Xuất khẩu container của Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 6 giảm mạnh 28,3%
- Ngô Uý
- •
Ngày 8/7, công ty công nghệ chuỗi cung ứng hàng đầu toàn cầu Descartes Systems Group thông báo: Do Mỹ áp thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc, từ tháng Năm số lượng container nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh, tháng Sáu giảm thêm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo vận tải biển toàn cầu tháng Bảy do Descartes công bố, so với mức giảm mạnh 9,7% của tháng trước, tổng lượng container nhập khẩu vào Mỹ tháng 6/2025 tăng nhẹ 1,8%. Riêng hàng từ Trung Quốc sang Mỹ gần như không đổi so với tháng Năm (tăng 0,4%), nhưng giảm mạnh 28,3% so với tháng 6/2024.
Trong tháng Sáu, thị phần của các cảng bờ Tây Mỹ một lần nữa vượt qua các cảng bờ Đông và Vịnh Mexico với khoảng cách 6,7%. Nhìn chung, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng giảm rõ rệt, nổi bật nhất là cảng Long Beach và Los Angeles.
Báo cáo cho biết, tổng lượng container nhập khẩu vào Mỹ trong tháng Sáu giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024, còn 2,2 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 feet), nhưng tăng 1,8% so với tháng Năm.
Sự phục hồi này cho thấy hoạt động nhập khẩu của Mỹ bắt đầu ổn định sau cú sụt giảm mạnh trong tháng Năm, có thể phản ánh việc các nhà nhập khẩu Mỹ đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để thích ứng với biến động thương mại. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 3,8% so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với đầu năm.
Theo phân tích dữ liệu tờ khai hải quan Mỹ của Descartes, tháng trước, tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 639.300 TEU. Việc sụt giảm diễn ra sau một thời gian dài các nhà nhập khẩu Mỹ dồn dập đưa hàng về trước hạn chót áp thuế, khiến khối lượng nhập khẩu trước đó ở gần mức cao kỷ lục.
Tỷ trọng hàng Trung Quốc trong tổng lượng container nhập khẩu vào Mỹ tháng Sáu giảm xuống còn 28,8%, mức thấp nhất trong 4 năm, giảm mạnh so với đỉnh điểm 41,5% vào tháng 2/2022. Các mặt hàng chủ lực nhập khẩu từ Trung Quốc như đồ nội thất, đồ chơi, dệt may và giày dép đều giảm mạnh trong tháng trước.
Trong số các quốc gia xuất khẩu lớn khác, một số nước Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu mạnh so với tháng Năm, bao gồm Việt Nam tăng 7,7%, tiếp theo là Indonesia (17,3%), Thái Lan (8,6%) và Ý (9,0%), cho thấy xu hướng đa dạng hóa nguồn cung tiếp tục gia tăng.
Ông Jackson Wood, Giám đốc Chiến lược ngành của Descartes nhận định mặc dù tổng lượng container nhập khẩu vào Mỹ tháng Sáu tăng nhẹ, nhưng tác động từ chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đã thể hiện rõ trong tháng thứ hai liên tiếp.
Ông cũng cảnh báo hai mốc thời gian quan trọng sắp tới có thể gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp: Ngày 9/7, thời hạn tạm hoãn áp thuế toàn diện của Mỹ kết thúc, và ngày 10/8, thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ – Trung hết hiệu lực. Các doanh nghiệp có thể buộc phải tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại biến động nhanh chóng.
Tuy nhiên, ngày 7/7, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh gia hạn thời hạn miễn trừ thuế toàn cầu thêm đến ngày 1/8, thay vì kết thúc vào ngày 9/7 như kế hoạch.
Cùng ngày, ông Trump cũng gửi thư thông báo cho nhiều quốc gia về việc Mỹ sẽ áp thuế mới từ ngày 1/8. Theo bản sao bức thư đăng trên nền tảng Truth Social, các mức thuế mới bao gồm: Tunisia (25%), Serbia (35%), Campuchia (36%), Bangladesh (35%), Bosnia & Herzegovina (30%), Indonesia (32%), Myanmar (40%), Lào (40%), Thái Lan (36%), Malaysia (25%), Kazakhstan (25%), Nam Phi (30%), Nhật Bản (25%) và Hàn Quốc (25%).
Trong thư, ông Trump nhấn mạnh lo ngại về thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với các đối tác thương mại, nghĩa là Mỹ mua nhiều hàng hóa hơn so với những gì Mỹ xuất khẩu sang các quốc gia này.
Bức thư cũng cảnh báo rằng nếu các quốc gia cố tình tái xuất khẩu hàng hóa thông qua nước thứ ba để né thuế, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế còn cao hơn nữa.
Từ khóa Kinh tế Mỹ Dòng sự kiện Thuế quan Mỹ kinh tế Trung quốc kinh tế thế giới
