Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (USCC) đã đệ trình báo cáo thường niên năm 2024 lên Quốc hội vào thứ Ba (19/11), đưa ra một loạt các đề xuất chính sách có thể thay đổi hoàn toàn bối cảnh cạnh tranh kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm đề xuất đầu tiên về việc hủy bỏ ‘Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn’ (PNTR), khởi động các dự án nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)…

Chip Trung Quoc
(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Hủy bỏ tình trạng PNTR: Xem xét lại nền tảng thương mại Mỹ-Trung

USCC lần đầu tiên đề nghị Quốc hội hủy bỏ tư cách PNTR mà Trung Quốc được hưởng kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Chính sách này từ lâu đã được coi là nền tảng của quan hệ thương mại Mỹ-Trung, nhưng ủy ban cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa mở cửa thị trường và cạnh tranh công bằng, phá hoại hệ thống thương mại quốc tế thông qua các hành vi như hạn chế tiếp cận thị trường, trộm cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp nhà nước, cưỡng chế kinh tế.

“Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã áp dụng chính sách ‘đánh chuột chũi’, thông qua các tổ chức quốc tế và khuôn khổ quy tắc, cố gắng đối phó với hành vi ngày càng tăng và ngày càng táo bạo của Trung Quốc trong việc lách luật hoặc khai thác các lỗ hổng thương mại,” Washington Post dẫn lời Chủ tịch Robin Cleveland của Ủy ban.

“Không nên để Trung Quốc có bất kỳ cơ hội nào do vấn đề thay đổi chính quyền của chúng ta, cũng không nên làm dấy lên bất kỳ nghi ngờ nào về sự đồng thuận rằng Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế lớn nhất của thời đại chúng ta.”

Nếu Quốc hội Mỹ thông qua đề xuất này, hàng hóa Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể, vị thế thương mại của họ cũng sẽ giảm xuống mức tương tự như các nước như Triều Tiên, Cuba và Nga, Quốc hội Mỹ cũng sẽ mở lại đánh giá hàng năm về hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Mới tuần trước, Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hạ viện (gọi tắt là “Ủy ban Đặc biệt về Vấn đề ĐCSTQ”) đã đề xuất đàm phán lại tình trạng thương mại của Trung Quốc. Chủ tịch ủy ban này là dân biểu Cộng hòa John Moolenaar của bang Michigan đã đề xuất một dự luật vào ngày 14/11 để bãi bỏ tình trạng PNTR của Trung Quốc. Theo dự luật, một khi tình trạng thương mại này bị bãi bỏ, hàng hóa Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế cơ bản 35% và mức thuế này có thể tăng lên 100%.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ tăng thuế lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

“Dự án Manhattan” về AI

Báo cáo khuyến nghị Quốc hội Mỹ khởi động một sáng kiến giống như “Dự án Manhattan” để tài trợ cho việc phát triển sớm AI tổng quát (AGI), đưa Mỹ trở thành siêu cường trong lĩnh vực AI để đối phó với cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

AGI đề cập đến các hệ thống AI thông minh như hoặc hơn con người. Báo cáo cho biết “Trong mọi nhiệm vụ, AGI sẽ hoạt động tốt hơn trí thông minh nhạy bén nhất của con người”.

Theo giải thích của Amazon Cloud Technology (AWS), AGI là một lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết về AI, nghiên cứu cách phát triển phần mềm có trí thông minh giống người và có khả năng tự học. Mục tiêu của nó là cho phép phần mềm thực hiện các nhiệm vụ khác ngoài mục đích đào tạo hoặc phát triển.

“Các công nghệ AI hiện tại đều hoạt động dựa trên một tập hợp các thông số được xác định trước. Là một nghiên cứu lý thuyết, AGI nhằm mục đích phát triển các hệ thống AI với khả năng tự kiểm soát, tự hiểu hợp lý và khả năng học các kỹ năng mới. AGI với khả năng của con người vẫn chỉ là khái niệm lý thuyết và mục tiêu nghiên cứu.”

AI được coi là lĩnh vực công nghệ quan trọng của cạnh tranh toàn cầu trong thế kỷ 21. Mỹ hiện đang dẫn đầu về công nghệ AI nói chung, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách thông qua đầu tư khổng lồ do chính phủ lãnh đạo, nguồn dữ liệu khổng lồ và chính sách tích hợp công nghệ quốc phòng và dân sự, thậm chí vượt Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định.

“Trung Quốc đang đạt được tiến bộ nhanh chóng về khả năng AI và thực hiện các khoản đầu tư đáng chú ý. Trung Quốc phát triển AI không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ rộng rãi hơn, mà còn bao gồm các ứng dụng quân sự như hệ thống không người lái có khả năng tự chủ, xử lý dữ liệu, hỗ trợ quyết định và các ứng dụng trong lĩnh vực chiến tranh nhận thức,” báo cáo cho biết.

Báo cáo nhấn mạnh vấn đề thúc đẩy phát triển AGI đòi hỏi hợp tác giữa khu vực công và tư nhân, nhưng báo cáo chưa đưa ra bất kỳ chiến lược đầu tư cụ thể nào.

“Dự án Manhattan” trong Thế chiến II là dự án hợp tác quy mô lớn giữa Chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân, cuối cùng dẫn đến sự phát triển thành công của bom nguyên tử.

“Lịch sử cho chúng ta biết rằng các nước có thể dẫn đầu trong việc tận dụng thời kỳ thay đổi công nghệ nhanh chóng thường có thể có tác động đáng kể đến cán cân quyền lực toàn cầu. Trung Quốc đang chạy đua với AGI và chúng ta phải rất nghiêm túc xem xét mối đe dọa này,” thành viên Jacob Helberg của ủy ban USCC và là cố vấn cấp cao của CEO Palantir nói với Reuters.

Ông Helberg nói với tờ Washington Post rằng AGI sẽ mang “thay đổi hoàn toàn một cách có hệ thống” về khả năng quân sự.

Ủy ban kêu gọi Quốc hội chỉ đạo Lầu Năm Góc cấp trạng thái “xếp hạng DX” cho các dự án phát triển AI, cho phép nó được ưu tiên cao nhất về tài trợ và phân bổ nguồn lực.

Xếp hạng DX (Defense Priorities and Allocations System DX Rating) là một loại phân loại ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ, để đảm bảo rằng các chương trình quốc phòng quan trọng có ưu tiên cao nhất trong phân bổ nguồn lực và chuỗi cung ứng, thường được áp dụng cho các chương trình quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Các khuyến nghị chính sách quan trọng khác

Tại buổi ra mắt báo cáo thường niên trước Quốc hội hôm thứ Ba, thành viên Randy Shriver của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung cho biết, kể từ khi trở thành Chủ tịch và Tổng Bí thư, ông Tập Cận Bình đã tăng cường kiểm soát trong nước và thúc đẩy tăng trưởng định hướng xuất khẩu ở nước ngoài, điều này đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu về Trung Quốc.

Ngoài ra Trung Quốc cũng đã đầu tư nguồn lực vào việc phát triển các công nghệ tiên tiến để trong tương lai giữ vị thế thống trị các công nghệ, làm nước ngoài tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và đồng minh. Trong khi tìm cách cải thiện khả năng quân sự, Trung Quốc đã mở rộng đầu tư và đẩy nhanh tiến bộ trong một số lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn, AI, công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học.

Theo ông Schriver, dựa trên những phát triển này, họ đã đưa ra các khuyến nghị trong nhiều lĩnh vực chính sách quan trọng, bao gồm cách tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông, đánh giá đầu tư nước ngoài và phối hợp chiến lược với các đối tác.

“Chúng tôi hy vọng những nỗ lực lưỡng đảng của chúng tôi sẽ cung cấp những bài học cho các cuộc thảo luận trong tương lai của chúng tôi, cũng cung cấp cho Quốc hội một số hướng dẫn và khuyến nghị về cách giải quyết thách thức đang diễn ra từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ĐCSTQ,” ông nói.

Ngoài hai đề xuất được quan tâm rộng rãi nêu trên, báo cáo còn đưa ra các khuyến nghị quan trọng sau:

Hủy bỏ chính sách “miễn trừ nhỏ”

Ủy ban kêu gọi Quốc hội hủy bỏ miễn thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có giá trị bán lẻ dưới 800 USD. Báo cáo chỉ ra chính sách này (được gọi là “miễn trừ nhỏ” – de minimis) mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các sản phẩm thương mại điện tử của Trung Quốc. Ngoài việc miễn thuế, chính sách miễn trừ nhỏ cũng miễn cho những hàng hóa này khỏi sự kiểm tra nghiêm ngặt của Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ. Tờ Washington Post đưa tin một số nhà phê bình cho rằng chính sách này cũng có thể giúp các mặt hàng bất hợp pháp, bao gồm cả fentanyl, dễ dàng vượt qua kiểm tra của hải quan hơn.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã hành động vào tháng Chín năm nay để giảm phạm vi hàng hóa đủ điều kiện miễn trừ đó. Trong thập niên qua, số hàng hóa nhập cảnh vào Mỹ hàng năm thông qua “miễn trừ nhỏ” đã tăng từ 140 triệu lên hơn 1 tỷ, hầu hết đến từ Trung Quốc. Đầu tháng này, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tiết lộ rằng Tổng thống Biden có kế hoạch vào cuối năm nay cải cách chính sách “miễn trừ nhỏ”.

Xem xét nghiêm ngặt trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Báo cáo khuyến nghị xem xét nghiêm ngặt các khoản đầu tư và hợp tác của Trung Quốc vào công nghệ sinh học ở Mỹ, để bảo vệ các công nghệ nhạy cảm. Báo cáo cho rằng việc phê duyệt và giám sát như vậy nên được thực hiện bởi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) có tham khảo ý kiến các cơ quan chính phủ liên quan khác.

Báo cáo khuyến nghị Quốc hội hỗ trợ các khoản đầu tư đáng kể của chính phủ liên bang vào công nghệ sinh học ở Mỹ, làm việc với các thực thể của Mỹ, bao gồm mọi thứ từ từng giai đoạn của chu kỳ phát triển công nghệ đến chuỗi cung ứng, bao gồm từ nghiên cứu cơ bản đến phát triển sản phẩm và triển khai thị trường. Báo cáo lưu ý rằng các khoản đầu tư này nên bao gồm đầu tư vào năng lực dịch vụ trung gian và năng lực sản xuất thiết bị.

“Mục tiêu của Trung Quốc là sử dụng công nghệ sinh học để giảm sự phụ thuộc vào nông nghiệp Mỹ, đồng thời đưa các công ty Trung Quốc vào chuỗi cung ứng và sản xuất thực phẩm của Mỹ. Các hoạt động nghiên cứu chính của các công ty dịch vụ công nghệ sinh học và bộ gen Trung Quốc và sự hiện diện của họ tại thị trường Mỹ tạo cơ hội cho các công ty này tiếp cận các công nghệ và dữ liệu quan trọng,” báo cáo cho biết.

Báo cáo dài 793 trang của USCC có 32 khuyến nghị bao quát hầu hết các khía cạnh của quan hệ Mỹ-Trung. Ngoài cạnh tranh kinh tế, thương mại và công nghệ, báo cáo còn đề cập đến các vấn đề địa an ninh, ngoại giao và nhân quyền giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo có một chương đặc biệt thảo luận về Đài Loan, Hồng Kông và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông. Báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và các mối đe dọa quân sự và khả năng chống can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quốc hội Mỹ đã thành lập USCC vào tháng 10/2000, mục tiêu để báo cáo độc lập trước Quốc hội Mỹ về tác động an ninh quốc gia Mỹ trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Báo cáo lưu ý rằng nội dung và khuyến nghị của báo cáo bắt nguồn từ 6 phiên điều trần được tổ chức trong năm qua, với sự tham gia của 59 chuyên gia từ các tổ chức chính phủ, thương mại và nghiên cứu. USCC có 12 ủy viên, tất cả đều do Quốc hội bổ nhiệm.