Bà Merkel giải thích việc phản đối Ukraine gia nhập NATO trước đây
- Thiên Tư
- •
Trong cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên sau khi rời nhiệm sở, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn có thời gian dài đóng vai trò thúc đẩy định hướng chính sách châu Âu đã có những chia sẻ công khai và tiết lộ lý do phản đối việc Ukraine gia nhập NATO trước đây.
Lý do bà Merkel phản đối Ukraine gia nhập NATO
Ngày 7/6 tại một nhà hát ở Berlin, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi rời nhiệm sở, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có những chia sẻ với nhà báo và nhà văn Đức Alexander Osang rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là một thảm kịch khủng khiếp mà bà đã cố gắng hết sức để ngăn chặn không cho tình hình dẫn đến như thời điểm này, vì vậy bà Merkel không hối tiếc và tin rằng “không có gì phải xin lỗi”.
Trong cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên sau khi rời nhiệm sở này, bà cũng đề cập đến lý do trước đây bà phản đối việc Ukraine gia nhập NATO: thứ nhất là để tránh làm Nga tức giận, thứ hai là lúc đó Ukraine vẫn trong tình trạng chia rẽ nội bộ, thậm chí ngay trong phe cải cách của Ukraine cũng đã rất mâu thuẫn, bộ máy chính trị Ukraine khi đó đầy bất ổn và tham nhũng, cho nên phải ngăn chặn leo thang xung đột với Nga.
Bà Merkel giữ chức Thủ tướng Đức trong thời gian dài từ năm 2005 – 2021 nên đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt 4 nhiệm kỳ Thủ tướng Đức của bà.
Theo bà Merkel, chỉ 2,5 tháng sau khi bà từ chức thủ tướng, bà đã không thể ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu từ hồi cuối tháng Hai năm nay: “Tôi không phải tự trách mình đã không đủ cố gắng”, bà Merkel chia sẻ trong phỏng vấn tối 7/6. “Không có cấu trúc an ninh nào được áp dụng để ngăn chặn điều này”, bà Merkel giải thích.
Cựu thủ tướng Đức 67 tuổi cũng cho rằng “Không thể quy kết ngoại giao sai lầm khi không hiệu quả như mong đợi”, qua đó tin rằng việc năm 2008 bà phản đối Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO là một quyết định đúng đắn. Bà nói Ukraine không phải là đất nước dân chủ thống nhất, nếu họ thuộc NATO thì NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ một đất nước như vậy nếu bị tấn công. Nhưng bà khá chắc rằng ông Putin sẽ không để điều đó xảy ra. Bà Merkel nói: “Theo quan điểm của ông ta thì động thái đó là một lời tuyên chiến”.
Thỏa thuận Minsk
Theo Reuters, mới đây hãng truyền thông Đức ARD đã phát đi đoạn clip phỏng vấn độc quyền đối với cựu Thủ tướng Merkel của nhà báo kiêm nhà văn Alexander Osang của tuần báo Der Spiegel. Trong cuộc phỏng vấn, bà Merkel nói rằng những nỗ lực ngoại giao của bà nhằm xoa dịu tình hình ở Nga và Ukraine là không sai nên bà không phải xin lỗi.
Cựu Thủ tước Đức cho hay “Thỏa thuận Minsk” (Minsk Agreement) đã dập tắt chiến tranh Donbas giúp Ukraine có thời gian phát triển đất nước trở nên mạnh mẽ như hiện tại, “thật tiếc là (thỏa thuận) đã không còn hiệu quả, nhưng tôi sẽ không tự trách mình là chưa đủ nỗ lực”.
Trong khi mạnh mẽ lên án cuộc chiến tranh xâm lược “tàn bạo, phi pháp và phi lý” của Nga, và thẳng thắn lên án ông Putin là một sai lầm lớn, thì đồng thời bà Merkel cũng cho rằng phương Tây đã thất bại trong việc tạo ra một cấu trúc an ninh để ngăn chặn chiến tranh, đây cũng là một vấn đề cần được thảo luận. Bà tin rằng nước Nga bên sườn châu Âu cũng như Trung Quốc đều là những nước quá lớn để có thể phớt lờ, “buộc phải chú trọng tìm hướng sống chung trong khác biệt”.
Cựu Thủ tướng Đức thừa nhận rằng Thỏa thuận Minsk năm 2015 không thỏa mãn tất cả các lợi ích của Ukraine, “nhưng vào thời điểm đó giúp bình ổn tình hình, chẳng hạn đã cho Ukraine rất nhiều thời gian (7 năm) để phát triển thành như ngày nay”.
“Tôi đã cố gắng để thảm họa không xảy ra, nếu biện pháp ngoại giao không thành công thì cũng không có nghĩa là sai trái. Tôi không cho rằng bây giờ tôi phải thừa nhận đó là sai lầm, cho nên tôi sẽ không xin lỗi”, cựu Thủ tướng Đức nói .
Đề cập đến các giao dịch của bà với Tổng thống Nga Putin trong nhiệm kỳ của mình, bà Merkel nói: “Việc không được như ý là bi kịch lớn, nhưng tôi không trách bản thân vì đã cố gắng”.
Hãng tin AFP cho biết trong 4 nhiệm kỳ, bà Merkel đã thường xuyên gặp gỡ Tổng thống Nga Putin và ủng hộ cách tiếp cận thực dụng theo định hướng thương mại đối với Moscow, điều này khiến Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga.
Nhưng bà Merkel nói rằng hoạt động ngoại giao trước đây của bà với ông Putin không phải không đề phòng. Bà nói: “Tôi không tin có thể thay đổi được ông Putin thông qua thương mại”, nhưng nếu không thể hợp tác trên mặt trận chính trị thì ít nhất nên thiết lập một số quan hệ kinh tế với Nga là sáng suốt.
Bà Merkel nhắc đến việc năm 2014 Nga chiếm Crimea, cho rằng các lệnh trừng phạt với Nga sau đó đáng ra có thể mạnh hơn, nhưng thời điểm đó không có nhiều người muốn gây thêm căng thẳng, vì họ đã loại Nga khỏi G8, các nước NATO cũng đặt mục tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine Angela Merkel Nga xâm lược Ukraine