Khác với con số ước tính ngân sách thặng dư 400 tỷ trước đó được đưa ra bởi Tổng cục Thống kê, số liệu chính thức từ Bộ Tài chính cho thấy Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 tiếp tục bị thâm hụt ở mức 3,6% GDP.

ngan sach
Ngân sách năm 2018 tiếp tục bị thâm hụt. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2018 đạt khoảng 1,422 triệu tỷ đồng, vượt 7,8% so với dự toán năm. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương cũng vượt 12,5% so với dự toán.

Nhận định về con số trên, chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng mặc dù thu ngân sách tăng đáng kể nhưng vẫn không thể đủ cho tiêu dùng Nhà nước, dẫn tới thâm hụt ngân sách vẫn ở mức 3,6% GDP. Trong khi đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không có dấu hiệu cải thiện khi chỉ đạt 67,6% dự toán cả năm 2018, trước đó năm 2017 cũng chỉ đạt 70,7% dự toán.

Theo nhận định của VEPR, cấu trúc NSNN năm 2018 nhìn chung vẫn chưa có cải thiện gì so với những năm trước khi chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo và nhu cầu chi tiêu vượt xa so với khả năng thu.

“Nếu Chính phủ không thể kiềm hãm nhu cầu chi tiêu công của mình thì các biện pháp tăng thu thông qua việc đưa vào những sắc thuế mới hoặc tăng các sắc thuế cũ vẫn sẽ là những điểm tối đáng chú ý của tình trạng tài khóa trong thời gian tới”, báo cáo của VEPR đề cập.

Về tỷ giá, VEPR cho biết giống như quý 3, tỷ giá giao dịch VND/USD của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong quý 4/2018 đều rất sát với mức trần +3% (so với tỷ giá trung tâm) mà NHNN đặt ra, tuy có dịu đi vào những ngày cuối năm 2018.

Theo đó, tỷ giá giao dịch tại các NHTM vào thời điểm 28/12/2018 ở mức 23.245 VND/USD, tăng khoảng 2,2% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm của NHNN vào ngày giao dịch cuối năm ở mức 22.825 VND/USD, tăng khoảng 1,8% so với cuối 2017.

Thực tế này cho thấy NHNN dù không tuyên bố chính thức nhưng đã phá giá tiền Đồng “với tỷ lệ tương đối hợp lý”, giống với khuyến nghị được VEPR đưa ra tại thời điểm đồng Nhân dân tệ bắt đầu mất giá so với đồng USD.

Về dự trữ ngoại hối, VEPR dẫn số liệu từ Công ty chứng khoán HSC cho biết NHNN đã bán ra tổng cộng 5,3 tỷ USD để ổn định tỷ giá trong giai đoạn từ tháng 7 – tháng 10/2018. Cơ quan này cho rằng việc bào mòn dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ không phải là giải pháp lâu dài và đặt ra những lo ngại về mức độ can thiệp trên thị trường ngoại hối và không gian chính sách còn lại khi dự trữ ngoại hối bị bào mòn.

Do đó, VEPR khuyến nghị NHNN cần công khai thường xuyên số liệu với công chúng hơn để tăng tính minh bạch và uy tín điều hành thị trường. Thêm vào đó, việc số liệu về dự trữ ngoại hối do NHNN công bố và của các tổ chức quốc tế như IMF, ADB có sự khác biệt lớn một lần nữa cho thấy công tác làm số liệu ở Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Điều này có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng điều hành và ổn định thị trường của NHNN khi quyết định đầu tư vào Việt Nam”, các chuyên gia VEPR cảnh báo.

Nói về triển vọng năm 2019, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khu vực FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cũng như việc cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, VEPR nhấn mạnh kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nguồn nội lực nhiều hơn khi mà nguồn vốn vay ODA đã ngày càng bị siết chặt.

“Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên. Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới”, VEPR kết luận.

Tường Văn

Xem thêm: