2019: Một năm biểu tình diễn ra khắp thế giới
- Như Ngọc
- •
Hàng triệu người trên toàn cầu trong năm 2019 đã tham gia hoạt động biểu tình vì thiếu dân chủ, phân biệt sắc tộc, tham nhũng và biến đổi khí hậu. Từ Trung Quốc tới Chile, Sudan tới Pháp, Thụy Điển người dân đã tràn xuống đường đòi thay đổi.
Mong muốn về xã hội mới đã thúc đẩy phong trào áo vàng làm tê liệt thủ đô Paris, Pháp, cũng như thu hút hàng triệu người xuống đường phố Santiago, Chile. Sự giận dữ chế độ cầm quyền đã làm bùng phát các cuộc nội dậy quần chúng khắp thế giới Ả Rập, từ Algeria, Sudan, tới Li Băng và Iraq. Tại Hồng Kông, cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đã biến thành phong trào ủng hộ dân chủ rộng lớn, có thời điểm thu hút tới 2 triệu người dân hòn đảo tự trị này xuống đường phản đối chính quyền Đặc khu và chính quyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Khi thế giới đang bước vào những ngày cuối cùng của năm 2019, một số cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, nổi bật là phong trào dân chủ tại Hồng Kông đã kéo dài hơn nửa năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong một số trường hợp khác, người biểu tình dường như đã thắng thế, chẳng hạn như tại Chile, nơi mà biểu tình khởi phát từ sự giận dữ khi chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm, bây giờ có thể kết thúc bằng một hiến pháp mới, tiến bộ hơn. Nhưng vẫn còn những nơi khác, dù là ở Sudan, Bolivia hay Algeria, người biểu tình có thể đã lật đổ được những nhà lãnh đạo không được lòng dân, nhưng họ chưa thể tạo ra được sự thay đổi tích cực hơn trong giới cầm quyền và toàn xã hội.
Biểu tình Hồng Kông: Tự do hay là chết?
Cuộc biểu tình Hồng Kông đã đang trở thành “điểm nóng” trên bản đồ thế giới. Sau 22 năm trở về với “đất mẹ”, Hồng Kông trở thành miền đất nhuốm máu của bạo lực và giết chóc, nhưng người Hồng Kông vẫn xuống đường biểu tình. Không phải họ không biết sợ hãi hay không trân quý mạng sống của mình. Hơn ai hết người Hồng Kông hiểu rằng, sau bao năm tạo dựng nên Hương Cảng Tự do và Thịnh vượng, trách nhiệm mỗi người trong số họ là phải bảo vệ bằng được thành quả đó.
>>Biểu tình Hồng Kông: Tự do hay là chết?
Trong cuộc chiến không cân sức giữa người biểu tình và chính quyền Đặc khu Hồng Kông với sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền ĐCSTQ, đã có hơn 4.000 người biểu tình bị bắt giữ. Nhưng hầu hết các bức ảnh mà truyền thông chụp được, không người trẻ Hồng Kông nào thể hiện sự căm hận hoặc sợ hãi, mà chỉ có sự bình thản và ngẩng cao đầu. Sự quả cảm, không cúi đầu thỏa hiệp trước cái Ác của họ khiến thế giới phải ngả mũ thán phục. Họ cho thấy lòng quyết tâm, tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và cả tính nhân bản tuyệt vời khiến bộ máy đàn áp tàn bạo nhất của ĐCSTQ phải âu lo tìm cách đối phó.
Và cuộc đấu tranh bền bỉ trộn máu và nước mắt suốt gần 6 tháng trời của người Hồng Kông đã được đền đáp. Ngày 27/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký thông qua hai đạo luật bảo vệ Hồng Kông. Vài triệu người Hương Cảng đã thức tỉnh cả tỷ con người trên thế giới trước họa Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Úc, Hà Lan… – những người không cùng chủng tộc, màu da nhưng cùng chung tiếng nói lương tri đã sát cánh cùng quốc đảo này.
Trong một cuộc chiến khác trên mặt trận dân chủ qua lá phiếu bầu cử, những người ủng hộ Hồng Kông dân chủ, tự do cũng đã thắng lớn. Trong cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông, người ta đã chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu cao chưa từng thấy trong lịch sử với 71,2% (khoảng 2,94 triệu người). Các đảng ủng hộ dân chủ đã nắm quyền kiểm soát 17/18 hội đồng trong một chiến thắng ‘long trời lở đất’. Trong số nhiều nghị viên trẻ tuổi đắc cử, họ đã từng xuống đường biểu tình, từng bị hăm dọa, đánh đập khi đi vận động tranh cử, nhưng họ không sợ hãi bỏ cuộc. Họ hiểu mỗi lá phiếu bầu của người dân Hồng Kông đều thấm máu và nước mắt của hàng vạn người trẻ Hồng Kông quả cảm.
>>Bầu cử Hồng Kông: Phe dân chủ thắng lớn, người dân mở sâm panh ăn mừng
Người Hồng Kông vẫn đang tiếp tục xuống đường và khẩu hiệu của họ là “5 yêu cầu không thể thiếu 1”, chừng nào nhà cầm quyền chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân, họ vẫn sẽ tiếp tục phản kháng vì tự do của thế hệ hiện tại và cũng là để bảo vệ nền tự do, dân chủ cho thế hệ tương lai.
Mùa Xuân Ả rập chưa kết thúc
Những cuộc biểu tình lớn tại Algeria và Sudan cho thấy tinh thần của phong trào Mùa Xuân Ả Rập bùng phát khắp Bắc Phi và Trung Đông vẫn tiếp tục trong năm 2019 này.
Các cuộc biểu tình ở Algeria năm 2019, còn được gọi là Cách mạng nụ cười hay Phong trào Hirak, bắt đầu vào ngày 16/2, sáu ngày sau khi ông Abdelaziz Bouteflika tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ năm.
Các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại các trung tâm đô thị lớn nhất của đất nước trong suốt các tháng 2, 3 và 4 năm 2019 và quân đội đứng về phía người dân yêu cầu ông Bouteflika từ chức. Tổng thống Bouteflika phải tuyên bố từ nhiệm vào ngày 2/4/2019. Đầu tháng Năm, nhiều nhân vật trong chính quyền Bouteflika, bao gồm cả ông Said – em trai của cựu tổng thống, cũng đã bị bắt.
>>Tổng thống Algeria từ chức sau đại biểu tình
Sau khi ông Bouteflika bị buộc từ chức, Tướng Gaid Salah nổi lên với tư cách là thủ lĩnh thực tế của Algeria, những người biểu tình đã chuyển sự giận dữ của họ đối với người đứng đầu quân đội, buộc tội ông chặn đường đến dân chủ.
Ông Gaid Salah luôn khẳng định rằng một cuộc bầu cử tổng thống là cách duy nhất để phá vỡ bế tắc chính trị của đất nước. Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã được tổ chức vào ngày 12/12, với năm cộng sự của cựu tổng thống tham gia tranh cử trong một cuộc đua mà cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune đã được bầu làm nguyên thủ quốc gia mới của đất nước.
Ông Abdelmadjid Tebboune đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Algeria hôm 19/12, nhưng phong trào biểu tình Hirak vẫn tiếp diễn. Phong trào biểu tình không lãnh đạo này vẫn đang lưỡng lự trước đề nghị đối thoại và ban hành hiến pháp mới mà ông Tebboune mới đưa ra.
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Sudan. Sau ba thập kỷ cầm quyền, Tổng thống Sudan Hassan Omar al-Bashir đã bị quân đội đảo chính, cùng sức ép từ các cuộc biểu tình lan rộng của người dân bắt đầu từ cuối năm 2018. Tổng thống al-Bashir từ chức vào ngày 11/4.
>>Sudan: Tổng thống Bashir bị quân đội lật đổ sau 30 năm cầm quyền
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Sudan hôm 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf đã thông báo về hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ giám sát thời kỳ chuyển tiếp trong hai năm cho tới khi tổ chức được các cuộc bầu cử.
Quá trình chuyển đổi dân chủ tại Sudan vẫn đang gặp nhiều khó khăn và người dân tiếp tục biểu tình cho dù phe quân sự đã nhượng bộ và thành lập chính quyền dân sự lâm thời hồi tháng Chín do Thủ tướng dân sự Abdalla Hamdok lãnh đạo.
Iran mất ảnh hưởng tại Trung Đông khi biểu tình nổ ra tại Li Băng và Iraq
Iraq, cũng như Li Băng đã chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào mùa thu năm nay với một mẫu số chung: Sự bất mãn phổ biến với ảnh hưởng của Iran.
Ở Iraq, những người biểu tình đã nhắm vào ảnh hưởng của Iran đối với chính phủ của Thủ tướng Adil Abdul-Mahdi, cũng như chính quyền tham nhũng và thất nghiệp tăng cao. Cuối cùng trước sức ép biểu tình, ông Abdul-Mahdi buộc phải từ chức vào ngày 1/12.
Tình hình tại Iraq vẫn hỗn loạn khi người biểu tình càng giận dữ hơn khi chính quyền chuyển tiếp được cho là không có gì khác so với giới chức tiền nhiệm.
Tại Li Băng, người dân hồi tháng Mười đã tràn xuống đường phản kháng các kế hoạch của chính phủ về tăng thuế xăng dầu, thuốc lá và thậm chí cả các cuộc gọi qua phần mềm WhatsApp. Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành một phong trào phản kháng rộng rãi hơn về tham nhũng nhà nước đặc hữu và mức sống giảm, cũng như ảnh hưởng từ Iran.
Bất chấp Thủ tướng Saad Harir đã từ chức, các nhà lãnh đạo biểu tình vẫn từ chối họp mặt với người kế nhiệm tạm thời và đang yêu cầu cải tổ mạnh mẽ thể chế nhà nước.
Phong trào biểu tình chống chính phủ lan sang Iran
Vào tháng Mười Một, chính quyền Iran đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì đàn áp các cuộc biểu tình. Phong trào phản kháng này bắt nguồn từ việc chính phủ Iran bỏ trợ cấp và tăng mạnh giá nhiên liệu.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khoảng 21 thành phố khắp Iran. Chế độ Tehran đã phong tỏa Internet và điều động quân đội và cảnh sát vũ trang dùng vũ lực trấn áp người biểu tình.
>>Mỹ cáo buộc chế độ Iran đã giết hơn 1.000 người biểu tình
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng hơn một nghìn người dân Iran đã bị giết hại trong các cuộc tuần hành chống chính phủ vừa qua. Đây được cho là các vụ đụng độ đẫm máu nhất tại Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Mỹ La-tinh trải qua một năm sóng gió
Các cuộc biểu tình tại Chile bùng phát từ hơn hai tháng trước, được kích hoạt bởi mâu thuẫn trong nội tại hệ thống kinh tế và chính trị của quốc gia này. Người biểu tình yêu cầu cải tổ các hệ thống y tế, hưu trí và giáo dục.
Tính đến ngày 26/10, 19 người đã chết, gần 2.500 người bị thương và 2.840 người đã bị bắt giữ. Vào ngày 28/10, Tổng thống Piñera đã thay đổi 8 bộ trong nội các của ông, miễn nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Andrés Chadwick.
>>Một triệu người biểu tình hình thành ‘cuộc tuần hành lớn nhất’ Chile
Các cuộc biểu tình tương tự cũng bùng phát tại Ecuador trong tháng Mười và Colombia vào tháng Mười Một. Người dân phản kháng chính sách thắt lưng buộc bụng của các chính phủ do phe cánh hữu lãnh đạo.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ cánh tả cũng tiếp diễn tại Venezuela, Nicaragua và Bolivia.
Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức hôm 10/11 sau khi quân đội yêu cầu ông nên rút lui và đồng minh cũng bỏ rơi ông sau nhiều tuần biểu tình lan rộng phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Mười.
>>Tổng thống cánh tả Bolivia từ chức do sức ép của biểu tình, quân đội
Động lực từ Bolivia, người dân Venezuela lại tiếp tục sát cánh cùng lãnh đạo đối lập Guaido biểu tình chống Tổng thống Nicolas Maduro. Tuy nhiên, dù được sự ủng hộ của hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, nhưng ông Guaido và phe đối lập vẫn chưa thể tạo được đủ áp lực buộc ông Maduro phải rời nhiệm sở.
Tổng thống Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ của tòa án, quân đội và đặc biệt là sự hậu thuẫn của các đồng minh Cuba, Trung Quốc và Nga.
Cũng giống như Venezuela, các cuộc biểu tình chống chính phủ xã hội chủ nghĩa Daniel Ortega tại Nicaragua đã bùng phát mạnh hồi tháng Ba. Nhưng sau đó trước sự đàn áp quyết liệt của chính quyền Ortega, phong trào phản kháng của người dân dần hạ nhiệt.
Người Pháp bất mãn với chính quyền Macron
Phong trào biểu tình áo vàng bùng phát tại Pháp từ cuối năm 2018, vẫn tiếp diễn trong năm 2019 và chưa biết khi nào sẽ kết thúc.
Phong trào áo vàng nổ ra từ cuối năm 2018 khi giới lái xe phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính quyền Macron. Sau đó, phong trào thu hút thêm các tầng lớp khác và biến thành hoạt động phản kháng chính phủ.
>>Pháp: Hàng triệu công nhân, giáo viên, cảnh sát đình công phản đối cải cách hưu trí
Trong tháng Mười Hai này, các nghiệp đoàn tại Pháp đang tổ chức đình công và phong tỏa các tuyến phố nhằm phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ.
Phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu lan rộng tới 150 nước
Trong vài tháng, từ cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu độc lập của nữ sinh Greta Thunberg bên ngoài quốc hội Thụy Điển, đã trở thành một phong trào hoạt động thanh niên mới thu hút hàng triệu người.
Các cuộc biểu tình “Thứ Sáu vì Tương lai” trong năm 2019 đã kéo theo 4.500 cuộc đình công trên hơn 150 quốc gia.
Biến đổi khí hậu nói chung và cá nhân nhà hoạt động môi trường nhí Greta Thunberg còn gây nhiều tranh cãi trên phạm vi toàn cầu, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của nữ sinh 16 này lên cộng đồng thế giới trong năm qua.
Tạp chí Time của Mỹ cũng đã bầu chọn Greta Thunberg là nhân vật của năm 2019. Kể từ khi trao tặng danh hiệu này vào năm 1927, chưa bao giờ tuần báo Time bầu chọn một người trẻ như thế.
Người Catalan kiên trì cuộc chiến độc lập
Sau khi chín nhà lãnh đạo ly khai ở Catalan bị Tòa án Tối cao Tây Ban Nha tuyên bố bỏ tù vào ngày 14/10, một làn sóng giận dữ mới đã nổ ra, làm tê liệt thủ phủ khu vực Barcelona.
Các cuộc biểu tình – mà có thời điểm thu hút nửa triệu người tham gia – đã biến thành bạo lực trong sáu đêm liên tiếp.
Cuộc tổng đình công và tình trạng bất ổn đi kèm đã khiến giao thông bị đình trệ và làm tê liệt ngành sản xuất xe hơi, thậm chí giới chức bóng đá buộc phải hoãn trận đấu giữa hai đội bóng Barcelona và Real Madrid ngày 26/10.
Ấn Độ bùng nổ biểu tình diện rộng vì luật quốc tịch mới
Quốc hội Ấn Độ trong tháng này đã thông qua luật cho phép công dân không theo Hồi giáo từ ba nước Pakistan, Bangladesh và Afghanistan nhập cư trái phép vào Ấn Độ được cấp quốc tịch chính thức.
Động thái này của giới chức Ấn Độ khiến cộng đồng Hồi giáo tại nước này coi đó là hành vi phân biệt tôn giáo và tổ chức các cuộc biểu tình rộng khắp.
>>Ấn Độ bùng phát biểu tình rộng khắp phản đối luật quốc tịch sửa đổi
Hôm 19/12, chính quyền New Delhi đã phải ban bố lệnh giới nghiêm diện rộng và cắt Internet tại một số bang để đối phó với phong trào biểu tình lan rộng.
Bất chấp biểu tình, Thủ tướng Narendra Modi hôm 22/12 vẫn tuyên bố bảo vệ luật quốc tịch mới. Trước đám đông hàng nghìn người ủng hộ, ông Modi tố cáo phe đối lập “phao tin thất thiệt”.
Như Ngọc (T/h)
Từ khóa biểu tình Dòng sự kiện 2019 thế giới 2019