Lượng đường đáng báo động khi bạn uống 1 ly trà sữa
- Quốc Hùng
- •
Trà sữa là một món đồ uống cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, Singapore, Đài Loan và một số quốc gia Đông và Đông Nam Á khác. Một số người sẵn sàng xếp hàng 30 phút đồng hồ chỉ để mua được một hương vị mà họ ưa thích. Tuy vậy, những ảnh hưởng tiềm tàng của nó tới sức khỏe lại chưa được nhiều người biết đến.
Chủ yếu là vì trà sữa rất ngọt, nghĩa là nó có chứa nhiều đường. Mà đường lại là nguyên nhân chính gây ra các bệnh như béo phì, tim mạch và tiểu đường tuýp 2, hay thậm chí gây ra cận thị ở trẻ em.
Khi mua trà sữa, nhiều người có thể chọn những tỷ lệ đường mà họ muốn (75%, 50% hay 30%… của một lượng đường tiêu chuẩn nào đó mà cửa hàng định ra), các con số này khá mơ hồ, vì vậy không ai biết trong một cốc trà sữa thực sự có bao nhiêu gam đường.
Đi tìm câu trả lời
Một thử nghiệm nhỏ đã được kênh Channel News Asia thực hiện. Họ đã nhờ nhóm sinh viên ngành Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm Ứng dụng tại Đại học Bách Khoa Temasek, Singapore tiến hành đo lường.
Kênh truyền hình đã lựa chọn một loạt các món đồ uống từ 6 thương hiệu trà sữa nổi tiếng nhất tại Singapore. Từ các món thức uống thông dụng này, các sinh viên đã sử dụng thiết bị chiết xuất để đo và tính ra được lượng đường hòa tan trong mỗi món, không tính thành phần đường trong trân châu và các loại toppings (các thứ phụ thêm).
Các kết quả cho thấy một số loại trà sữa chứa đường nhiều tới mức có thể gây tác hại khôn lường với sức khỏe nếu uống quá thường xuyên.
Ví dụ, một cốc sữa tươi trân châu đường đen 500ml có thể chứa 92g đường, cao gấp ba lần so với 1 lon Coca-Cola 320ml.
Cao nhất nhất là trà sữa trân châu, một cốc 500 ml chứa tới 102,5 gam đường. Hàm lượng đường này còn cao hơn các loại nước tăng lực như Red Bull (55 gam đường trong 500 ml), Samurai (100 gam trong 500 ml).
Đường gây nghiện ra sao?
“Nếu chúng ta xét tới bản chất gây nghiện của đường, thì không ngạc nhiên khi thấy các loại đồ uống này trở nên phổ biến và rất nhiều các bậc phu huynh cho rằng chúng là một lựa chọn đồ uống tốt cho sức khỏe hơn là nước ngọt,” Bonnie Rogers, Chuyên gia hướng dẫn Sức khỏe tại Viện Dinh dưỡng Singapore cho biết.
“Khi bạn cộng thêm cả các nguồn đường khác từ đồ ăn vặt và cả đường phức hợp từ gạo và trái cây, cùng với sự lười vận động của trẻ em và người lớn nói chung, thì bức tranh toàn cảnh là khá đáng sợ,” cô Bonnie nói.
Hội đồng Xúc tiến Sức khỏe thuộc Bộ Y tế Singapore khuyến cáo một phụ nữ nên giới hạn lượng calo từ đường không cao hơn 180kcal, tức khoảng 45g/ngày. Như vậy, một ly trà sữa có thể dễ dàng cung cấp cho bạn toàn bộ số đường bạn cần trong 2 ngày.
>> Em bé chưa từng ăn gram đường nào trong đời – mẹ em nói sao?
Ngoài ra, đường còn hấp dẫn người dùng bởi cơ chế ‘tàu lượn siêu tốc’ trong cơ thể chúng ta. Nó làm bạn hưng phấn ngay sau khi dùng, nhưng không kéo dài được lâu.
“Nó đẩy bạn lên cao rồi đột ngột hạ lượng đường trong máu xuống khiến bạn cảm thấy mệt, thấy đói và buộc phải đi tìm lần đẩy lên cao bằng đường tiếp theo,” cô Bonnie cho biết.
Nói rộng ra, nếu một người không ngủ ngon, đang phải áp lực lớn hoặc ăn khẩu phần có quá nhiều carbohydrate, thì cơ thể sẽ thèm đường để duy trì hưng phấn.
Nhận thức về các con số này, có lẽ bạn nên chuyển dần từ các đồ uống siêu ngọt sang các loại có lượng đường ít hơn.
Nếu bạn vẫn nhất định không thể sống xa trà sữa, thì hãy chọn loại có lượng đường thấp nhất có thể, và cốc bé nhất có thể. Bạn không cần phải làm được ngay lập tức, nhưng hãy làm từ từ để cơ thể thích nghi dần.
Từ khóa tiêu dùng thông minh bệnh tiểu đường Trà sữa hạn chế ăn đường