Bầu cử tại Campuchia: Sợ hãi và phi dân chủ
Hôm nay 29/7, người dân Campuchia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử mà gần như chắc chắn sẽ giúp ông Hun Sen tại vị. Bầu không khí sợ hãi xen lẫn thất vọng tràn ngập khi mà người dân bị đe dọa trừng phạt nếu không đi bỏ phiếu.
Ngoài Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen, còn có 19 đảng khác ra tranh cử, tuy nhiên không đảng nào có đủ khả năng gây ảnh hưởng tới chiến thắng của CPP.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 29/7
Từ tháng 11 năm ngoái, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) – đảng đối lập lớn nhất của CPP, đã phải giải thể theo lệnh của Tòa án Tối cao. Điều này nghĩa là đảng cầm quyền không phải chịu bất kỳ sự cạnh tranh của một đối thủ đáng gờm nào cả.
Cử tri Campuchia đi bầu nhưng đối với nhiều người, chiến thắng của đảng CPP do thủ tướng Hun Sen lãnh đạo là tất yếu.
Đó là suy nghĩ của Piseth, một người bán quần áo. Anh nói với tờ báo Pháp RFI: “Tôi cho rằng cuộc bầu cử này là bất công. Chỉ có một đảng duy nhất được tất cả mọi người biết đến là đảng CPP”.
Theo BBC, nhiều người dân đã bị ép đi bỏ phiếu trước những đe dọa rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu như dám tẩy chay cuộc bầu cử.
Một người giấu tên vì sợ bị trả thù nói với BBC rằng ông sẽ bỏ phiếu “chỉ là để có được dấu mực chứng nhận đã bỏ phiếu trên ngón tay.”
“Nhờ đó mọi người có thể biết được tôi đã đi bầu, hoặc không thì họ sẽ nghĩ rằng tôi tẩy chay bầu cử và chống lại chính quyền. Tôi sợ sẽ có vấn đề xảy ra và tôi sẽ bị bắt,” ông nói.
Trong khoảng hai tháng trở lại đây, các lãnh đạo của CNRP, hầu hết đã lưu vong, khởi động chiến dịch “Ngón tay sạch” để kêu gọi người dân không bỏ phiếu.
“CPP muốn có được tính chính danh qua cuộc bầu cử này và những người ủng hộ CNPR nói các cuộc bầu cử này không hợp pháp và cách duy nhất để chứng minh điều đó là tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp,” Hoàng tử Sisowath Thomico, người đã tham gia Đảng CNRP vào năm 2013 nói.
Điều đó đã khiến chính quyền và Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với các chiến dịch tẩy chay cuộc bầu cử, cũng như những người ủng hộ những hành động này.
Chính phủ Campuchia đã mua 51.000 chai mực không thể xóa trị giá 800.000 USD với tuyên bố là để tránh người dân bỏ phiếu 2 lần, tuy nhiên những người phê bình chính phủ nói là biện pháp này hiện lại được dùng để ép người dân đi bỏ phiếu nhằm đạt tỷ lệ đi bầu cao.
Giám đốc Châu Á của Human Rights Watch Phil Robertson nói: “Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hết sức để tìm mọi cách bắt người dân đi bầu. Họ có thể biết rõ ràng được ai là người đã bầu, còn ai không nhờ có dấu mực trên ngón tay”.
“Thật mỉa mai khi chúng ta thấy thủ tục bảo vệ lá phiếu bầu cử cố gắng ngăn chặn người bỏ phiếu hai lần lại bị lợi dụng để trừng phạt những người không muốn bỏ phiếu.”
HRW đã nhận được nhiều báo cáo cho rằng nhiều đại diện của chính phủ ở địa phương đã nói với người dân rằng nếu họ không đi bầu thì sẽ mất quyền hưởng dịch vụ công như làm giấy khai sinh hoặc gia hạn căn cước.
Người đi lao động thuê thì được chủ thông báo rằng nếu họ không đi bầu cử sẽ bị sa thải, theo BBC.
Năm 2013, cũng như 44,5% cử tri khác, Piseth đã bầu cho đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia CNRP. Sau khi đảng này bị giải thể, không có ai trong số 19 đảng phái còn lại ngoài đảng CPP cầm quyền thuyết phục được anh.
Còn Leang, sinh viên Y khoa và trước đây là người ủng hộ đảng CNRP đành phải xoay chiều. Anh nói với phóng viên RFI: “Theo tôi, các đảng khác quá nhỏ để có thể mở mang và lãnh đạo đất nước. Có lẽ tôi sẽ bầu cho đảng CPP”.
Một người lái xe mô tô, ủng hộ phe đối lập, thì có quyết định dứt khoát hơn: ”Tôi thích đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, và tôi sẽ không đi bỏ phiếu ».
Tuy vậy, một số cử tri lo sợ nếu không đi bầu sẽ bị trừng phạt. Tỉ lệ cử tri tham gia sẽ là một trong những yếu tố quan trọng mang lại tính chính đáng cho cuộc bầu cử, đối với chính quyền Campuchia.
Ông Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer Đỏ nhưng cuối cùng đào tị khỏi chế độ sát nhân của Pol Pot, đã nắm quyền suốt 33 năm qua và là thủ tướng tại nhiệm lâu năm nhất thế giới.
“Đi bỏ phiếu vào ngày 29 tháng 7 năm 2018 có nghĩa là bạn chơi trò chơi bẩn thỉu của một nhóm những kẻ phản bội do Hun Sen dẫn đầu đang giết chết nền dân chủ và bán hết đất nước của chúng ta,” Sam Rainsy, cựu lãnh đạo nổi tiếng của CNRP, viết trên trang Facebook của ông hồi đầu tháng này. “Tẩy chay cuộc bầu cử giả hiệu và nguy hiểm đó có nghĩa là chúng ta duy trì lý tưởng của chúng ta bằng cách trung thành với người dân của chúng ta và quyết tâm giải cứu quê hương của chúng ta.”
Nhà chức trách, tuyên bố việc vận động tẩy chay bầu cử là một hành động phi pháp, đã bắt giữ một vài người, nhưng phe đối lập trên thực tế đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá lời kêu gọi của mình.
Một số nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc đã nêu nghi vấn về độ khả tín của cuộc bầu cử này vì thiếu phe đối lập. Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích các hạn chế áp đặt trên các cơ quan truyền thông độc lập và xã hội dân sự.
Hôm thứ Tư tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ Campuchia được chờ đợi từ lâu, mở đường cho các biện pháp trừng phạt có thể được đặt ra cho mạng lưới thân tín của ông Hun Sen.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Pol Pot bầu cử Campuchia Campuchia Hun Sen