“Bây giờ đã rõ rồi, nói thật thà, chúng tôi đã vét cạn tối đa người của chúng tôi rồi,” truyền thông Mỹ, AP dẫn lời của một chỉ huy của quân Ukraine, và báo cáo rằng Ukraine đang đối mặt với khả năng thiếu quân. Đào ngũ là một trong các nguyên nhân, theo AP, khi phỏng vấn trực tiếp một số người đã đào ngũ. Hiện nay, Mỹ đang hối thúc Kiev giảm độ tuổi bắt lính xuống còn 18 tuổi, cho phép Ukraine có thể nhanh chóng đưa nhóm thanh niên 18 đến 25 tuổi ra chiến trường. Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden sắp hết nhiệm kỳ, và hiển nhiên, họ không muốn quân Ukraine sụp đổ trước khi bàn giao cho chính quyền mới vào ngày 20/1/2025, mặc dù khả năng chiến trường sụp đổ là không lớn.

241130BorisJohnson
Boris Johnson, thủ tướng Anh lúc đó, được cho là đã nói câu “hãy chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng” khi “khích lệ” tinh thần chiến đấu trong chuyến ông bất ngờ tới thăm Kiev năm 2022, mà sau đó Kiev xé bỏ hòa ước Istanbul mà họ đã ký (ảnh minh họa, nguồn Shutterstock / Alexandros Michailidis)

Nạn đào ngũ ở Ukraine

Theo con số của Văn phòng Tổng Công tố Ukraine, trên 100.000 quân nhân đang bị kết tội đào ngũ. Theo tội danh này, họ có thể sẽ bị tống giam. Nhưng vấn đề là, người ta đào ngũ chính là vì không muốn chết, vậy thử hỏi ở trong nhà tù an toàn hơn hay là ra chiến trường an toàn hơn? Theo tình trạng thiếu quân hiện nay, chính quyền Kiev đã điều chỉnh luật này, cho phép xóa tội đào ngũ nếu quân nhân đó quay trở lại đội ngũ.

AP đã tiến hành phỏng vấn một số người đào ngũ, luật sư, và quan chức Ukraine về vấn đề tuyển quân và đào ngũ này. Theo một dân biểu Quốc hội, thì con số đào ngũ là 200.000.

Các video cảnh bắt lính ở toàn quốc Ukraine lan tràn trên mạng xã hội, ám chỉ rằng chính quyền đã huy động gần hết những người mà họ có thể huy động ra chiến trường rồi.

“Bây giờ đã rõ rồi, nói thật thà, chúng tôi đã vét cạn tối đa người của chúng tôi rồi,” một chỉ huy trong lữ đoàn số 72 nói với AP, và cho biết thêm rằng kể từ tháng 10 sau khi thị trấn Ugledar (Vuhledar) thất thủ, tình hình trong quân đội trở nên bất ổn và nạn đào ngũ tăng mạnh.

Một người đào ngũ bằng cách không trở lại quân ngũ sau khi nghỉ chữa bệnh, đã nói với AP rằng lý do ông cảm thấy mất tinh thần chiến đấu là vì cảm thấy cuộc chiến đã trở nên vô vọng, mà điều đó có thể nhận thấy qua sự im lặng của truyền thông trong nước, không báo cáo về tình hình chân thực ở chiến trường.

“Im lặng là một vấn đề rất lớn, và nó chỉ gây hại cho đất nước này,” ông nói với AP.

Một người đào ngũ khác kể rằng sau khi phẫu thuật, ông đã không thể quay lại chiến đấu vì “hãy hình dung cảnh bạn ngồi ở đó trong làn lửa đạn từ phía quân địch, 50 đạn pháo bắn về phía bạn, và bạn chứng kiến đồng đội bị bắn toang thành từng mảnh, và bạn cảm thấy chỉ vài giây nữa thôi, bạn cũng sẽ trở thành giống như thế, trong khi đó, lệnh của người [Ukraine] ngồi cách đó 10 km truyền tới chỗ bạn qua loa: Tiếp tục nào, dũng cảm lên, mọi thứ sẽ tốt thôi.”

Ông cũng nói ông thất vọng về sự thất hứa của chính quyền. Sau 5 năm phục vụ trong quân ngũ, ông phát hiện rằng, những hứa hẹn sẽ hết hạn quân dịch và sẽ được giải ngũ là không bao giờ xảy ra.

“Nếu không có giải ngũ, thì nơi đó đã bị biến thành một nhà tù rồi,” ông chia sẻ cảm giác của mình, “và rất khó có thể tìm được lý do nào cho việc phải bảo vệ cái đất nước này.”

Cảnh chiến loạn ở Ukraine đã bước sang năm thứ 11, kể từ khi nội chiến xuất hiện sau cuộc cách mạng màu (cách mạng Nhân phẩm) do Mỹ hậu thuẫn diễn ra cuối năm 2013 đầu năm 2014, lật đổ chính quyền được bầu cử đúng theo Hiến pháp, và lập nên một chính quyền do những người chống Nga làm chủ.

Kiev không kịp bổ sung binh lính và sỹ quan

AP chỉ ra rằng vấn đề đang ngày càng nghiêm trọng đối với giới chức Kiev là họ không sao bù đắp được số quân đã bị loại khỏi vòng chiến, do tử vong, trọng thương, hoặc đào ngũ.

  • Thất bại ở chiến trường, truyền thông Mỹ như AP phỏng vấn và chỉ rằng đó là vì Ukraine không sao duy trì được binh lực đủ cho chiến đấu, trong khi đó, có những tiếng nói khác, cho đó là vì rằng phương Tây không cung cấp đủ vũ khí vào chiến trường Ukraine. Ví như trong một phỏng vấn với Telegraph (Anh quốc) công bố hôm Thứ Năm, Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson nói về chiến tranh Ukraine: “Chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhưng lại không trao cho người ủy nhiệm của chúng ta năng lực để làm nhiệm vụ đó (do the job). Suốt những năm nay, chúng ta đã để họ chiến đấu với một tay bị trói sau lưng, và điều đó thật tàn độc. Điều đó thật là tàn độc.”

Không chỉ binh lính, mà việc bổ sung sỹ quan cũng là vấn đề đau đầu cho giới chức Kiev.

“Họ rời bỏ vị trí ngay khi đối mặt kẻ thù là bởi vì người chỉ huy của họ chết,” một quan chức nói với AP. “Rất nhiều tính huống là cả một đơn vị bỏ chạy, đơn vị lớn, đơn vị nhỏ. Họ thế là để trống cả mảng sườn, và quân địch có thể thọc vào qua chỗ đó để giết những đồng đội khác, khi những người đồng đội đó vẫn giữ vị trí mà không biết rằng chung quanh đã không còn [đồng đội] nữa.”

Theo một chỉ huy của lữ đoàn 72, người nói với AP rằng ông là một trong những người cuối cùng rút khỏi thị trấn Ugledar, kể rằng mỗi nhóm 120 quân theo quân số, đã chỉ còn lại cỡ 10 người. Những người khác đã chết, bị thương và phải rời đi, và đào ngũ, v.v. mà trong đó 20% là đào ngũ.

“Tỷ lệ [đào ngũ] tăng theo cấp số nhân qua hàng tháng,” ông bình luận. Ông cho hay quân Nga khi truy sát đã tấn công những ai không kịp rút lui, những người lính chết uổng khi không biết rằng đồng đội che chở mạn sườn của họ đã tháo chạy.

Vậy thì ông có trách cứ các đồng đội tháo chạy hay không? “Đến thời điểm đó, tôi không còn lên án bất kỳ người lính nào trong lữ đoàn tôi cũng như lữ đoàn khác… bởi vì tất cả mọi người đều đã quá mệt mỏi rồi,” ông nói với AP.

Cuối tháng 9, chính quyền Kiev chần chừ trong việc chính thức ra lệnh rút quân khỏi Ugledar. Mãi cho đến khi quân đội thực chiến có rất nhiều báo cáo yêu cầu Kiev ra lệnh rút quân, nếu không sẽ có thêm nhiều quân lính sẽ chết uổng như vậy, thì lệnh rút quân mới được Kiev ban bố vào đầu tháng 10.

Một vấn đề nổi cộm liên quan mà AP không đề cập tới

Quãng thời gian tháng 10, tháng 11, truyền thông nội địa Ukraine rộ lên hàng loạt các bài đưa tin về nạn tham nhũng trong cơ quan y tế. Những người làm giàu nhờ chiến tranh khi làm giả các giấy tờ trốn lính.

Giống như phương Tây có câu: “Chiến tranh là của người giàu, chiến đấu là của người nghèo.” Các cuộc chiến tranh là do giới giàu khởi xướng để tranh đoạt quyền lực, nhưng mà, dùng mạng để chiến đấu ở chiến trường là người nghèo.

Nạn bán chứng từ y tế để trốn lính cũng phản ánh câu nói ấy. Theo truyền thông Ukraine đưa tin, những người giàu có, thậm chí rất nhiều quan chức trong các văn phòng công tố, là có đủ tiền để chi trả cho chứng từ giả mạo bệnh tật, và họ không phải đi lính.

  • Một cư dân mạng tổng hợp các hình ảnh về truyền thông nội địa Ukraine công bố vài tháng qua, khi xét nhà và tìm thấy quá nhiều tiền, về những người làm giàu nhờ chiến tranh:

Nga có gặp vấn đề tương tự hay không?

Nga không gặp khó khăn về vấn đề bổ sung quân bị như Ukraine. Theo một phân tích độc lập về chiến tranh Ukraine, thì đó là nhờ chính sách quân tình nguyện bằng cách trả lương hậu hĩnh cho quân nhân đồng ý ra chiến tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin (ít nhất 2,5 lần thu nhập trung bình, chưa kể khoản thưởng ban đầu và trợ cấp của tỉnh nơi đồn trú). Ông Putin đã đưa ra chính sách này sau khi phát hiện ra những bất ổn của việc bắt đi lính bởi đợt huy động vào tháng 9/2022. Từ đó, ông không huy động bắt lính nữa.

Truyền thông phương Tây đăng các bài nói rằng người Nga hết cách rồi, phải đưa cả những người dân tộc thiểu số đi lính. Có phóng viên phương Tây tới Nga khảo sát và thấy rằng đó là người dân nghèo tình nguyện đi lính vì sự hấp dẫn của đãi ngộ mà chính quyền cung cấp.

Cũng theo video phân tích bên trên, các tuyên truyền rằng quân Nga dùng chiến thuật biển người hay lấy thịt đè người, v.v. là không đúng sự thật. Cả Nga và Ukraine đều phát hiện rằng lối tập trung đông bộ binh sang tấn công áp đảo đối phương là không dùng được nữa, do thời nay vệ tinh và drone thám thính quá mạnh, cho phép pháo kích rất hiệu quả vào phe địch nếu tập trung đông quân. Do đó cả 2 phe đều chia quân thành các nhóm nhỏ, dưới 10 người, dưới 50 người, để giao tranh dọc theo chiến tuyến.

Thời điểm nhạy cảm ở chính trị Mỹ

Hiện nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm, và Donald Trump sẽ chính thức tiếp quản Tòa Bạch Ốc vào 20/1/2025.

Mặc dù khả năng quân Ukraine bị sụp đổ trước khi chính quyền Mỹ mãn nhiệm không cao, vì dù sao Nga cũng không có tiến quân được nhanh đến như vậy, tuy nhiên không thể hoàn toàn loại trừ khả năng ấy, đặc biệt là khi tinh thần binh lính Ukraine sa sút. Hiện nay, trong các bình luận của giới phân tích độc lập ở Mỹ, đã có các ý kiến cho rằng đối với các đời tổng thống Mỹ, thì sự thất bại chiến tranh Ukraine có thể sẽ còn tệ hơn so với chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Afghanistan.

Như tin đã đưa, Mỹ lại một lần nữa hối thúc Kiev giảm tuổi bắt lính xuống 18 tuổi, tức là, khi đã vét cạn quỹ người 25 tuổi trở lên của Ukraine rồi, thì những người đàn ông Ukraine 18 đến 25 tuổi cũng đến lượt.

Nhật Tân