Sau khi giá xăng đã chính thức được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít bởi đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường được thông qua, đến lượt giá điện cũng đang đứng trước nguy cơ tăng giá ngay vào đầu năm 2019 (tức vào tháng Chạp năm 2018) vì chi phí vận hành tăng cao.

biem hoa gia dien tang
(Ảnh minh họa: qua ndh.vn)

Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, đẩy giá của mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng kể từ ngày 1/1/2019.

Mặc dù nói là để bảo vệ môi trường, tuy nhiên số tiền thu thêm được nhờ tăng thuế lại không được trình bày cụ thể đến người dân về việc nó sẽ được chi tiêu ra sao, dùng vào các hạng mục công trình bảo vệ môi trường gì, và cách thức nào để đo lường mức độ cải thiện môi trường là tốt hơn so với thời điểm trước khi tăng thuế.

Ngoài ước lượng về việc ngân sách sẽ có thêm khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm nhờ tăng thuế môi trường, các thông tin về việc sử dụng quỹ tiền tăng thêm đó ra sao đều là một “điểm mù” mà người dân – những người trực tiếp chi trả tiền thuế cho nguồn tăng đó – lại không hề được hay biết đến.

Cùng với đó, người tiêu dùng không chỉ chi trả trên 1.000 đồng thuế môi trường tăng thêm trong mỗi lít xăng, mà việc xăng tăng giá cũng sẽ dẫn đến chi phí vận chuyển, sản xuất hàng hóa gia tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên và người gánh chịu cuối cùng cũng lại là người tiêu dùng – phải chi trả nhiều hơn cho cùng một món hàng vì thuế và giá tăng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước vốn đã yếu lực cạnh tranh so với các đối thủ ngoại thì nay, với việc chi phí gia tăng buộc các doanh nghiệp phải nâng giá bán để bù đắp, khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, chưa kể thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc và ASEAN đã dần về 0% theo tiến trình hội nhập, đẩy nhiều doanh nghiệp nội vào tình huống khó chồng thêm khó. Và một khi doanh nghiệp thất thế, sẩy chân trước các công ty ngoại, cả nền kinh tế, doanh nghiệp, cho đến người dân đều lãnh đủ (việc làm mất, thị trường rơi vào tay nước ngoài, thất thu thuế…)

Kịch bản trên là điều mà các chuyên gia luôn lên tiếng cảnh báo xuyên suốt khoảng thời gian mà Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường, mặc dù vậy nó đã không được xem xét một cách cẩn trọng. Thay vào đó, áp lực thiếu hụt nguồn thu ngân sách khiến Chính phủ phớt lờ mọi cảnh báo để hòng đạt được trạng thái cân bằng ngân sách ngắn hạn, để mặc hệ lụy về lâu dài cho thế hệ kế tiếp?

‘Trăm dâu đổ đầu tằm’

Không chỉ giá xăng, trước đó giá gas – một mặt hàng thiết yếu khác – trong năm nay cũng lũy kế tăng 50.000 đồng/bình 12kg, người tiêu dùng lại tiếp tục đứng trước rủi ro về việc giá điện sẽ tăng song hành cùng giá xăng ngay trong tháng Chạp này.

Lý do là các khoản chi phí đầu vào của giá điện đang tăng lên nhanh chóng.

Cụ thể, tại cuộc họp về công tác điều hành giá diễn ra vào ngày 28/9, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết tổng chi phí tăng thêm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2019 (bao gồm các chi phí của năm 2018 chuyển sang) lên tới khoảng 20.735 tỷ đồng, dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019.

evn thang cao diem mua kho san luong dien 578 trieu kwh
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ông Hải cho biết Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam… kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN.

“Nếu có biến động khách quan thông số đầu vào thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019”, ông Hải cho hay.

Trước đó, EVN Hà Nội vừa ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng chỉ sau sáu tháng đầu năm 2018, đi kèm với đó là khoản nợ phải trả lên tới hơn 17.000 tỷ đồng đủ cho thấy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn là một vũng lầy.

Như vậy, giới doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tiếp tục “thấp thỏm” quan sát “yếu tố khách quan” trong hoạt động kinh doanh của EVN để biết liệu họ có phải móc hầu bao thêm cho mỗi kWh điện tiêu thụ. Nếu là vậy, bộ ba mặt hàng thiết yếu xăng, điện, gas – đánh trực tiếp vào túi tiền người dân – đã tiếp tục leo thang trong năm 2018, trong khi đó, các con số về tinh giản biên chế và cải thiện các khoản chi thường xuyên đạt được hiệu quả đến đâu vẫn còn là một ẩn số mà người dân trước giờ chưa bao giờ được cho biết công khai và đầy đủ.

Chân Hồ

Xem thêm: