Một nghiên cứu mới của Hồng Kông đã phát hiện, những người tiêm vắc-xin Covid-19 BioNTech có mức kháng thể cao gấp 10 lần so với những người tiêm vắc-xin Sinovac. Ngoài ra, những người được tiêm vắc-xin Sinovac tạo ra mức protein kháng virus “tương tự hoặc thấp hơn” so với mức protein xảy ra tự nhiên ở những bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi.

Embed from Getty Images

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (HKU) được công bố trên tạp chí Lancet Microbe hôm thứ Sáu (16/7) có thể gợi ý sự cần thiết của “các chiến lược thay thế”, bao gồm các liều tiêm tăng cường, nhằm giúp những người đã được tiêm vắc-xin Sinovac tăng mức kháng thể chống lại Covid-19.

Sự hiện diện của kháng thể là dấu hiệu của một lần nhiễm bệnh trước đó hoặc là vắc-xin đang hoạt động để bảo vệ cá nhân được tiêm, nhưng số lượng protein kháng virus do cơ thể tạo ra để nhận diện và vô hiệu hóa virus corona không tương quan trực tiếp với mức độ miễn dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mức kháng thể cao hơn thường tương ứng với khả năng bảo vệ mạnh hơn và lâu dài hơn chống lại việc nhiễm bệnh.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà dịch tễ học hàng đầu Benjamin Cowling và Gabriel Leung cùng với nhà virus học Malik Peiris đã viết: “Sự khác biệt về nồng độ của các kháng thể trung hòa được xác định trong nghiên cứu của chúng tôi có thể chuyển thành sự khác biệt thực tế về hiệu quả của vắc-xin.”

Tham gia cuộc phỏng vấn với tờ SCMP, trưởng nhóm nghiên cứu Cowling nhấn mạnh, mức độ bảo vệ trung bình vẫn tốt hơn là không có. Vì vậy, ông kêu gọi người dân Hồng Kông nên đi tiêm chủng.

Ông nói: “Đừng để điều hoàn hảo trở thành kẻ thù của điều tốt đẹp.”

Tính đến thứ Năm (15/7), Hồng Kông đã tiêm hơn 4,5 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó khoảng 2,6 triệu liều vắc-xin BioNTech do Đức sản xuất và khoảng 1,8 triệu liều vắc-xin Sinovac do Trung Quốc Đại Lục sản xuất. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của đặc khu này đã diễn ra chậm chạp kể từ khi bắt đầu vào cuối tháng 2, và chỉ có khoảng 1/4 dân số Hồng Kông đã được tiêm chủng đầy đủ.

Để nghiên cứu kháng thể, các nhà nghiên cứu của HKU đã tuyển dụng 1.442 nhân viên y tế của các bệnh viện và phòng khám công và tư trên khắp Đặc khu và thu thập các mẫu máu của họ trong các khoảng thời gian khác nhau.

Trong nhóm đầu tiên gồm 93 người đã được tiêm chủng đầy đủ, nồng độ kháng thể của 63 người được tiêm vắc-xin BioNTech đã tăng lên mức “đáng kể” sau liều tiêm đầu tiên và tiếp tục đạt mức “đáng kể” sau liều tiêm thứ hai, trong khi đó 30 người được tiêm vắc-xin Sinovac có nồng độ kháng thể ở mức “thấp” sau liều tiêm đầu tiên và ở mức “trung bình” sau liều tiêm thứ hai.

Ông Cowling cho hay, bằng cách sử dụng phương pháp “tiêu chuẩn vàng” gọi là PRNT, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức kháng thể trung bình của một nhóm nhỏ gồm 12 người được tiêm vắc-xin BioNTech là 269, cao hơn 10 lần so với mức kháng thể trung bình 27 ở một nhóm có số người tương đương được tiêm vắc-xin Sinovac.

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng người được tiêm vắc-xin BioNTech có mức kháng thể thấp nhất vẫn có mức kháng thể cao hơn so người được tiêm vắc-xin Sinovac có mức kháng thể cao nhất.

Mức kháng thể do vắc-xin Sinovac tạo ra chỉ tương đương hoặc thấp hơn một chút so mức kháng thể được phát hiện ở các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục.

Ông Cowling nhận thấy, mức độ chênh lệch về kháng thể giữa hai loại vắc-xin này phù hợp với sự khác biệt được các nhà sản xuất báo cáo trong các đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của họ. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin BioNTech có hiệu quả lên đến 95% trong khi vắc-xin Sinovac chỉ có hiệu quả 50,7%.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm, nghiên cứu mới nhất của HKU đã cung cấp một sự so sánh trực tiếp hiếm có giữa hai loại vắc xin này. Điều đó có giá trị đối với các nhà khoa học bởi vì thử nghiệm của các nhà sản xuất liên quan đến các nhóm mẫu và quy mô khác nhau, do đó rất khó để so sánh trực tiếp kết quả thử nghiệm của họ.

Ông Cowling nhận định, các kết quả nghiên cứu mới cho thấy rằng những người được tiêm vắc-xin Sinovac, đặc biệt là những  người cao tuổi có phản ứng miễn dịch đối với vắc-xin kém hơn, có khả năng cần phải được tiêm liều thứ ba như một liều tăng cường.

Cho dù những người được tiêm của cả hai loại vắc-xin này đều có mức kháng thể có thể phát hiện được sau khi tiêm mũi thứ hai một tháng, nhưng ông không thể nói chắc chắn điều đó có ý nghĩa gì đối với kế hoạch của chính phủ Hồng Kông muốn rút ngắn thời gian cách ly đối với một số du khách đã tiêm chủng nếu họ có thể đưa ra bằng chứng về kháng thể. Ông lưu ý, vẫn chưa rõ liệu một số phòng thí nghiệm thương mại có đủ độ nhạy để phát hiện mức độ kháng thể thấp hay không.

Một ủy ban khoa học chung thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe của Hồng Kông sẽ họp vào thứ Năm tới (22/7) để thảo luận liệu liều tiêm vắc-xin Covid-19 thứ ba có cần thiết cho một số người hay không.

Trước đó, nghiên cứu về kháng thể của Bệnh viện và Viện điều dưỡng Hồng Kông, được công bố trên Tạp chí Y tế Hồng Kông vào tháng trước, đã đưa ra những phát hiện tương tự.

Nghiên cứu đã tuyển dụng 457 nhân viên y tế Hồng Kông đã được tiêm chủng và sử dụng các phương pháp khác nhau để đo mức độ kháng thể của họ. Trong đó, một phương pháp cũng cho thấy những người được tiêm vắc-xin BioNTech có mức protein kháng thể cao hơn 10 lần so với mức kháng thể ở những người được tiêm vắc-xin Sinovac.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu sâu thêm, bởi vì mức độ kháng thể cần thiết để cung cấp khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm bệnh trong tương lai hiện “chưa được xác định rõ.”

Gia Huy (Theo SCMP)

Xem thêm: