bạc Nhà nước mua ròng 1,5 tỷ USD để trả nợ nước ngoài thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng khoảng 1,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI chực chờ rút lợi nhuận về nước.

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức “cực thấp” so với các nước trong khu vực, khoảng 81 tỷ USD tính ở thời điểm cuối năm 2024, tương đương với 2,5 tháng nhập khẩu. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước không có nhiều nguồn lực để can thiệp thị trường tỷ giá.

Về đàm phán thương mại, phía Mỹ đặc biệt quan tâm tới kết quả Việt Nam ngăn chặn gian lận thương mại “chuyển tải” vào Mỹ. Theo số liệu thống kê, một thời gian dài, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam có quan hệ tuyến tính.

Vì vậy, khi Việt Nam thắt chặt việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu phải cơ cấu lại thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu. Dòng ngoại hối chắc chắn sẽ có sự biến đổi về cơ cấu.

Thêm vào đó, Fed vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất cao (4,25-4,5%) trong khi lãi suất điều hành của Việt Nam đang ở mức thấp (khoảng 4%), khiến dòng tiền chảy ngược ra ngoài.

Với độ mở nền kinh tế cao, xu hướng tỷ giá USD so với tiền đồng phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán thuế cao tới đây. Ngay cả trong kịch bản thuế quan tích cực nhất, Việt Nam nằm trong nhóm chịu thuế quan thấp nhất thì cơ cấu dòng ngoại hối cũng sẽ có thay đổi căn bản, cộng với nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm, áp lực tỷ giá USD từ giờ tới cuối năm là hiện hữu.

Nguyên Hương (t/h)