Báo cáo nghiên cứu: ĐCSTQ tận dụng công nghệ AI để gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ 2024
- Trình Văn
- •
Một báo cáo nghiên cứu mới của một tổ chức tư vấn cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) làm những hình ảnh và video phát tán trên internet bôi bác nước Mỹ, trong đó phần lớn nội dung để tạo ra cảm giác thất vọng với tình trạng hiện tại của nước Mỹ, mô tả cuộc bầu cử ở Mỹ là nguồn gốc của sự chia rẽ và xung đột, khuếch đại và làm trầm trọng thêm vấn đề chia rẽ ở Mỹ.
Báo cáo đến từ Viện Đối thoại Chiến lược (Institute of Strategic Dialogue, ISD) – một tổ chức vận động chính trị có trụ sở tại London nước Anh. Theo đó vào ngày 15/2 nhà phân tích chiến lược tại ISD là Elise Thomas đã công bố báo cáo với tiêu đề: “Mạng lưới ‘tin rác ngụy trang’ (Spamouflage) ủng hộ ĐCSTQ xoay quanh việc tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (Pro-CCP ‘Spamouflage’ network pivoting to focus on US Presidential Election)”.
Báo cáo trích dẫn một loạt ví dụ cho thấy chiến dịch gây ảnh hưởng của ĐCSTQ được phương Tây gọi là “Spamouflage” (còn xem là “đại tuyên truyền”), hiện đang chuyển trọng tâm sang cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, sử dụng các hình ảnh và video do công nghệ AI tạo ra mô tả thực trạng cạnh tranh giữa các ứng viên tranh cử trong nền chính trị Mỹ là “đấu đá nội bộ”, “nội chiến”, “chia rẽ”, và thậm chí là “sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ”..., nhằm khiến cử tri Mỹ bất mãn với tình hình nước Mỹ cũng như khiến công luận các nước có cảm giác về tình trạng hỗn loạn trong lòng nước Mỹ.
Gây cảm giác về một nước Mỹ trên đường suy thoái
Báo cáo của ISD đề cập rằng mạng lưới tuyên truyền Spamouflage đã hoạt động ít nhất từ năm 2017, trong đó phần lớn nội dung nhằm mục đích tạo cảm giác thất vọng với tình hình hiện tại ở Mỹ, không có khuynh hướng rõ ràng theo đảng phái nào. Nó tập trung vào tình trạng suy thoái đô thị, vấn đề lạm dụng fentanyl, nước uống bẩn, tàn bạo của cảnh sát, bạo lực súng đạn và cơ sở hạ tầng mong manh.
Báo cáo cho biết những nội dung đó không đặc biệt thể hiện rõ nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng hiển nhiên là ý đồ trong vấn đề khiến cử tri Mỹ bất mãn với tình hình nước Mỹ liên quan hoạt động bầu cử, cũng như khiến công luận các nước có cảm giác về tình trạng hỗn loạn trong lòng nước Mỹ.
Vào tháng 4/2023, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 40 thành viên của “Nhóm công tác Dự án đặc biệt 912” của Bộ Công an ĐCSTQ. Dựa trên các chi tiết trong bản cáo trạng, có vẻ như rất có thể họ đã tham gia vào chiến dịch gây ảnh hưởng Spamouflage do Bắc Kinh điều phối và tiến hành từ các văn phòng trên khắp Trung Quốc.
Báo cáo của ISD lưu ý rằng chiến dịch gây ảnh hưởng Spamouflage là “khét tiếng” đối với các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, vì quy mô của chiến dịch rất lớn cho dù không “dẫn đến bất kỳ sự tham gia đáng chú ý nào từ những người dùng mạng xã hội thực sự”.
Đang chuyển sang cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024
Mặc dù năm 2024 sẽ có các cuộc bầu cử được tổ chức ở gần 70 nước trên thế giới, nhưng không có cuộc bầu cử nào có thể có tác động toàn cầu lớn hơn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. ISD cũng nhận thấy nội dung Spamouflage trong tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ đang hướng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ này.
Nội dung Spamouflage bao gồm việc sử dụng các tài khoản mạng xã hội để chia sẻ cái gọi là “hình ảnh gốc” – nhưng thực tế thường là hình ảnh được tạo ra bởi công nghệ AI, và trong một số trường hợp được xử lý bằng các công cụ chỉnh sửa hình ảnh truyền thống như Photoshop – để truyền bá câu chuyện bầu cử tại Mỹ.
Những hình ảnh này dường như được thực hiện một cách thô sơ, phóng đại hình ảnh nhân vật và chú thích văn bản giật gân, được trình bày theo phong cách áp phích phim tội phạm hoặc phim có chủ đề băng đảng, với mục đích gây ấn tượng đặc biệt tiêu cực về cuộc bầu cử Mỹ.
Ví dụ: một tài khoản nền tảng mạng xã hội X có bài “Chia rẽ đảng phái tại Mỹ” chia sẻ áp phích có hình ảnh đương kim Tổng thống Mỹ Biden và cựu Tổng thống Trump rút kiếm trên nền phông cảnh rực lửa, dòng chữ trên áp phích là “Đấu đá nội bộ ở Mỹ ngày càng gia tăng – nước Mỹ đi lùi lại 150 năm trước”.
Những dòng chữ trên các áp phích khác bao gồm “đấu tranh khốc liệt”, “sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ”, “sự phân chia của nước Mỹ: xung đột nội bộ”, “nội chiến”… khiến người xem cảm giác rằng cuộc bầu cử ở Mỹ “gây chia rẽ và tàn phá nước Mỹ”, là “Nguồn gốc của sự chia rẽ và xung đột trong xã hội Mỹ”. Báo cáo chỉ ra đây dường như là một trong những câu chuyện phổ biến nhất mà tuyên truyền Spamouflage nhằm vào các cuộc bầu cử dân chủ tại phương Tây.
Spamouflage đang hoạt động trên YouTube, Facebook, TikTok, Medium và hàng chục diễn đàn, trang web và nền tảng truyền thông xã hội khác; tuy nhiên nền tảng hoạt động tích cực nhất của nó có lẽ là X (trước đây là Twitter), điều này có thể là do so với các nền tảng khác thì nền tảng X chú ý nhiều hơn đến vấn đề chính trị.
Báo cáo của ISD cho thấy tính đến tháng 1/2024, nội dung của Spamouflage về bầu cử Mỹ dường như chỉ tập trung vào hai ứng cử viên tổng thống được hai đảng tại Mỹ kỳ vọng: Biden và Trump.
Spamouflage đã tấn công cả ông Biden và ông Trump ở nhiều mức độ khác nhau. Một số áp phích ám chỉ Tổng thống Biden là kẻ tham nhũng, nghiện ma túy và dối trá, cũng như các bê bối liên quan đến việc con trai Hunter của Tổng thống Biden hưởng lợi từ bảo vệ của ông.
Báo cáo cho thấy câu chuyện của Spamouflage về ông Trump có phần mơ hồ, nghĩa là những người khác nhau – những người ủng hộ hay phản đối Trump – có thể có những cách hiểu khác nhau.
Ví dụ: một số áp phích liên quan đến ông Trump bao gồm nội dung “Chiến binh Twitter”, “Vị thế phản anh hùng của Trump khiến ông ta không thể ngăn cản”, “Trump lại bị truy tố: ‘ngày đen tối’ của nước Mỹ”, “Vào tù giống như chơi Same — Diễn viên chính: Trump”…
Báo cáo của ISD cho biết số lượt xem các bài đăng Spamouflage trên mạng xã hội là rất thấp, hầu hết người xem có thể chỉ là những tài khoản người tham gia thuộc Spamouflage. Dù vậy, báo cáo cho rằng những diễn tả Spamouflage này cung cấp cho độc giả phương Tây “cửa sổ” hữu ích – cho phép chúng ta hiểu cách tiếp cận tuyên truyền của ĐCSTQ đối với cuộc bầu cử Mỹ: thúc đẩy khuếch đại tâm thái thất vọng về hiện trạng nước Mỹ và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.
Báo cáo của Microsoft: ĐCSTQ dùng AI để mạo danh cử tri Mỹ
ISD không phải tổ chức tư vấn đầu tiên có báo cáo chỉ ra vấn đề ĐCSTQ sử dụng công nghệ AI để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ.
Tháng 11 năm ngoái, một báo cáo nghiên cứu tương tự do Microsoft công bố cũng chỉ ra rằng họ đã phát hiện một mạng lưới tài khoản mạng xã hội giả mạo mạo danh người Mỹ do Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành, họ lan truyền những hình ảnh do AI tạo ra và các nội dung tuyên truyền khác gây ảnh hưởng cử tri Mỹ.
Nghiên cứu của Microsoft đã phát hiện, trong nhiều tài khoản mạng xã hội của “người có ảnh hưởng” (influencer) có liên kết với ĐCSTQ mà đa số là tài khoản Facebook và X, đang mạo danh cử tri Mỹ một cách rất tinh vi.
Báo cáo của Microsoft gọi hoạt động mạng giả mạo này là “các hoạt động gây ảnh hưởng bí mật phụ thuộc ĐCSTQ” (Chinese Communist Party (CCP) affiliated covert influence operations). Báo cáo lưu ý, so với các chiến dịch gây ảnh hưởng trước đây thì hoạt động này tập trung mạnh mẽ hơn vào người dùng Mỹ.
Cụ thể, những tài khoản giả mạo có bối cảnh ĐCSTQ này kể từ năm 2022 đã theo dõi các ứng cử viên cụ thể của Mỹ, mạo danh cử tri Mỹ có những động thái liên quan cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2023 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Nghiên cứu cho biết: “Các chiến dịch này đã triển khai hàng nghìn tài khoản giả trên hàng chục trang web để truyền bá bằng nhiều ngôn ngữ các meme, video và tin nhắn”.
Vào tháng 3/2023, các tài khoản do ĐCSTQ kiểm soát bắt đầu hoạt động truyền bá trên mạng xã hội các hình ảnh do AI tạo ra kết hợp với các bài đăng mang tính chính trị.
Báo cáo của Microsoft cung cấp một số ảnh chụp màn hình của các tài khoản mạng xã hội giả mạo trên nền tảng Facebook và X, bao gồm hình ảnh Tượng Nữ thần Tự do có 7 ngón tay do AI tạo ra, thậm chí hình ảnh do AI làm này còn đổi tên Tượng Nữ thần Tự do là “Nữ thần Bạo lực”.
Các nhà nghiên cứu của Microsoft cho biết họ có thể xác định những tài khoản này là tài khoản của ĐCSTQ, vì một số đặc điểm nổi tiếng của mạng xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như luôn đăng bài bằng tiếng Trung Quốc và sau đó chuyển sang ngôn ngữ khác.
Microsoft cho biết những tài khoản như vậy “thường do người thật vận hành, sử dụng danh tính giả hoặc mạo danh để che giấu mối quan hệ của tài khoản với ĐCSTQ”. Thông qua việc làm, nhận lời mời du lịch hoặc các giao dịch tài chính khác có thể phát hiện những người “có ảnh hưởng thực sự” này có quan hệ trực tiếp với các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ.
Theo Báo cáo, những tài khoản giả mạo này sẽ liệt kê các địa điểm công cộng ở Mỹ, đăng các khẩu hiệu chính trị của Mỹ và chia sẻ các thẻ liên quan đến các vấn đề chính trị trong nước ở Mỹ. Ví dụ: hình ảnh về vấn đề “Mạng sống của người da đen cũng đáng giá” (Black Lives Matter, BLM) do AI tạo ra lần đầu tiên được tải lên bởi một tài khoản nền tảng X có bối cảnh ĐCSTQ, sau đó 7 tiếng được tải lên bởi một tài khoản giả danh cử tri bảo thủ của Mỹ.
Báo cáo chỉ ra nội dung của các bài đăng mới trên mạng xã hội có hình ảnh từ AI “bắt mắt và gây hiệu ứng tốt hơn các chiến dịch gây ảnh hưởng trước đây của ĐCSTQ”; cho biết chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị của ĐCSTQ có những đặc điểm tương tự như “Nhóm công tác dự án đặc biệt 912” – một nhóm ưu tú trong Bộ Công an ĐCSTQ (MPS).
Bộ Công an ĐCSTQ vì điều hành ít nhất 6 đồn cảnh sát bí mật ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả Thành phố New York, nhằm truyền bá tuyên truyền cho ĐCSTQ và đe dọa các công dân Mỹ gốc Hoa, do bị FBI Mỹ phát hiện nên vấn đề này hồi tháng 4/2023 từng thành đề tài hàng đầu trên truyền thông Mỹ.
Nghiên cứu của Microsoft cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ biết rằng “Nhóm 912” đã tạo ra hàng nghìn tài khoản giả trên mạng, nhóm này cũng thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ nhắm vào các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Ngoài ra, báo cáo của Microsoft cũng chỉ ra rằng chương trình “người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội đa ngôn ngữ dưới sự quản lý của ĐCSTQ đã thu hút thành công đối tượng mục tiêu ở ít nhất 40 ngôn ngữ, nâng số lượng người quan tâm lên hơn 103 triệu.
Thượng nghị sĩ Mỹ: Hãy cảnh giác với giả mạo sâu từ AI
Thực tế đã từ lâu Quốc hội Mỹ nhận thấy ĐCSTQ có thể sử dụng công nghệ AI để tiến hành các hoạt động giả mạo sâu (AI deepfakes) – giả mạo như thật – nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2024. Một thượng nghị sĩ quốc hội Mỹ đã đưa ra cảnh báo như vậy vào tháng 5/2023.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng 5/2023, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Nebraska là Pete Ricketts đã bày tỏ lo ngại: ĐCSTQ có thể sử dụng công nghệ AI để can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2024.
Trước đây đã có những nguồn tin cho hay các phương tiện truyền thông thân ĐCSTQ đã sử dụng những tin do AI tạo ra để truyền bá nội dung tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ. Thượng nghị sĩ Ricketts cho biết: “Hoàn toàn có khả năng họ (ĐCSTQ) sẽ làm điều này trong cuộc bầu cử (Mỹ) năm 2024, và đó là điều chúng ta phải cảnh giác”.
Trong phiên điều trần của Tiểu ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện hồi đầu tháng đó, ông Ricketts đã đề cập đến Trung Quốc và việc nước này sử dụng công nghệ AI để tạo ra các video và hình ảnh giả mạo về con người và sự kiện trông giống như thật. Ông dẫn cảnh báo tương tự từ một báo cáo của một công ty nghiên cứu Mỹ đưa ra vào đầu năm 2023, “Chiến dịch thư rác thân Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng công nghệ AI deepfake để tạo ra các chương trình đưa tin giả nhằm phát sóng nội dung tuyên truyền đối ngoại của Bắc Kinh, những video đó đã được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter (sau này là X) và YouTube”.
Ông Ricketts so sánh cách tiếp cận của ĐCSTQ với chiến dịch tuyên truyền rầm rộ của Liên Xô vào nửa sau thế kỷ 20. Ông lưu ý: “Tôi nghĩ ở đây có rất nhiều điểm tương đồng với những gì Liên Xô đã làm trong Chiến tranh Lạnh, họ (Liên Xô cũ) dùng kiểu tuyên truyền này đã chi gấp 10 lần [hoạt động thông tin thông thường] của chúng tôi, còn những gì Trung Quốc đang làm hiện nay cũng đang chi nhiều hơn chúng tôi như vậy. Hiện nay họ (ĐCSTQ) đang cố gắng sử dụng những lợi thế công nghệ của AI để làm lung lay ưu thế của đồng đô la Mỹ (ám chỉ lợi ích kinh tế của Mỹ)”.
Ông tiết lộ vào thời điểm đó rằng, bản thân ông đã liên hệ với các chuyên gia AI tại Đại học Nebraska ở Omaha và các nơi khác để “đưa ra một số chiến lược về những gì chúng tôi có thể làm”.
Ông nói thêm: “Một trong những điều quan trọng mà chúng tôi phải làm là hướng dẫn người dân của mình về cách nhìn nhận các phương tiện truyền thông hiện nay và có tư duy phê phán, vì rất có thể những thông tin đó hoàn toàn bịa đặt, hoàn toàn sai lầm. Thậm chí, mặc dù (trên phương tiện truyền thông) cho bạn nhìn thấy hình ảnh của ai đó mà bạn nghĩ rằng bạn biết, nhưng đó cũng có thể được tạo ra thông qua một chương trình máy tính”.
Ông kiến nghị Chính phủ Mỹ có thể hợp tác với các trường cao đẳng và đại học nghiên cứu công nghệ AI để phát triển “mô hình” chỉ cho mọi người về nhận diện AI giả mạo sâu (AI deepfake).
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Ricketts giữ thái độ thận trọng với việc chính phủ liên bang thành lập văn phòng AI để hướng dẫn người dân, lý do là làm bộ máy quan liêu cồng kềnh. Ông chỉ muốn kêu gọi các đồng nghiệp “chú ý đến chủ đề này” và tìm hiểu nhiều nhất có thể về công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng. Ông nói: “Tôi luôn rất cẩn thận trong việc tạo thêm bộ máy quan liêu của chính phủ, tôi không chắc đó là cách chúng tôi muốn vận hành. Có lẽ chúng tôi đã có thể giải quyết vấn đề đó ở một số nơi, nhưng tôi nghĩ một phần lý do chỉ là để các đồng nghiệp của tôi và bản thân tôi được chỉ dẫn về vấn đề này. Như tôi đã nói, thứ này (AI) đang phát triển rất nhanh và chúng ta phải chú ý đến hành động tương ứng”.
Từ khóa Bầu cử Mỹ Công nghệ AI ĐCSTQ can thiệp bầu cử Mỹ Spamouflage deepfakes