Anh sẽ ban hành luật chống can thiệp nước ngoài sau khi phát hiện gián điệp TQ tại Quốc hội
- Ngân Hà
- •
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết chính phủ Anh sẽ giới thiệu bộ luật mới nhằm chống can thiệp nước ngoài, sau khi phát hiện một gián điệp Trung cộng hoạt động tại Quốc hội.
Cơ quan an ninh MI5 của Anh đã thực hiện một động thái bất thường hôm 12/1 khi gửi cảnh báo tới Quốc hội về một cá nhân tên là Christine Ching Kui Lee “đã dính líu có chủ đích vào các hoạt động can thiệp về chính trị dưới danh nghĩa Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Cảnh báo cho biết Lee đã đóng góp tài chính cho các đảng chính trị và chính trị gia Anh và bất cứ ai đã được bà ta liên hệ nên “lưu ý đến mối liên hệ của bà ta với nhà nước Trung Quốc và không thúc đẩy chương trình nghị sự của ĐCSTQ trong chính trường của Anh.”
Ngày 17/1, bà Patel đưa ra tuyên bố tại Hạ viện cho biết bà “cực kỳ kinh hoàng khi một cá nhân đã dính líu một cách có chủ ý vào các hoạt động can thiệp về chính trị đại diện cho Đảng cộng sản Trung Quốc trong nhiều năm nhằm vào các thành viên Quốc hội này.”
Bà cho biết mục đích của hành vi gây ảnh hưởng như vậy là nhằm “làm cho chính trường của Anh thuận lợi hơn cho chương trình nghị sự của nhà cầm quyền Trung Quốc và thách thức những người đã lên tiếng quan ngại về hoạt động của chính quyền Trung Quốc trong các vấn đề rất cấp thiết như nhân quyền.”
Bà cho rằng những cảnh báo an ninh tương tự sẽ trở nên thông dụng hơn khi các cơ quan tình báo “đã thích ứng với việc chống những mối đe dọa mới đang xuất hiện này.”
Chính phủ Anh đang triển khai luật an ninh quốc gia mới “nhằm làm một quốc gia có ý đồ xấu khó tiến hành những hoạt động như vậy hơn.” Bà Patel bổ sung rằng bộ luật như vậy sẽ “cung cấp cho các cơ sở an ninh và cơ quan thực thi pháp luật những công cụ cần thiết để bẻ gãy hoàn toàn các mối đe dọa quốc gia.”
Ngài Iain Duncan Smith, cựu lãnh tụ Đảng Bảo thủ, cho rằng “điều kinh hoàng là một thành viên nào đó của Hạ viện này lại để một cường quốc bên ngoài lợi dụng chính bản thân họ.”
“Chính phủ phải trở nên cứng rắn hơn nữa. Đã đến lúc thay đổi lập trường của chúng ta và coi Trung Quốc là mối đe dọa thực sự đối với chúng ta.”
Bob Seely, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ khác, phát biểu các vụ bê bối tương tự sẽ vẫn tiếp diễn tới khi “chúng ta điều chỉnh luật gián điệp của chúng ta, tới khi chúng ta điều chỉnh luật vận động hành lang trong nước của chúng ta, và tới khi chúng ta đưa ra được một bộ luật vận động hành lang nước ngoài.”
Các đảng đối lập cũng kêu gọi thi hành các biện pháp để tăng cường khả năng phòng thủ của Anh chống lại sự can thiệp của Trung Quốc.
Bộ trưởng Nội vụ đối lập đảng Lao động Anh Yvette Cooper nói thông tin trong cảnh báo an ninh của MI5 “rõ ràng cực kỳ nghiêm trọng” và “chúng ta lên án bằng ngôn ngữ mạnh mẽ nhất những âm mưu của Trung Quốc nhằm can thiệp vào tiến trình dân chủ của Vương quốc Anh.”
Nghị sĩ đảng Lao động Chris Bryan nhấn mạnh rằng các nghị sĩ cần “nhận thức đầy đủ về khả năng thâm nhập vào chính trường Anh [của ĐCSTQ].”
Ông cũng kêu gọi trừng phạt một loạt quan chức Trung Quốc, bao gồm trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Thị Nguyệt Nga và bốn quan chức Tân Cương vì họ đã “phá hoại nhân quyền ở cả Hồng Kông và Trung Quốc.”
Ngân Hà (theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc Dòng sự kiện MI5