Bắc Hàn cảnh báo sẽ tấn công hạt nhân nếu bị hạm đội Mỹ khiêu khích
- Tân Bình
- •
Hôm 11/3, phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump điều động hạm đội hải quân tới Tây Thái Bình Dương, các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã cảnh báo sẽ có tấn công hạt nhân nếu Bắc Hàn nhận thấy dấu hiệu xâm lược từ Hoa Kỳ.
Trước đó, Trump vốn luôn thúc giục Trung Quốc phải gây sức ép lên Bắc Hàn, đã đăng trên twitter rằng Bình Nhưỡng đang “tìm kiếm rắc rối” và Washington sẽ “giải quyết vấn đề” bất kể có sự hỗ trợ của Bắc Kinh hay không.
Căng thẳng đã leo thang trên bán đảo Triều Tiên do những lo ngại cả về việc Bắc Hàn sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, cũng như việc Mỹ chuyển hướng hạm đội hải quân Carl Vinson áp sát Triều Tiên cuối tuần qua.
Trao đổi với tờ Fox Business Network, ông Trump nói: “Chúng tôi đang điều động tới đó một hạm đội. Rất mạnh. Chúng tôi có tàu ngầm. Rất mạnh. Sức mạnh vượt trội hơn cả tàu sân bay. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với bạn.”Trong khi đó, trong các tuyên bố gần đây, Bắc Hàn khẳng định đã chuẩn bị để phản ứng trước bất kỳ sự xâm lược nào của Mỹ.
Nhật báo Rodong Sinmun của chính quyền Bắc Hàn cho biết: “Quân đội cách mạng hùng mạnh của chúng tôi đang quan sát từng bước di chuyển của kẻ thù bằng tầm nhìn hạt nhân của chúng tôi tập trung vào căn cứ xâm lược của Hoa Kỳ không chỉ ở Hàn Quốc và các lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương mà còn trên chính lãnh thổ Hoa Kỳ.”
Bất chấp những lời lẽ hiếu chiến nêu trên, các quan chức Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn sẽ được áp dụng để ép Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân. Đồng thời, Washington cũng cho biết tất cả các lựa chọn – kể cả biện pháp quân sự – đều đã nằm trên bàn và rằng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria tuần trước chính là lời cảnh báo cho Bình Nhưỡng.
Sự chuyển dịch cần thiết
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Jim Mattis nói rằng việc đưa hạm đội hải quân tiếp sát Triều Tiên không gắn liền với một sự kiện cụ thể, nhưng nó là cần thiết và đã được tính toán cẩn trọng.
Ông nói tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, “Hạm đội hải quân đang trên đường tới đó vì đó là nơi mà chúng tôi cho rằng sự xuất hiện của nó là cần thiết trong thời điểm này”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sean Spice nói, ông Trump có chú ý tới một số động thái từ Bắc Hàn nhưng đã loại bỏ việc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân
“Tôi nghĩ không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Hàn có khả năng đó vào thời điểm này. Đe dọa cái điều mà bạn không có khả năng thì không phải là lời đe dọa thực sự.” Ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống tạm quyền Hàn Quốc, Hwang Kyo-ahn, đã cảnh báo về “sự khiêu khích lớn hơn” của Bắc Triều Tiên có thể xảy ra, bao gồm cả việc thử hạt nhân vì tại Bắc Hàn đang diễn ra cuộc họp của Quốc hội Nhân dân Tối cao và sắp tới kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành.
Ông Hwang đã ra lệnh cho quân đội tăng cường giám sát và đảm bảo liên lạc chặt chẽ với Washington.
Trump dùng thương mại để ép Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng một hiệp định thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là “cực tốt cho họ nếu họ giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên”.
Trong cuộc gặp Tập Cận Bình tại Florida tuần trước, Trump đã ép lãnh đạo Trung Quốc phải gây áp lực hơn nữa lên Bắc Hàn. Trump nói trên twitter: “Nếu Trung Quốc quyết định giúp, điều đó là rất tốt. Nếu không chúng tôi sẽ đơn phương giải quyết vấn đề này.”
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Lưu Kết Nhất đã gọi tình hình tại Triều Tiên là “căng thẳng” và nhắc lại lời kêu gọi của Trung Quốc cho việc quay lại đàm phán với Bắc Hàn.
Ông nói với Reuters rằng: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải tiến tới phi hạt nhân hoá, để duy trì hòa bình và ổn định, và đã đến lúc các bên [có quan điểm khác nhau] cùng ngồi lại để bàn về việc hoàn thành những mục tiêu này.”
Trả lời câu hỏi về việc Trump liên hệ một hiệp định thương mại với sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Hàn, ông Lưu nói: “Chúng ta cần phải nhìn vào tình hình trên bán đảo Triều Tiên như một điều mà chúng ta nên làm việc cùng nhau.”
Một quan chức Hàn Quốc cho biết rằng Trung Quốc và Hàn Quốc, hôm thứ Hai (10/4), đã đồng ý áp đặt các biện pháp chế tài cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên nếu họ tiến hành các cuộc thử tên lửa hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa.
Báo chí Hàn Quốc, trích dẫn nguồn tin trực tiếp từ cơ quan thương mại, nói rằng hôm thứ Ba (11/4), một đội tàu chở hàng của Bắc Hàn đã phải quay trở về dù vẫn còn hàng sau khi Trung Quốc yêu cầu các công ty thương mại nước này không được nhập than từ Bắc Triều Tiên.
Từ ngày 26/2, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn, nước xuất khẩu than quan trọng nhất vào Trung Quốc, nhưng Washington vẫn đặt dấu hỏi về việc lệnh cấm này được thực thi đến đâu.
Bắc Hàn chuẩn bị cho đàm phán ngoại giao
Trong cuộc họp của Quốc hội Nhân dân Tối cao (SPA) lần thứ 13, có sự tham gia của Kim Jong-un, hôm thứ Ba (11/4), Bắc Triều Tiên đã chính thức cho tái lập Ủy ban Ngoại giao Quốc hội. Một động thái nhằm mục đích tăng cường ngoại giao trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của quốc tế gay gắt hơn.
Cơ quan này từng được thành lập năm 1989, sau đó bãi bỏ vào năm 1998.
Thông tấn xã Bắc Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Ri Su-yong, cựu quan chức ngoại giao và đang là Phó chủ tịch của một ủy ban trong Đảng lao động Triều Tiên (WPK) được bầu đứng đầu Ủy ban Ngoại giao Quốc hội.
Những thành viên khác trong Ủy ban gồm Ri Son-gwon, lãnh đạo cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều của Bắc Hàn và Kye-gwan, thứ trưởng Bộ ngoại giao.
Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu cao cấp tại viện Sejong nhận định: “Bắc Triều Tiên dường như đang cố gắng sử dụng Ủy ban Ngoại Giao Quốc hội như là một cơ quan chính để giải quyết mối quan hệ với Hàn Quốc và thế giới nhằm có thể thoát khỏi sự cô lập quốc tế sâu sắc”.
Chuyên gia này cũng cho biết rằng sau cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5 tới, Bắc Hàn dự kiến sẽ tiến hành một cuộc ngoại giao thân thiện hơn để cải thiện quan hệ với thế giới bên ngoài.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cho biết sẽ tăng mạnh chi tiêu cho y tế công cộng, giáo dục và khoa học trong năm nay, một động thái nhằm tô vẽ nổi bật hình ảnh của Kim Jong-un – một nhà lãnh đạo chăm sóc phúc lợi cho người dân.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Bắc Triều Tiên Kim Jong Un