4 triệu chứng xơ cứng mạch máu cần lưu ý
- Minh Ngọc
- •
Mạch máu là các đường ống dẫn đưa máu lưu thông và vận chuyển chất dinh dưỡng đến mọi bộ phận trong cơ thể cũng như loại bỏ các chất thải sau quá trình trao đổi chất ra khỏi cơ thể.
Mạch máu có tính đàn hồi cao và thành trong của mạch máu rất mềm để giúp máu lưu thông thuận lợi, nhưng khi bị xơ cứng, mạch máu sẽ trở nên dày và cứng hơn, thành mạch máu cũng xuất hiện những khối nhỏ li ti hình thành do cholesterol và tiểu cầu bám vào, từ đó dẫn đến việc lòng mạch máu bị hẹp đi khiến máu khó lưu thông, hoặc nếu nghiêm trọng sẽ gây tắc nghẽn mạch máu.
Huyết áp cao và đường huyết cao là hai nguyên nhân chính gây xơ cứng mạch máu. Ngoài ra, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc, uống nhiều rượu, rối loạn nội tiết, áp lực nặng nề, kích thích thần kinh, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và thói quen sinh hoạt thiếu vận động cùng với tuổi tác đều có thể gây xơ cứng mạch máu.
4 triệu chứng khi mạch máu bị xơ cứng cần lưu ý
1. Màu da bất thường
Sau khi mạch máu bị xơ cứng, tuần hoàn máu sẽ bị cản trở, do không nhận được đủ máu khiến da của người bệnh có màu bất thường.
Khi động mạch bị xơ cứng và tắc nghẽn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu và thiếu oxy cục bộ, da sẽ xuất hiện hiện tượng nhợt nhạt.
Khi tĩnh mạch bị tắc nghẽn, máu không được lưu thông sẽ dễ dẫn đến tình trạng ứ đọng máu khiến da trở nên xanh tím.
2. Tê cứng tay chân
Tay và chân là các chi của cơ thể, khi mạch máu ở các bộ phận này bị xơ cứng và tắc nghẽn, cơ thể sẽ có cảm giác tê rần hoặc bị lạnh rõ rệt. Đặc biệt là khi mạch máu ở chân xuất hiện tình trạng xơ cứng quá mức sẽ dễ dẫn đến các vấn đề như đau nhức và sưng phù cục bộ.
3. Đau đầu, chóng mặt
Khi các mạch máu ở đầu bị xơ cứng, não sẽ không được cung cấp đủ máu và dưỡng chất, từ đó dẫn đến các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt và đau đầu. Khi tình trạng xơ cứng mạch máu trở nên nặng hơn, cảm giác chóng mặt, đau đầu cũng sẽ mạnh hơn và sẽ xuất hiện trình trạng suy giảm trí nhớ, ngất xỉu v.v…
4. Tức ngực và khó thở
Người bị bệnh xơ cứng mạch máu còn có thể xuất hiện triệu chứng khó thở và tức ngực, đặc biệt là khi vấn đề xơ cứng mạch máu xuất hiện tại vị trí động mạch vành của tim. Lâu dần sẽ dễ gây đau ngực, tim đập nhanh và nhịp tim không đều.
“3 nhiều” cần kiên trì để mạch máu khôi phục độ đàn hồi
1. Nghỉ ngơi nhiều
Thức đêm lâu ngày và lao lực quá độ sẽ gây tổn hại đến gan và còn khiến quá trình bài tiết gặp bất thường, làm tăng cholesterol và độ nhớt của máu. Nếu tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến cao huyết áp, co thắt mạch máu v.v… Vì vậy, bạn cần phải nghỉ ngơi nhiều nếu muốn thúc đẩy quá trình khôi phục độ đàn hồi của mạch máu.
2. Vận động nhiều
Vận động có thể thúc đẩy tuần hoàn máu trong cả cơ thể, khi tốc độ tuần hoàn máu tăng nhanh sẽ nâng cao hiệu quả của quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp đào thải các chất dư thừa đọng lại bên trong mạch máu.
3. Bổ sung nhiều dinh dưỡng
Sự vận hành của mạch máu cũng cần được bổ sung dinh dưỡng, thông thường thì phải bổ sung axit amin, chất khoáng và các nguyên tố vi lượng thiết yếu. Bởi vì các chất dinh dưỡng này có công dụng “bảo dưỡng” và “khơi thông” mạch máu.
“2 ít” cần tránh để bảo vệ mạch máu
1. Ít uống rượu
Uống nhiều rượu sẽ gây tổn hại đến gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Uống rượu lâu ngày sẽ khiến các mạch máu trong cơ thể tăng thêm gánh nặng và tăng độ nhớt của máu, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não hơn người bình thường không uống rượu.
2. Ít ăn thực phẩm chiên rán
Thực phẩm chiên rán có chứa nhiều axit béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol và dễ gây hại cho mạch máu, đẩy nhanh quá trình xơ cứng, tắc nghẽn mạch máu.
Bản thân mạch máu sẽ dần bị lão hóa theo thời gian và tuổi tác, vì vậy nguy cơ xuất hiện các vấn đề như xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu sẽ tăng cao hơn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu trong đời sống hàng ngày không lưu ý bảo vệ mạch máu.
Minh Ngọc (Theo Vision Times tiếng Trung)
Xem thêm:
Từ khóa Xơ cứng động mạch Mạch máu