Canada chưa có kế hoạch tị nạn mới cho những người đào thoát khỏi Hồng Kông
- Gia Huy
- •
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Canada tại Hồng Kông, Canada chưa có kế hoạch mở ra các con đường tị nạn mới cho những người Hồng Kông đào thoát khỏi đặc khu này. Hiện Canada cũng vẫn đang có những quy trình hợp lý để giải quyết cho những người xin tị nạn vì lý do bị đàn áp chính trị.
Ông Jeff Nankivell, tổng lãnh sự sắp mãn nhiệm của Canada tại Hồng Kông và Ma Cao, nói với SCMP trong một cuộc phỏng vấn chia tay rằng công việc của lãnh sự quán đã bị ảnh hưởng bởi Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt lên đặc khu từ tháng 6 năm ngoái.
Một số chính trị gia Hồng Kông trở nên ngại tiếp xúc với văn phòng của ông kể từ khi Luật An ninh được áp dụng, vốn cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Ông cho biết, cộng đồng 300.000 người Canada tại Hồng Kông cũng lo lắng về việc liệu Luật An ninh sẽ ảnh hưởng đến họ hay không, đặc biệt khi đã xảy ra vụ việc hai người Canada bị giam giữ tại Trung Quốc Đại Lục vì bị buộc tội làm gián điệp.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao kỳ cựu Nankivell, đại diện ngoại giao của Canada tại Hồng Kông kể từ năm 2016, nói thêm rằng ông chưa nhìn thấy bất kỳ cuộc di cư nào của người Canada ra khỏi đặc khu này. Người Canada là một trong những cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở Hồng Kông.
Canada, cũng giống như Anh, Úc và các nước phương Tây khác, đã chỉ trích mạnh mẽ Luật An ninh Quốc gia mà ĐCSTQ áp đặt lên Hồng Kông và việc Bắc Kinh ngày càng kìm kẹp chặt chẽ đối với Hồng Kông, bao gồm cả việc thay đổi hệ thống bầu cử của đặc khu gần đây.
Tháng 11 năm ngoái, Canada đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người Hồng Kông muốn chuyển đến nước này, với những quy định mới về thị thực cho phép sinh viên Hồng Kông tốt nghiệp các trường đại học ngoài Canada có thể nộp đơn xin giấy phép làm việc ba năm tại nước này.
Bộ di trú của Canada thông báo, hơn 500 đơn đã được nhận trong ba tuần đầu tiên sau khi chương trình giấy phép lao động mới bắt đầu áp dụng vào tháng 2.
Ông Nankivell tiết lộ, rất nhiều người Hồng Kông quan tâm đến chương trình này và Canada dự đoán sẽ có nhiều người nộp đơn hơn khi lứa sinh viên mới tốt nghiệp vào mùa hè này và nếu các hạn chế đi lại do Covid-19 được nới lỏng.
Ông cho hay, một loạt các biện pháp nhập cư của Canada đã được phối hợp một cách chặt chẽ và chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau chưa có kế hoạch nào đưa ra các con đường tị nạn mới cho người Hồng Kông.
Ông khẳng định: “Đối với những người có thể muốn xin tị nạn, chúng tôi không có chương trình cụ thể [mới] nào ngoài các kênh hiện đã có sẵn.”
“Nếu người ta bị buộc tội hoặc bị kết án vì một tội mang bản chất chính trị và vì một điều nào đó không phải là hành vi phạm tội tại Canada, thì đó sẽ không phải là lý do để không cho phép họ đến [Canada].”
Theo dữ liệu chính thức, trong số hơn 25.000 đơn xin tị nạn tại Canada vào năm ngoái, có 21 đơn từ Hồng Kông. Không có bất kỳ đơn nào như vậy từ Hồng Kông vào năm 2019 hoặc trước đó.
Canada gần đây đã trở thành điểm đến cho những nhân vật Hồng Kông thuộc phe đối lập đào thoát khỏi đặc khu này.
Cựu nghị sĩ Đảng Dân sự Dennis Kwok phát biểu với truyền thông Canada vào tháng trước rằng ông đã trở về đất nước nơi ông đã sinh ra và dự định lấy lại quốc tịch Canada.
Cựu lãnh đạo hội sinh viên trường đại học Ernie Chow Shue-fung cũng đã xuất hiện tại Canada vào tháng trước, giữa lúc có nhiều lo ngại về việc chính quyền Hồng Kông sắp bắt giữ anh ấy.
‘Những rủi ro tiềm ẩn đối với người Canada’
Về ảnh hưởng của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, ông Nankivell nói rằng kể từ mùa hè năm ngoái, công việc của lãnh sự quán Canada đã bị ảnh hưởng với “chiến dịch đe dọa” do một số chính trị gia và truyền thông nhà nước ở Hồng Kông khởi xướng.
Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy một cách rõ ràng một sự lạnh nhạt thờ ơ ảnh hưởng đến mối tương tác mà chúng tôi có thể có với mọi người trong xã hội Hồng Kông, và sự miễn cưỡng của một số người trong xã hội Hồng Kông khi tiếp xúc với chúng tôi, không phải tất cả mọi người, mà là một số người mà chúng tôi đã từng có thể tiếp xúc một cách thoải mái trong quá khứ.”
“Thật đáng tiếc. Chúng tôi rất tiếc về điều đó.”
Tháng trước, một thẩm phán Hồng Kông đã từ chối việc bảo lãnh tại ngoại cho cựu nghị sĩ Đảng Dân sự Jeremy Tam Man-ho, vốn bị buộc tội lật đổ theo luật an ninh quốc gia, sau khi biết rằng ông Tam thường được lãnh sự quán Hoa Kỳ mời đến “uống cà phê”.
Ông Nankivell cho biết một số người Canada tại Hồng Kông lo lắng rằng họ có mất đi sự bảo vệ của luật thông thường nếu luận an ninh được áp dụng chống lại họ, vì luật này trao cho văn phòng an ninh quốc gia của Trung Quốc tại đặc khu quyền tài phán đối với các vụ án “phức tạp” hoặc “nghiêm trọng”.
Mối quan hệ của Canada với Trung Quốc đã xuống mức thấp mới sau khi hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig bị buộc tội gián điệp và bị bắt giữ ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu, một giám đốc điều hành cấp cao của Huawei Technologies, bị bắt tại Vancouver vào năm 2018 theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Ông Nankivell nhận định, vụ án về hai công dân Canada và Luật An ninh Quốc gia đang áp dụng tại Hồng Kông, đồng nghĩa với “rủi ro tiềm ẩn [có thể xảy ra] đối với bất kỳ người Canada nào”. Nhiều doanh nghiệp Canada tại đặc khu này đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các biện pháp bảo vệ dữ liệu của họ.
Mặc dù ông nói rằng ông không nhìn thấy bất kỳ sự rút vốn nào của các doanh nghiệp Canada ra khỏi Hồng Kông, nhưng dữ liệu mới nhất của đơn vị tình báo tài chính Canada FINTRAC cho thấy dòng vốn rút khỏi đặt khu này chuyển về Canada đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái, với khoảng 43,6 tỷ đô la Canada (34,8 tỷ đô la Mỹ) thông qua chuyển tiền điện tử.
Khi được hỏi về động thái tiếp theo có thể có của Canada liên quan đến việc Bắc Kinh ngày càng kìm kẹp chặt chẽ đối với Hồng Kông, ông Nankivell trả lời: “Chúng tôi thường tiến hành các biện pháp cùng với các quốc gia khác có cùng mối quan tâm với chúng tôi.”
Trong một tuyên bố chung vào tháng 3, các ngoại trưởng của các quốc gia G7 bao gồm Canada đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng trước việc Bắc Kinh thay đổi quyết liệt hệ thống bầu cử của Hồng Kông. Các ngoại trưởng G7 chỉ trích các động thái của Bắc Kinh sẽ kìm hãm đa nguyên chính trị và giảm quyền tự do ngôn luận.
Ông Nankivell sẽ rời khỏi Hồng Kông vào cuối tháng này sau khi đảm nhiệm hai chức vụ tại đặc khu này và ba chức vụ tại Bắc Kinh trong suốt 30 năm qua.
Ông nói: “Tôi không muốn rời khỏi [Hồng Kồng]. Hồng Kông sẽ luôn ở trong trái tim tôi và tôi sẽ luôn theo dõi sát sao những gì đang xảy ra ở đây.”
Gia Huy (Theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa người Hồng Kông tị nạn Giải cứu người biểu tình Hồng Kông Luật An ninh quốc gia Hồng Kông