Bi kịch của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ
Nguyên nhân thất bại của cuộc đảo chính quân sự 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu từ rất lâu trong quá trình thực hiện. Hậu quả của sự kiện này có thể là khởi đầu cho sự thoái hóa của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, từ dân chủ trở thành một nhà nước độc tài.
Mở đầu: Thổ Nhĩ Kỳ khao khát dân chủ
Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước nơi lòng khao khát dân chủ của nhân dân đã dần phát triển trong hơn 15 năm qua. Một thời gian dài các cuộc bầu cử quốc hội và tự do hóa chính trị đã được thực thi tạo ra hy vọng rằng dân chủ đã trở thành điều thiêng liêng trong văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỗi công dân đều mong muốn sự quản lý dân chủ là hình thức hợp pháp duy nhất dành cho nhà nước và là điều cần thiết để bất kỳ nền dân chủ nào thành công. Khi người dân không đòi hỏi dân chủ, mà lại hài lòng với một lãnh đạo độc tài mạnh mẽ như ở Nga, thì có rất ít hy vọng cho nền dân chủ phát triển ở quốc gia đó.
Nằm trong dự án So sánh bầu cử giữa các quốc gia (CNEP) tại Đại học bang Ohio, các nhà nghiên cứu đã sát gần 1.200 công dân Thổ Nhĩ Kỳ về quan điểm của họ về nền dân chủ vào đầu năm 2015.
Nhiều người được hỏi bày tỏ lòng mong muốn mạnh mẽ có một chính phủ quản lý dân chủ. Ba phần tư số người được hỏi luôn bác bỏ một trong bốn loại cai trị độc tài (chế độ độc Đảng, độc tài, nhà nước quân sự hoặc nhà nước tôn giáo) mà chúng tôi đề cập đến. Khoảng 4/5 (78%) người được hỏi nói rằng dân chủ là hình thức thích hợp hơn bất kỳ hình thức nào khác của chính phủ.
Dưới đây là 5 nguyên nhân gây nên bi kịch của nền dân chủ hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ
1. Sự sa ngã của nền dân chủ
Tuy nhiên, nhu cầu của người dân đối với dân chủ chỉ là một phần trong đẳng thức. Các giá trị dân chủ cũng phải được giới chủ lưu và những tổ chức quan trọng nhất của đất nước chấp nhận. Các tổ chức “hỗ trợ dân chủ” phải đáp ứng được các nhu cầu của người dân. Nếu không bất ổn chính trị sẽ xảy ra.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến bộ vững chắc để trở thành một nền dân chủ đủ lông đủ cánh, nó đã trượt dốc rong vài năm gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại có thể được mô tả là một chế độ lai giữa dân chủ và độc tài.
Đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) và Tổng thống Erdogan từng là trung tâm của sự trượt dốc dân chủ này. Với việc kiểm soát được cả quốc hội và quyền lực chức danh tổng thống, họ đã định hình lại các tổ chức chính trị và xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì vĩnh viễn quyền lực của mình.
Trong những năm gần đây, ông Erdogan và đảng AKP đã làm Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hướng về chủ nghĩa độc đoán. Họ đàn áp tự do báo chí và tấn công những người bất đồng chính kiến trên mạng Internet. Ông Erdogan đã thao túng cuộc bầu cử quốc hội vừa qua bằng cách kích động xung đột với nhóm người ly khai Kurd. Là một Đảng tôn giáo bảo thủ, AKP đã tác động tích cực nhằm Hồi giáo hóa xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan đã bỏ qua Hiến pháp bằng việc gây dựng quyền lực ngoài Hiến pháp cho nhiệm kỳ Tổng thống hào nhoáng của mình. Những người trong quốc hội phản đối giấc mơ độc quyền của ông đã bị đảng của ông thanh lọc hay trở thành mục tiêu đề truy tố.
2. Chia rẽ là chết
Sự sa ngã dân chủ này của Tổng thống Erdogan và Đảng AKP đã làm gia tăng bất mãn chính trị và phân cực bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Những người biểu tình chống chính phủ tại công viên Gezi năm 2013 là dấu hiệu cảnh báo trước nhưng đã bị bỏ qua.
Khảo sát cho thấy rằng đa số người Thổ Nhĩ Kỳ mô tả Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nền dân chủ (22%) hay một nền dân chủ với những vấn đề lớn (34%). Gần một nửa số người Thổ Nhĩ Kỳ một là chọn hoàn toàn không hài lòng (19%), hai là chọn không hài lòng lắm (26%) về cách làm việc của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng những con số này đã bỏ qua sự phân cực chính trị sâu sắc trong nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt, có sự đồng thuận rất lớn rằng dân chủ là hình thức thích hợp nhất cho chính phủ. Tuy nhiên, có sự phân cực lớn trong những người ủng hộ Đảng AKP và ủng hộ ba đảng đối lập chính về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ nên có dân chủ đến mức độ nào.
Trong số các cử tri Đảng AKP, cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy 3/4 (72%) mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là một nền dân chủ đầy đủ hay một nền dân chủ có ít khiếm khuyết. Ngược lại, khoảng 1/4 (26%) cử tri của các đảng đối lập cảm thấy như vậy. Tương tự, 81% cử tri Đảng AKP đã phần nào hài lòng hay rất hài lòng với cách làm việc của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Thử so sánh thì chỉ có 32% cư tri đảng đối lập có cảm giác hài lòng tương tự.
Ngoài sự khác biệt trong quan điểm về dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, sự phân cực xúc cảm giữa người ủng hộ các bên khác nhau đã trở nên rất cao. Một cuộc khảo sát gần đây của Quỹ Marshall, Đức cho thấy 3/4 người Thổ Nhĩ Kỳ không muốn con cái họ chơi với con cái của những người ủng hộ một Đảng phái chính trị khác. Mức độ phân cực chính trị trong xã hội cao như vậy đã làm suy yếu khả năng của công chúng trong việc gây áp lực lên chính phủ để đòi hỏi thêm dân chủ.
3. Nhắm mắt làm ngơ
Bi kịch thứ 3 của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ có nguyên do từ bên ngoài. Hoa Kỳ và Liên Minh châu Âu đã nhắm mắt làm ngơ trước sự tuột dốc dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ của Tổng thống Erdogan được xem là cần thiết để chống IS. Ông cũng giúp đối phó với cuộc khủng hoảng di cư châu Âu. Kết quả là Tổng thống Erdogan đã tự bảo đảm một tấm kim bài bảo hộ trong khi ông liên tục làm xói mòn quyền tự do dân sự và chính trị trong nước.
4. Thất bại của quân đội
Trong lịch sử, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã từng xem mình là người người bảo vệ cho đặc tính thế tục và dân chủ của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội đã can thiệp khi họ thấy nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đe dọa. Tuy nhiên, tổng quan mà nói, hồ sơ theo dõi các cuộc đảo chính của quân đội để cứu nền dân chủ cho thấy nó có hiệu quả rất kém.
Trớ trêu thay, trước cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 15/7, quân đội là một trong những tổ chức đáng tin cậy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gần 40% người trả lời khảo sát cho biết họ rất tin tưởng vào quân đội. Con số này tăng lên đến 58% trong số những cử tri của AKP. Tương tự như vậy, một cuộc khảo sát năm 2015 của Tổ chức Pew Globel Attitudes cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là cơ quan duy nhất nhận được sự đánh giá tích cực từ 52% dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nỗ lực của một nhóm lớn quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ Erdogan với mục tiêu khôi phục lại nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại. Nghịch lý thay, một nhân tố góp phần vào thất bại này chính là mong muốn dân chủ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập các đường phố trong cuộc đảo chính không chỉ là những người ủng hộ Tổng thống Erdogan, mà còn những người ủng hộ phe đối lập.
Nhu cầu đối với nền dân chủ là rất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có sự phân cực quan điểm về việc liệu Tổng thống Erdogan và Đảng AKP có cung cấp cho họ nền dân chủ hay không, hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng chấp nhận một nền “dân chủ” vô cùng thiếu sót chứ không phải là một chế độ độc tài quân sự. Và bây giờ, trong bối cảnh của cuộc đảo chính, quân đội đã bị thất bại hoàn toàn.
5. Cuộc thanh trừng
Và như vậy, nguyên nhân cuối cùng trong tấm thảm kịch này là khi chối bỏ một chế độ độc tài quân sự, người dân Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đã đơn giản là chấp nhận một hình thức chuyên quyền này bằng một hình thức chuyên quyền khác: một thứ độc tài tuyển cử. Bầu cử trong chủ nghĩa độc đoán là ảo tưởng về một chế độ dân chủ đa đảng với quyền tự do dân sự và chính trị hạn chế. Đứa con ruột của chủ nghĩa độc tài tuyển cử là Liên bang Nga.
Đây cũng là tầm nhìn mà Tổng thống Erdogan dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Erdogan là viết lại Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một Tổng thống mạnh, tập trung quyền lực với một quốc hội và tư pháp bù nhìn. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông đã ganh tị với chế độ độc tài của Nga, một chế độ có thể chi phối mọi khía cạnh đời sống chính trị Nga.
Trong thời điểm mà nhiều người gọi là “Đám cháy ở Quốc hội Đức 1933″ của Tổng thống Erdogan, thất bại của cuộc đảo chính đã mang đến cho ông cơ hội để thanh trừ bất những phần tử đồng quan điểm chính trị. Cuộc thanh trừng này nhúng sâu vào quân sự, chính trị, pháp lý, truyền thông và giáo dục của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ giúp ông ta hoàn thành dự án định hình lại hệ thống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lời kết: Phản kháng không phải là vô ích
Tương lai cho nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể trông rất ảm đạm. Tham vọng của Erdogan nhằm kiểm soát chính trị dường như không thể ngăn cản. Nhưng vẫn có hy vọng. Dự án độc tài của ông sẽ không được hoàn thành cho đến khi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ bị viết lại để chính thức xác định lại vai trò của Tổng thống.
So với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế có lợi hơn để ngăn chặn việc trở thành một nhà nước độc tài tuyển cử, do yêu cầu của người dân đối với dân chủ là cao hơn. Tuy nhiên, cần nhiều hơn thế để biến yêu cầu dân chủ của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thành lực lượng đủ mạnh ngăn chặn tham vọng của ông Erdogan.
Thứ nhất, những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải thúc đẩy Hoa Kỳ và châu Âu gây ảnh hưởng khi Tổng thống Erdogan để kiềm chế tham vọng độc đoán của mình.
Thứ hai, phe đối lập chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ cả cánh tả và hữu cần phải hợp tác để làm giảm sự phân cực chính trị trên khắp đường lối hoạt động của mình. Giảm sự phân cực này làm tăng khả năng hoạt động tập thể nhân danh dân chủ. Các cuộc biểu tình đoàn kết để bảo vệ nền dân chủ cần phải trở nên phổ biến hơn.
Thứ ba, bằng cách nào đó, người Thổ Nhĩ Kỳ cần phải nhận thức được rằng những thay đổi Hiến pháp theo yêu cầu Erdogan sẽ làm xói mòn nền dân chủ, nếu không muốn nói là tước đoạt hoàn toàn. Các đảng phái đối lập chính trị và xã hội dân sự cần phối hợp tiến hành một chiến dịch truyền thông chiến lược khổng lồ cùng nhau. Nếu những nỗ lực kết hợp này thành công, cộng với biểu tình của người dân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chủ nghĩa độc quyền, tấm bi kịch dân chủ cuối cùng sẽ có hy vọng được ngăn chặn.
Tác giả: Erik C. Nisbet, Phó giáo sư Khoa học Chính trị tại đại học bang Ohio, Hoa Kỳ.
Từ khóa chủ nghĩa độc tài Thổ Nhĩ Kỳ nền dân chủ