Nghiên cứu cho thấy táo bón có thể gây suy giảm nhận thức
- Minh Minh
- •
Trí não và sức khỏe đường ruột hóa ra lại liên quan đến nhau nhiều hơn bạn nghĩ. Tình trạng táo bón có thể khiến bạn bị suy giảm nhận thức, lo lắng, trầm cảm.
Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta tin rằng táo bón và suy giảm nhận thức không phải là hai con đường sẽ giao nhau. Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, tình trạng táo bón thật sự có thể góp phần gây ra sự suy giảm nhận thức.
Heather Snyder (người có bằng tiến sĩ về sinh học phân tử và là phó chủ tịch Hiệp hội Alzheimer về quan hệ y tế và khoa học) cho biết trong một tuyên bố: “Khi một hệ thống gặp trục trặc, nó sẽ gây ảnh hưởng đến các hệ thống khác. Nếu phần rối loạn chức năng đó không được giải quyết thì nó sẽ gây ra hàng loạt hậu quả cho phần còn lại của cơ thể”.
Mặc dù nghiên cứu này chưa được công bố nhưng kết quả của nó đã được trình bày tại Hội nghị quốc tế của Hiệp hội Alzheimer ở Hà Lan và diễn đàn trực tuyến. Những phát hiện này cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ phức tạp giữa sức khỏe đường ruột và não bộ.
1. Nguyên nhân gây táo bón
Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 2,5 triệu lượt khám liên quan đến táo bón. Vậy nên chúng ta có thể kết luận đây là một vấn đề cực kỳ phổ biến về đường tiêu hóa. Nếu bạn không thể đi tiêu từ 3 ngày trở lên thì rất có thể bạn đã bị táo bón mãn tính. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài như viêm nhiễm, mất cân bằng nội tiết tố, lo lắng, trầm cảm.
Theo một cuộc khảo sát năm 2012, 1/3 số người trên 60 tuổi và khoảng 16% dân số đang phải sống chung với chứng táo bón.
2. Kết nối ruột – não
Để kiểm tra xem liệu táo bón có gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhận thức hay không, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 3 nghiên cứu đoàn hệ đang diễn ra: nghiên cứu Nurses’ Health Study, nghiên cứu Nurses’ Health Study II, nghiên cứu Health Professionals Follow-up Study. Nếu cộng cả 3 nghiên cứu lại thì chúng ta sẽ có hơn 110.000 người tham gia.
Từ năm 2012 đến năm 2013, những người tham gia đã báo cáo tần suất đi tiêu của họ. Từ năm 2014 đến 2018, các nhà nghiên cứu đã dùng cả phương pháp chủ quan và thử nghiệm khách quan để đánh giá chức năng nhận thức của gần 13.000 người tham gia.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc ít đi tiêu thường xuyên có liên quan đến chức năng nhận thức kém hơn (bao gồm các quá trình tâm thần như tiếp nhận, xử lý, lưu trữ, hành động dựa trên thông tin). So với những người đi tiêu hàng ngày, những người bị táo bón có biểu hiện suy giảm nhận thức tương đương với việc lão hóa thêm 3 năm trở lên. Táo bón cũng có thể khiến nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến nhận thức chủ quan tăng thêm 73%. Ngoài ra, những người đi tiêu nhiều hơn 2 lần một ngày cũng có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao hơn một chút.
Một giả thuyết cho rằng vi khuẩn đường ruột có thể đóng một vai trò nào đó trong mối liên hệ giữa táo bón và sức khỏe não bộ. Những người tham gia có mức độ vi khuẩn thấp hơn (tức là có mức độ hợp chất hỗ trợ hàng rào ruột và mức độ vi khuẩn giúp tiêu hóa chất xơ thấp hơn) có xu hướng bị táo bón nhiều hơn và nhận thức kém hơn.
3. Các nghiên cứu về sức khỏe đường ruột và chức năng não
Hai nghiên cứu khác được trình bày tại hội nghị về bệnh Alzheimer đã bổ sung thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và khả năng nhận thức của con người khi già đi.
3.1. Bệnh Alzheimer
Trong nghiên cứu này, mô hình chuột mắc bệnh Alzheimer đã được sử dụng để minh họa cho mối liên hệ giữa sự tích tụ beta-amyloid và tau – các dấu hiệu nổi bật của bệnh Alzheimer và sự hiện diện của một số vi khuẩn đường ruột cụ thể.
Thông qua phương pháp quét não, chúng ta đã nhận được kết quả cho thấy mức độ tăng của các protein này có liên quan đến việc giảm số lượng vi khuẩn đường ruột Butyricicoccus và Ruminococcus (có tác dụng bảo vệ thần kinh), đồng thời làm tăng mức độ vi khuẩn Cytophaga và Alistipes.
Yannick Wadop (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Glenn Biggs) cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc giảm thiểu một số vi khuẩn được xác định có thể làm tăng tính thấm của ruột và khả năng vận chuyển các chất chuyển hóa độc hại trong não, từ đó làm tăng sự lắng đọng amyloid-beta và tau”.
3.2. Nhận thức kém
Nghiên cứu thứ hai kiểm tra hồ sơ hệ vi sinh vật đường ruột của hơn 1.000 người trung niên và người cao tuổi trong nghiên cứu Framingham Heart Study – một cuộc điều tra toàn diện, đa thế hệ nhằm xác định các yếu tố chung góp phần gây ra bệnh tim mạch.
Những người tham gia đạt điểm thấp hơn trong bài kiểm tra nhận thức có xu hướng có ít vi khuẩn Clostridium, Ruminococcus hơn và lượng Alistipes, Pseudobutyrivibrio cao hơn (so với những người có nhận thức tốt, điểm cao).
Nghiên cứu này không thể chứng minh sự khác biệt về vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự suy giảm nhận thức.
Jazmyn Muhammad (một trong các tác giả, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Alzheimer và Bệnh thoái hóa thần kinh Glenn Biggs) cho biết: “Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ các vi khuẩn này có tác dụng bảo vệ thần kinh như thế nào. Trong tương lai, chúng ta có thể điều chỉnh sự phong phú của những vi khuẩn này thông qua chế độ ăn uống và pre/probiotic để bảo vệ sức khỏe não bộ và chức năng nhận thức”.
4. Ngăn ngừa táo bón có thể giúp làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức không?
Các chuyên gia cho rằng họ cần nghiên cứu nhiều hơn để chứng minh mối tương quan trên.
Tiến sĩ Nikhil Palekar (giám đốc Trung tâm điều trị bệnh Alzheimer Stony Brook và giám đốc Chương trình thử nghiệm lâm sàng bệnh Alzheimer Stony Brook) cho biết mặc dù các phát hiện này cho thấy táo bón mãn tính và suy giảm nhận thức có liên quan đến nhau nhưng chúng không mang “hàm ý quan hệ nhân quả”.
Tuy nhiên, ông muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện trên. Chúng là cơ sở để các nhà khoa học thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai về sự tương tác giữa các triệu chứng tiêu hóa và chức năng nhận thức. Ông khuyến nghị những người đi tiêu không thường xuyên nên nói chuyện với bác sĩ để có cách xử lý hiệu quả.
Tiến sĩ Palekar nói: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nhận thức”.
Sau khi xem xét các nghiên cứu trên, ông cho rằng điều trị hoặc phòng ngừa táo bón là một bước đi hợp lý giúp làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở con người.
Để ngăn ngừa táo bón mãn tính, ông khuyên mọi người nên tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn uống, uống đủ nước và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn.
Mỗi ngày, bạn nên tiêu thụ từ 25 đến 30 gam chất xơ. Bạn chỉ cần ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật là cơ thể đã tự động nhận được chất xơ rồi. Ví dụ: 28.34 gam hạt chia cung cấp 10 gam chất xơ, một cốc đậu đen cung cấp 15 gam. Đậu lăng, đậu xanh và quả mọng cũng là những loại thực phẩm rất giàu chất xơ.
Từ khóa táo bón chứng suy giảm nhận thức