5 vị thuốc hay theo Đông y mà nhà nào cũng nên có
- Thanh Xuân
- •
Trong nhà bếp của mọi gia đình đều có một tiệm thuốc từ thiên nhiên, nếu biết vận dụng thì có những bệnh nhẹ thường gặp không cần phải dùng đến thuốc. Dưới đây sẽ giới thiệu một số loại thực phẩm thường gặp trong nhà bếp có giá trị về mặt y học để mọi người có thể chữa những căn bệnh thông thường.
1. Gừng
Gừng tươi kích thích đổ mồ hôi, tán hàn, làm ấm, giúp ngừng nôn ói, vừa là thực phẩm và cũng là một vị thuốc đông Y. (Ảnh: Pixabay)
Tính chất: tính ấm, vị cay, quy vào các kinh phế (phổi), vị (dạ dày), tỳ (lá lách).
Công dụng: giúp đổ mồ hôi, tán hàn, làm ấm, ngừng nôn ói, long đờm, giải độc do cá, cua, thịt, nấm. (Gừng khô có tính vị và quy kinh tương tự như gừng tươi. Nếu so sánh thì gừng tươi thiên về tán hàn, thể hiện ra bên ngoài, gừng khô thì lại giúp làm ấm dạ dày, có tác dụng vào bên trong.)
Trị liệu dưỡng sinh
- Ăn gừng tươi, đầu hành và hạt tàu xì (đậu nành đen lên men) đun sôi có công dụng chữa đau đầu, toàn thân đau nhức, ho có đàm, sổ mũi, nghẹt mũi do phong hàn.
- Người bệnh tỳ vị hàn mạn tính, bao gồm viêm dạ dày mạn tính hoặc đau bụng do ăn đồ lạnh, nôn ói nên thường xuyên ăn gừng.
- Bị lạnh trong kỳ kinh nguyệt hoặc đau bụng kinh, lạnh bụng có thể ăn gừng để điều hòa.
- Ăn gừng trước khi đi tàu xe để tránh say.
Lưu ý:
Gừng tươi vị cay tính ấm, dễ gây bốc hỏa, các trường hợp sau đây không nên ăn nhiều:
- Người bị các chứng bệnh âm hư hỏa vượng như thời kỳ mãn kinh, bệnh lao, sốt nhẹ, đổ mồ hôi trộm, lupus ban đỏ, hội chứng Sjögren.
- Người bị nóng trong, bao gồm các chứng viêm như mụn trứng cá, viêm gan vàng da, trĩ, đi cầu ra máu, viêm bàng quang, tiết niệu.
2. Đậu xanh
Tính chất: tính hàn, vị ngọt, quy kinh tâm, vị (dạ dày).
Công dụng: làm mát, chữa khát, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu sưng.
Trị liệu dưỡng sinh
- Đậu xanh là chất giải độc vô cùng hữu hiệu, khi bị trúng độc do thuốc trừ sâu hữu cơ, nhiễm độc chì, khí than, cồn (say rượu) hoặc uống nhầm thuốc, trước khi đưa đến bệnh viện hãy đun một chén nước đậu xanh để xử lý nhanh. (Chú ý: Khi bị ngộ độc thực phẩm hoặc thuốc, uống nước đậu đen cam thảo cũng có công dụng giải độc rất tốt)
- Đậu xanh có thể giải nhiệt độc trong máu, người xưa có bài thuốc “Biển Thước tam đậu ẩm” có công dụng chữa các bệnh về da như viêm da ở trẻ em, thủy đậu, bọng nước rất hữu hiệu. Nấu chín đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen mỗi loại 25 g và 15 g cam thảo tươi rồi ăn cái, uống nước, sau 7 ngày là khỏi. Vào mùa dễ bị phát ban, nên uống trước để phòng bệnh, giúp giải nhiệt.
- Pha 50 g bột đậu xanh, 10 g bột hoạt thạch, 5 g băng phiến với nước ấm và bôi lên mặt trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm mụn dậy thì, ban đỏ.
Cần bổ sung rằng nếu dùng đậu xanh để giải nhiệt (chỉ uống nước) thì nên nấu đậu xanh với nước rồi để nguội, chú ý nước vẫn còn màu xanh có công dụng tốt nhất, sau khi đun nhiều lần sẽ làm giảm tính mát của đậu. Đậu xanh nấu nát có vị khá tanh, ăn vào dễ cảm thấy buồn nôn.
Lưu ý:
Đậu xanh có tính mát, những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không nên dùng.
3. Trứng gà
Tính vị: tính bình, vị ngọt, quy kinh tâm, tỳ, vị, phế.
Công dụng: sinh âm, nhuận táo, bổ máu, an thai, bổ não.
Trị liệu dưỡng sinh
- Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: đập một quả trứng vào chén, đánh đều rồi đổ vào nước sôi, mỗi ngày ăn một lần vào sáng và tối, liên tục khoảng một tháng, sau đó đi khám lại, nếu chưa khỏi thì lại ăn tiếp.
- Ngâm trứng trong giấm khoảng 48 tiếng, ăn trứng ngâm giấm có thể phòng và trị bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, huyết khối cũng như tiểu đường, viêm gan, phong thấp…
- Lòng đỏ trứng là thực phẩm bổ não, thích hợp để bổ não, ích trí, tăng cường trí nhớ cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Lòng trắng trứng giúp trị mụn
Trước khi đi ngủ, bôi lòng trắng trứng lên mặt rồi rửa sạch vào sáng hôm sau. Vừa ăn các loại rau củ quả giúp thanh lọc máu và đường ruột vừa liên tục bôi lòng trắng trứng nhiều lần sẽ giúp giảm mụn.
Dầu lòng đỏ
Ăn “dầu lòng đỏ” trước khi đi ngủ, đây là loại thuốc rất tốt, có tác dụng tán nhiệt, chống nôn, giải nhiệt, sinh âm bổ máu, nhuận phế chữa ho, tiêu đàm, giảm đau cơ, dùng để ăn hoặc bôi bên ngoài đều được. Dùng trong có thể chữa lao, mồ hôi trộm; bôi bên ngoài giúp làm mịn da, chữa phỏng, da nứt nẻ, viêm da ở trẻ sơ sinh và loét chi dưới…
Ngoài ra, theo các bài viết của Nhật thì dầu lòng đỏ trứng có thể chữa bệnh tim, bôi ngoài da giúp chữa viêm da.
Lưu ý
- Khi bị sốt, tiêu chảy, không nên ăn trứng gà, nếu không sẽ gây chán ăn, khiến tiêu chảy nặng hơn.
- Người bệnh viêm gan, viêm thận, viêm túi mật, sỏi mật không nên ăn nhiều trứng.
- Đông y cho rằng ăn nhiều trứng giúp bổ dương, những người bị bệnh cảm sốt như sốt rét, sốt vàng da, bệnh cam, sưng lá lách, phù, gan trì trệ, kết đờm, nấm da chân, sởi thì không nên ăn trứng. Trẻ em, phụ nữ có thai và người có sức khỏe tốt ăn vào không sao, ai có sức khỏe yếu ăn vào sẽ gây bệnh.
4. Đậu đỏ
Tính vị: tính bình, vị chua ngọt, quy kinh tâm, tiểu tràng (ruột non), tỳ.
Công dụng: thông khí, bổ tỳ vị, lợi thấp, điều hòa máu, tiêu sưng, giải độc.
Trị liệu dưỡng sinh
- “Thực liệu bản thảo”: “Ăn đậu đỏ nấu cá chép giúp chữa nấm da chân và chướng bụng.”
- Nấu 1 kg đậu đỏ trong 5 lít giấm, phơi khô, rồi lại ngâm trong rượu, sau đó nghiền đậu thành bột, pha cùng 5 g rượu, một ngày uống 3 lần để chữa bệnh trĩ ra máu.
- Nấu đậu đỏ lấy nước uống giúp chữa tắc sữa.
- Bôi hỗn hợp bột đậu đỏ hòa cùng lòng trắng trứng để chữa viêm quầng.
Lưu ý:
- Người thể hư, ốm yếu, bệnh lâu ngày không được ăn đậu đỏ, ăn vào sẽ càng hại khí, khiến thể chất ngày yếu do đậu đỏ gây tổn thương âm dương.
- Người bệnh âm hư, bốc hỏa, thiếu máu, gầy gò..không được dùng đậu đỏ.
- Trong vòng 100 ngày sau khi bị rắn cắn không nên ăn đậu đỏ.
5. Ý dĩ (hạt Bo bo)
Tính vị: tính mát, vị ngọt nhẹ, quy kinh tỳ, phế, thận.
Công dụng: bổ tỳ, bổ phổi, hóa thấp, chống ung thư, chữa ung bướu, làm đẹp da.
Trị liệu dưỡng sinh
- Ý dĩ có công dụng tiêu mủ rất hữu hiệu dù là ung thư phổi, dạ dày, viêm gan, áp xe ống dẫn trứng tử cung… Bất cứ loại tổn thương nào ở phổ dù là lao phổi, ung thư phổi.. đều dùng được.
- Ý dĩ thích hợp dùng cho người bệnh ung thư, nghiên cứu chứng minh chất coixenolide có trong ý dĩ có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và giết chết tế bào ung thư, có lợi cho quá trình chữa trị, thường dùng để chữa ung thư dạ dày, đại tràng, cổ tử cung.
- Ý dĩ thích hợp dùng để chữa mụn, làm đẹp da như mụn ẩn, mụn cóc, mụn cóc nước cũng như da khô ráp thiếu dinh dưỡng, nhưng cần phải dùng trong một thời gian dài mới phát huy tác dụng.
Lưu ý:
- Theo quyển “Ẩm thực tu tri” của chuyên gia dưỡng sinh Giả Minh thời nhà Nguyên, phụ nữ mang thai ăn ý dĩ sẽ gây sảy thai nên cần nhớ kĩ không được ăn.
- Trong quyển “Đắc phối bản thảo” có viết, những người thận thủy, tỳ âm không đủ, khí hư yếu, phụ nữ mang thai cũng như người bệnh di tinh, tinh dịch yếu, đi tiểu nhiều không được ăn ý dĩ.
- Ý dĩ vị ngọt nhẹ, lợi thủy thẩm thấp, có thể gây suy âm, mất nước, người thể chất yếu không được dùng.
Thanh Xuân
Xem thêm:
Từ khóa đậu xanh Gừng Trứng gà đậu đỏ hạt ý dĩ