Nhà cầm quyền Taliban của Afghanistan đang thiếu tiền mặt trầm trọng do vẫn chưa được công nhận vì hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến và cấm phụ nữ đến trường, làm việc và tham gia vào đời sống công cộng. Cuối tháng trước, nhóm Hồi giáo cực đoan này đã ăn mừng sau khi ký được 7 hợp đồng khai thác mỏ hứa hẹn thu hút hơn 6,5 tỷ USD đầu tư, nhưng các chuyên gia hoài nghi về việc những hợp đồng này sẽ được thực hiện.

GettyImages 462248769
Một người đàn ông Afghanistan vác bao than lên một chiếc xe tải để vận chuyển từ tỉnh Samangan đến Pakistan hôm 13/1/2014. (Ảnh của JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Các hợp đồng được ký kết vào ngày 31/8 bởi các công ty Afghanistan làm việc với các đối tác nước ngoài từ các nước bao gồm Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh.

Bất hợp pháp

Khi cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Afghanistan ngày càng sâu sắc, sự thiếu tính hợp pháp của nhà cầm quyền Taliban cũng đang đè nặng lên khả năng có thể thành công của những nỗ lực đẩy nhanh mức tăng doanh thu từ khai thác mỏ. Các chuyên gia cho rằng rất ít người Afghanistan được hưởng lợi từ những thỏa thuận không minh bạch, phá vỡ các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập.

Jeff Rigsby, cựu nhà thầu quân sự Mỹ và nhân viên cứu trợ sống ở Kabul, cho biết: “Trong bối cảnh không được công nhận về mặt ngoại giao, số tiền cần cho phát triển tài nguyên khoáng sản trên quy mô lớn tại Afghanistan sẽ đòi hỏi nhiều hơn mức mà các công ty lớn sẵn sàng đầu tư”.

Kể từ năm 2022, Rigsby đã theo sát nỗ lực khai thác tài nguyên khoáng sản của Taliban đồng thời tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Afghanistan.

Ông nói: “Trước đây, Taliban không phải lúc nào cũng tiến hành thẩm định khi công bố các thỏa thuận đầu tư vào các lĩnh vực khác”. Rigsby nói thêm rằng có rất ít thông tin về các công ty nước ngoài gần đây đã ký hợp đồng khai thác đồng, vàng, chì, kẽm và sắt từ một số tỉnh của Afghanistan.

Abdul Qadeer Mutfi, cựu cố vấn của Bộ Mỏ và Dầu mỏ Afghanistan, lưu ý: “Những hợp đồng này không minh bạch”; “Taliban hy vọng sẽ giải quyết các vấn đề tài chính của chính phủ bằng cách bán khoáng sản làm nguyên liệu thô cho nhiều nước”.

Ông nói: “Afghanistan có thể gặp phải lời nguyền tài nguyên giống như nhiều nước châu Phi. Sau ma túy, khoáng sản là nguồn tài chính quan trọng gây ra xung đột”.

Nhiều nước châu Phi có trải nghiệm này, nghĩa là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên quy mô lớn không mang lại tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước.

Tuy nhiên, Taliban tuyên bố họ đang nỗ lực tự cung tự cấp bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Nhà cầm quyền này đã nhiều lần miêu tả các dự án khai thác mỏ, thủy lợi và thương mại như một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo hiện nay của Afghanistan.

Theo Liên Hiệp Quốc, tổng dân số Afghanistan ước tính khoảng 40 triệu người, trong đó hơn 30 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo. Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cạn kiệt, tổ chức thế giới cảnh báo rằng hàng triệu người Afghanistan không có đủ lương thực và có tới 3 triệu người phải đối mặt với nạn đói.

Tài nguyên khoáng sản phong phú

Rigsby tin rằng Taliban không có được thành công trong việc phát triển các mỏ mới. Ông cho hay tổ chức cực đoan này đã luôn xuất khẩu than sang Pakistan từ các mỏ hiện có, họ cũng đã nhen nhóm lại một thỏa thuận thăm dò dầu khí với công ty Trung Quốc – thỏa thuận này chính quyền cũ thân phương Tây của Kabul đã đạt được với Trung Quốc hơn một thập niên trước.

Vào tháng 1 năm nay, Chính phủ Taliban đã ký hợp đồng với Công ty Dầu khí Trung Á Tân Cương (CAPEIC) để đầu tư, cho đến năm 2026 đã đầu tư 540 triệu USD thăm dò các nguồn tài nguyên dầu khí tự nhiên ở lưu vực sông Amu Darya thuộc miền bắc Afghanistan. Chính động thái này đã khôi phục hợp đồng năm 2012 với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) thuộc sở hữu nhà nước.

Ước tính năm 2010 về tài nguyên khoáng sản tiềm năng của Afghanistan trị giá hơn 1000 tỷ USD đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Nhưng tính chính xác của ước tính đó gần đây đã bị đặt dấu hỏi. Vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém của Afghanistan, thiếu công nghệ tiên tiến và lao động được đào tạo cũng như chi phí cao vẫn là những trở ngại đáng kể cho việc khai thác tài nguyên khoáng sản của nước này.

Tuy nhiên Afghanistan rất giàu tài nguyên khoáng sản, bao gồm các mỏ sắt, đồng, than đá, lithium, đá cẩm thạch, crom, coban và vàng. Hơn nữa, ngoài khí đốt và dầu mỏ tự nhiên, đất nước miền núi này còn rất giàu đá lưu ly và các loại đá quý khác.

Kể từ khi trở lại nắm quyền hai năm trước, nhà cầm quyền Taliban vì khan hiếm tiền đã tìm mọi cách biến tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan thành nguồn tiền mặt.

Shahbuddin Delawar, Bộ trưởng Mỏ và Dầu khí của Taliban, cho biết sau khi ký hợp đồng vào ngày 31/8: “Với những khoản đầu tư này, có thể tưởng tượng chúng tôi có bao nhiêu tài nguyên khoáng sản và chúng có thể tăng thu nhập của chúng tôi như thế nào”.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Shahbuddin Delawar cho biết rằng Chính phủ Taliban cho đến nay đã ký 116 hợp đồng khai thác quy mô nhỏ và 27 hợp đồng khai thác quy mô lớn. Trong năm tài chính vừa qua kết thúc vào tháng 3 năm ngoái, chính phủ đã kiếm được hơn 220 triệu USD từ doanh thu khai thác mỏ.

Ông nói với BBC: “Doanh số bán khoáng sản đã tăng lên nhờ tính minh bạch và chấm dứt nạn buôn lậu”.

Trung Quốc

Tuy nhiên, tình hình thực tế của ngành khai thác mỏ địa phương không ủng hộ đánh giá lạc quan của ông. Các doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân Trung Quốc, một trong những nguồn đầu tư quốc tế chính trong ngành khai thác mỏ của Afghanistan, dường như không muốn bắt đầu công việc.

Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) vẫn chưa triển khai hợp đồng khai thác đồng trị giá 2,83 tỷ USD tại tỉnh Logar phía đông Afghanistan- hợp đồng thuê 30 năm được ký vào năm 2007. Taliban luôn cố gắng thúc đẩy đối tác Trung Quốc khai thác ngầm để bảo vệ các địa điểm khảo cổ Phật giáo rộng lớn trong khu vực, nhưng chưa thành công.

Rigsby chia sẻ: “Cho dù một số doanh nhân Trung Quốc đang xuất khẩu hoặc buôn lậu khoáng sản với số lượng nhỏ. tuy nhiên hiện diện của ngành khai thác mỏ Trung Quốc tại Afghanistan dường như rất ít”.

Trong một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu “Mạng lưới phân tích Afghanistan” đã kết luận rằng các dự án quy mô lớn hơn của Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm mới thành hiện thực. Báo cáo cho biết: “Chúng sẽ mang lại rất ít lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Afghanistan”.

Cựu cố vấn Mutfi của Bộ Mỏ và Dầu mỏ Afghanistan chỉ ra, nếu không có trách nhiệm giải trình, sự giám sát, sự tham gia của cộng đồng cũng như sự giám sát của xã hội dân sự và chính trị độc lập, như vậy chỉ giới lãnh đạo Taliban mới có thể hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan. Ông nhấn mạnh, “Chúng tôi đang phải đối mặt với những tổn thất đáng kể”.

Mộc Vệ (theo VOA)