Nghiên cứu Úc: Chất hóa học trong đồ nhựa đang đe dọa sức khỏe con người
- Nhạc Minh
- •
Các chuyên gia Úc cảnh báo rằng việc tiếp xúc với hóa chất trong đồ nhựa thông thường sẽ làm tăng nguy cơ sức khỏe của con người. Đây là “tín hiệu nguy hiểm cho thế giới” và mọi người cần giảm thiểu việc tiếp xúc với các hóa chất nhựa này càng sớm càng tốt.
JBI, bộ phận nghiên cứu quốc tế của Đại học Adelaide, hợp tác với Quỹ Minderoo, đã kết hợp nhiều nghiên cứu thành một và xác định ra một loạt các rủi ro sức khỏe đáng lo ngại với nhựa.
Theo tin tức của AAP, Giáo sư Sarah Dunlop, một nhà nghiên cứu người Úc làm việc trong lĩnh vực khả năng thích nghi của hệ thần kinh và khoa học thần kinh, cho biết: “Nghiên cứu này chứng minh rõ ràng rằng không có hóa chất nào được thử nghiệm là an toàn, và những hóa chất này được tìm thấy trong các sản phẩm mà con người sử dụng mỗi ngày. Theo thời gian, chúng đang dần ngấm vào cơ thể chúng ta.”
“Đây là cảnh báo nguy hiểm cho toàn thế giới. Chúng ta cần giảm thiểu việc tiếp xúc với các hóa chất nhựa này, cũng như nhiều hóa chất khác chưa được đánh giá về ảnh hưởng sức khỏe con người. Tuy nhiên, cần hiểu rằng chúng đều là những chất độc hại người.”
Nghiên cứu toàn diện này cho thấy việc tiếp xúc với các hóa chất có trong nhựa sẽ dẫn đến một loạt các hệ quả tiêu cực cho sức khỏe trong cả quá trình phát triển của một đời người. Nói cách khác, nó đã “đi theo cơ thể” từ lúc trước khi sinh, trong khi sinh, thời thơ ấu và cả tuổi trưởng thành của một người.
Những hậu quả tiêu cực về sức khỏe này bao gồm: Sảy thai trước khi sinh; ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển và ngoại hình của bộ phận sinh dục, béo phì, huyết áp, hen suyễn và viêm phế quản ở trẻ em gái, dậy thì sớm, lạc nội mạc tử cung ở tuổi trưởng thành, giảm chất lượng tinh trùng, bệnh tiểu đường loại 2 và kháng insulin, ảnh hưởng chức năng tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và ung thư.
Nghiên cứu kết hợp dữ liệu từ 52 đánh giá có hệ thống bao gồm hơn 900 phân tích tổng hợp của khoảng 1,5 triệu người, bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn.
Nghiên cứu đã kiểm tra 5 loại hóa chất: bisphenol, phthalates, ete diphenyl polybrominated, biphenyl polychlorin hóa và các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS).
Nghiên cứu phát hiện ra 5 loại hóa chất có trong nhựa phổ biến nhất và nhiều nhất bao gồm:
– Bisphenol
– Phthalates
– Polybrominated diphenyl ethers (hay PBDEs)
– Polychlorinated biphenyls
– Các chất per- and polyfluoroalkyl
Những phát hiện trên được công bố hôm thứ Ba, nó kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường lệnh cấm nhựa sử dụng một lần; loại bỏ tất cả các loại hóa chất độc hại khi sản xuất bao bì và yêu cầu các lựa chọn thay thế an toàn. Các cuộc đàm phán quan trọng về một hiệp ước ràng buộc đầu tiên trên thế giới nhằm giảm quyết tình trạng ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 11 tại Busan, Hàn Quốc.
Christos Symeonides, bác sĩ nhi khoa và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết vì đồ nhựa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nên cần có hành động khẩn cấp để hiểu và hạn chế rủi ro của nó.
Ông nói: “Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về việc một số hóa chất mà chúng ta tiếp xúc qua nhựa có liên quan đến bệnh tật, khuyết tật và tử vong sớm như thế nào”.
Phó giáo sư Edoardo Aromataris, giám đốc khoa học tổng hợp tại JBI, đã đưa ra con số thống kê và các bằng chứng nhất quán về tác hại đã được tìm thấy đối với từng loại hóa chất, tỷ lệ lên tới 95%.
Ông nói: “Không có hóa chất nào liên quan đến nhựa được thử nghiệm trong đánh giá toàn diện này được coi là an toàn và mỗi loại hóa chất đều có nhiều tác hại cho sức khỏe ở một khía cạnh nào đó”.
Jay Weatherill, giám đốc Quỹ Minderoo, cho biết thế giới cần đồng tình và nhất trí tạo ra một khuôn khổ để bảo vệ sức khỏe con người khi phải đối mặt với những phát hiện tương tự về các hóa chất khác, trong đó có thủy ngân.
“Đây là cơ hội để các nước làm điều tương tự và bảo vệ sức khỏe của công dân của mình bằng cách đồng ý về danh sách các hóa chất sẽ được đưa vào hiệp ước nhựa toàn cầu”. Ông Wetherill nói.
Ông cũng cho biết, các quốc gia sản xuất nhựa và ngành hóa dầu đã phản đối mạnh mẽ hiệp ước này.
“Họ nói rằng việc giảm nhu cầu tiêu dùng và tái chế là đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, đó là một lời ngụy biện. Chúng ta không thể tìm cách thoát khỏi vấn đề này thông qua việc thu mua phế thải.” ông nói.
Từ khóa đồ nhựa chất hóa học