“Bộ sậu” mới nhà Joe Biden hay “tập đoàn Obama” phiên bản 2.0?
- Vy An
- •
Danh sách Đội ngũ An ninh quốc gia của “Tổng thống đắc cử” Joe Biden gần như đã được lấp đầy. Tuy nhiên, một điều dễ thấy là “chính quyền sắp tới” của ông này không khác gì thời Obama phiên bản 2.0.
Tất cả các lựa chọn hàng đầu trong Đội ngũ An ninh quốc gia của ông Joe Biden đều là những gương mặt quen thuộc từ thời chính quyền Đảng Dân chủ nhiệm kỳ cuối. Cựu Ngoại trưởng John Kerry hiện đã trở lại với tư cách là Trưởng ban Chính sách Khí hậu quốc tế của ông Biden, trong khi đó cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tony Blinken lại được đề cử cho chức vụ Ngoại trưởng.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Phó Tổng thống Jake Sullivan sẽ trở lại làm Cố vấn an ninh quốc gia cho ông Biden. Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Avril Haines sẽ được đề cử cho chức vụ Giám đốc tình báo quốc gia.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Châu Phi, bà Linda Thomas-Greenfield quay về làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc. Cựu Tư lệnh Quân đội Trung ương, ông Lloyd Austin đã được đề cử trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của ông Biden.
Ngay cả bà Susan Rice, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia cũng trở lại, mặc dù lần này sẽ đảm nhận vai trò quản lý các chính sách trong nước. Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng và cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Denis McDonough là lựa chọn của ông Joe Biden cho vị trí điều hành Bộ Cựu chiến binh.
Cơ cấu của “chính quyền Obama phiên bản 2.0” lần này có lẽ sẽ còn hoàn thiện nữa. Tờ Axios mới đây đã báo cáo rằng cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, bà Samantha Power cũng có thể sẽ trở lại.
Giới chính trị gia trên khắp Hoa Kỳ cũng đang bày tỏ sự quan tâm của họ rằng, các chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ như thế nào nếu dựa trên sự kế thừa từ chính quyền Obama.
Ông Hal Lambert, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Qũy đầu tư Point Bridge Capital, đồng thời là nhà tài trợ lâu năm của Đảng Cộng hòa, cho biết: “Tôi nghĩ ngay bây giờ, những gì chúng ta đang nhìn thấy là một chính quyền Biden sắp đi vào lối mòn của thời Obama, như một phiên bản 2.0”. “Tôi cũng đã nghe từ những người khác, thẳng thắn mà nói, họ quay trở lại để đóng góp cho sự tàn lụi của Hoa Kỳ.”
Bà Rachel Stohl, Phó chủ tịch Viện Chính sách Stimson Center – một tổ chức phi đảng phái, đã đăng tweet: “Mặc dù tôi hoan nghênh sự trở lại các nhà lãnh đạo có năng lực, giàu lòng nhân ái nhưng chúng tôi không thể chấp nhận Obama 2.0 – đặc biệt là sự trở lại của chế độ không kích máy bay không người lái.”
Chính quyền Obama trước đây đã đẩy nước Mỹ vào một thỏa thuận hạt nhân với Iran mà theo nhiều Đảng viên Cộng hòa chỉ trích là yếu kém và xa rời các đồng minh Trung Đông. Chính quyền Obama lúc đó cũng tham gia vào hai cuộc chiến tranh mới tại Libya và Yemen. Lực lượng này đã rút lui nhưng sau đó buộc phải tái điều động quân đội Mỹ đến Iraq nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo, ngăn chặn sự sụp đổ của thủ đô Baghdad. Chính quyền Obama cũng tiếp tục cuộc chiến ở Afghanistan, mặc dù đã cam kết chấm dứt nó. Cựu Tổng thống Obama đã đưa ra những chính sách viện trợ “gây chết người” cho các lực lượng Ukraine sau khi nước này bị Nga xâm lấn. Ông còn nổi tiếng với thất bại trong việc củng cố “lằn ranh đỏ” – một kế hoạch nhằm sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến Syria.
Ngoài ra, chính quyền Obama cũng từng ca ngợi chính sách “Asia pivot”, một kế hoạch nhằm chuyển các trọng tâm quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ về khu vực Châu Á, trong đó sẽ tập trung nhiều thời gian và nguồn lực hơn vào Đông Á; kế hoạch này không những đã dậm chân tại chỗ mà còn không ngăn chặn được sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa với ông Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các vùng lãnh hải có tranh chấp, chỉ là xây dựng chúng thành các hòn đảo và đặt vũ khí lên đó.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio tại Florida, người ủng hộ những lập trường cứng rắn với Trung Quốc, đã chỉ trích các nhân vật được đề cử của ông Biden và nói rằng mình “không có hứng thú với việc quay trở lại ‘trạng thái bình thường’, điều khiến chúng ta chỉ càng phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton tại bang Arkansas cũng đã tweet một bức ảnh chụp màn hình về bài đăng của ông Biden trên tờ The Atlantic giải thích việc lựa chọn ông Lloyd Austin cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Nghị sĩ Cotton cũng nhấn mạnh rằng bài đăng không hề đề cập đến Trung Quốc – mối đe dọa an ninh hàng đầu của quốc gia.
Ngay cả một tờ báo tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo, cũng cổ vũ những lựa chọn của chính quyền Biden.
Các nhà quan sát Trung Quốc đã lưu ý rằng những lựa chọn nội các của ông Biden có thể sẽ có cách tiếp cận hợp lý và thực dụng hơn đối với Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm xử lý các vấn đề đối ngoại trong quá khứ của họ. Một số nhà quan sát nhận định, bất chấp môi trường địa chính trị đang thay đổi, những quan chức Mỹ kỳ cựu này được cho là sẽ khôi phục lại các phương thức tiếp cận thông thường của Đảng Dân chủ đối với các vấn đề đối ngoại, điều này vô cùng dễ đoán.
Ông Đạt Nguy, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, đã nói với tờ Hoàn cầu Thời báo hôm thứ Ba (ngày 15/12) rằng, hai nhân vật được đề cử là ông Blinken và ông Sullivan tỏ ra quan tâm đến kế hoạch hợp tác với Trung Quốc hơn là xây dựng những chính sách phản đối, họ coi việc liên minh là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của bốn năm tới. Họ có xu hướng xem Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” hơn là “kẻ thù không đội trời chung”.
Hai tờ báo bảo thủ của Mỹ cũng suy đoán rằng những lựa chọn an ninh quốc gia của ông Biden cho thấy xu hướng quay trở lại các chính sách thời Obama.
Tờ báo bảo thủ Washington Times nhận định trong một bài xã luận rằng “rõ ràng là khi Biden ‘điền’ những cái tên vào danh sách của mình, ông ấy không muốn gì hơn là quay trở lại thời điểm trước khi ông Donald Trump đập tan giấc mơ của Đảng Dân chủ bằng cách giành lấy cơ hội ‘làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’.”
“Một khi bốn năm qua phải trôi vào lịch sử, ông Biden sẽ ‘ấn nút’ khởi động lại ‘bộ phim truyền hình về Obama’,” tờ báo này ví von, “Những người hâm mộ sẽ được dịp nhớ lại một câu hát nổi tiếng trong bài ‘Sẽ không bị lừa thêm lần nữa’ của ban nhạc rock The Who: ‘Gặp ông chủ mới, hóa ra lại là ông chủ cũ.’ Có lẽ đây cũng chính là những gì chúng ta đang nếm trải.”
Một tờ báo bảo thủ khác, tờ Washington Examiner, viết trong bài xã luận của mình rằng các lựa chọn an ninh quốc gia của ông Joe Biden đã hé lộ ba điều.
“Đầu tiên, ông Biden sẽ cố gắng đẩy nước Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân thảm khốc với Iran. Thứ hai, Liên minh Châu Âu sẽ vô cùng hạnh phúc. Thứ ba, Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, hiện đang cảm thấy rất tuyệt vời.”
Cũng có những lời chỉ trích từ phía ông Joe Biden, từ những người không mấy hào hứng với viễn cảnh về các chính sách đối ngoại phiên bản Obama 2.0.
Ông Joshua Keating, một biên tập viên cao cấp của tờ Slate đã viết:
“Cho đến nay, các thành viên trong nhóm chính sách đối ngoại của ông Joe Biden đều là những người kỳ cựu trong chính quyền Barack Obama. Họ đã cam kết phục hồi các sáng kiến thời Obama như thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như tái cam kết các chính sách liên minh lâu dài của Hoa Kỳ mà ông Donald Trump đã cố gắng hủy bỏ.”
“Một số nhà phê bình chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ cánh tả đến cánh hữu tự do cũng không hoàn toàn ủng hộ nhóm này. Họ không tỏ ra đặc biệt hứng thú với việc quay trở lại của các chính sách tiếp cận từng dẫn đến cuộc can thiệp vào Libya, một cuộc chiến tranh dồn dập bằng máy bay không người lái và một đợt tăng quân ở Afghanistan. Họ lo ngại rằng tất cả những lời bàn tán về một ‘nước Mỹ đã trở lại’ thực tế chỉ cho thấy một sự bao trùm về thế giới quan của chủ nghĩa can thiệp trước thời Tổng thống Trump.”
Bà Barbara Ransby, giám đốc Sáng kiến Công bằng Xã hội, một thành viên hiện tại của Đảng Dân chủ, đã chỉ trích các lựa chọn của ông Joe Biden là đa dạng về mặt thẩm mỹ, nhưng không đa dạng về mặt tư tưởng. Bà gợi ý rằng ông Biden lẽ ra nên chọn những người từng là “các nhà hoạt động đoàn kết quốc tế” làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, thay vì bà Linda Thomas-Greenfield.
Bà Thomas-Greenfield là một người Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, bà Ransby nói, “Điều khiến tôi quan tâm là việc họ lại hô hào, đây là ‘lần đầu tiên’ trong nội các có một… Tôi không nhất thiết chỉ muốn những người [có cùng màu da] giống mình, tôi muốn những người thực sự sẽ làm nên điều khác biệt.”
“Đa dạng là tốt, điều đó là cần thiết… nhưng thật đáng thương là không đủ,” bà nói. “Loại [chính quyền] này ở một số khía cạnh trông rất giống Obama phiên bản 2.0.”
Vy An (Theo Breitbart)
Xem thêm:
Từ khóa chính quyền Obama Dòng sự kiện nội các Joe Biden nhóm chuyển tiếp của Joe Biden Obama 2.0