Lướt điện thoại thông minh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy xấu cho con người
- Ngọc Diệp
- •
Điện thoại thông minh đang ngày càng có nhiều chức năng hơn và chúng đã trở thành một trong những thiết bị không thể thiếu của con người hiện đại. Tuy nhiên việc đắm chìm vào chúng thực sự sẽ gây ra những hệ lụy xấu như thiếu ngủ, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ông Eric Lim và một số học giả quốc tế đã tiến hành nghiên cứu về tác động của công nghệ (đặc biệt là điện thoại thông minh) đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, nhằm cân bằng giữa lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của công nghệ. Cụ thể là nó sẽ gây ra các tác hại sau:
Gây nghiện dopamin
Theo báo cáo, Tiến sĩ Eric Lim, quản lý hệ thống thông tin và công nghệ tại Trường Kinh doanh Đại học New South Wales cho biết: Nếu bạn dành hàng giờ mỗi ngày để dán mắt vào màn hình điện thoại di động, thì bạn cần chú ý đến thời gian sử dụng, vì nó có thể gây nghiện dopamin, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đặc biệt, dopamine ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, nếu hàm lượng quá nhiều hoặc quá ít dopamine cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm.
Gặp phải chứng rối loạn lo âu
Ông Eric Lim nói rằng nhiều người có thể đã trải qua “rối loạn lo âu khi không có điện thoại di động”, họ cảm thấy sợ hãi và lo lắng vì không có hoặc không thể sử dụng điện thoại di động. Bây giờ hầu hết mọi người đều có iPhone, Android và các loại điện thoại thông minh khác. Dường như nó khiến con người sống trong một trạng thái hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ để liên lạc, giải trí và thu thập thông tin. Điều này ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên các ứng dụng kỹ thuật số cũng đã được chứng minh là có tác động rất tiêu cực đến nhận thức của con người và liên tục làm giảm khả năng chú ý.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người trẻ từ 18 – 24 tuổi dễ gặp phải tình trạng “rối loạn lo âu khi không có điện thoại di động” hơn các nhóm tuổi khác. Từ hoàn cảnh hiện nay có thể thấy, cha mẹ bởi vì bận rộn mà đã sử dụng điện thoại di động như một công cụ để an ủi con cái. Dường như sự phát triển của trẻ em không thể tách rời khỏi việc sử dụng thiết bị điện tử. Ông Eric Lim quan sát thấy rằng hiện tượng này đã trở nên bình thường hóa và khó thay đổi.
Thiếu ngủ
Ông Eric Lim và các đồng tác giả cũng đã tiến hành một nghiên cứu để phân tích tác động tiềm ẩn của chứng rối loạn lo âu. Dữ liệu dựa trên một bảng câu hỏi từ tổng cộng 5.842 sinh viên tại một trường đại học ở Trung Quốc Đại Lục. Nghiên cứu đã điều tra thói quen sử dụng điện thoại di động của sinh viên và liệu họ có bị lo lắng bồn chồn khi không có điện thoại di động, cũng như tần suất tập thể dục, chất lượng giấc ngủ, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Kết quả cho thấy có mối quan hệ giữa lo lắng về điện thoại di động và thiếu ngủ. Ngoài ra cả hai đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Đối với những sinh viên có chất lượng giấc ngủ tốt, hầu hết họ đều tự giác hơn trong kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động. Điều đáng nói là các nhà nghiên cứu ban đầu nghĩ rằng tập thể dục có thể làm mọi thứ tốt hơn, nhưng trên thực tế lại không phải vậy.
Hành động lướt điện thoại trước khi đi ngủ có thể tạo ra cảm giác hưng phấn và tỉnh táo. Tuy nhiên nó đặc biệt có hại cho cơ thể, đặc biệt là gây mất ngủ. Màn hình điện thoại phát ra những ánh sáng xanh, gây ức chế sự sản xuất hormone melatonin ở não.
Trên thực tế, melatonin đóng vai trò là một chất xúc tác giúp ru ngủ và giúp điều hòa nhịp sinh học. Melatonin sẽ thường được cơ thể tiết ra nhiều vào ban đêm, nhưng nếu sử dụng điện thoại di động quá nhiều thì chất này sẽ giảm dần, từ đó dẫn đến mất ngủ.
Mặc dù trong nghiên cứu, ông Eric Lim không nêu chi tiết về tần suất sử dụng điện thoại di động phù hợp trong cuộc sống hàng ngày, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1 giờ trước khi đi ngủ và 1 giờ sau khi thức dậy hãy tránh sử dụng và cố gắng tắt chúng đi. Có thể là tắt 1 giờ mỗi ngày, nếu thời gian dài hơn thì sẽ lại càng tốt, mục đích là để chúng ta không quá say mê vào chúng.
Ảnh hưởng nghiêm trọng cho đôi mắt
Ngoài ra, việc liên tục nhìn vào điện thoại thông minh sẽ có những tác động xấu lên mắt. Khiến cho mắt bị khô, mỏi, mờ mắt hoặc đỏ mắt. Nghiêm trọng hơn là xuất hiện tật cận thị và loạn thị. Đôi mắt là vô cùng quan trọng, do đó việc thị lực bị suy giảm là điều mỗi người cần chú ý và cân nhắc khi dùng điện thoại, đặc biệt là đối với trẻ em.
Gây rối loạn hành vi ở trẻ
Khi sử dụng điện thoại liên tục, đặc biệt là đối với trẻ em thì sẽ dễ mắc chứng rối loạn hành vi hoặc hiếu động thái quá. Thậm chí sẽ hình hành tính cách thích bạo lực, gây hấn, đả kích ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu đã đề cập rằng những công ty công nghệ sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để thu hút và khiến người tiêu dùng bị nghiện, điều này có thể thúc đẩy các hành vi sử dụng quá mức và gây nghiện.
Từ khóa nghiện điện thoại điện thoại thông minh