Cao ủy đối ngoại EU: Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ kinh tế xã hội
- Gia Huy
- •
Hôm Chủ nhật (4/10), người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết, Afghanistan đang phải đối mặt với sự đổ vỡ các hệ thống kinh tế, xã hội, và từ đó kéo theo nguy cơ biến thành một thảm họa nhân đạo.
Trong một bài đăng trên blog, ông Josep Borrell nhấn mạnh, để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra, Taliban cần phải tuân thủ các điều kiện để quốc tế có thể trợ giúp nhiều hơn.
Ông Borrell viết: “Afghanistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự sụp đổ kinh tế xã hội sắp xảy ra, điều này sẽ gây ra nguy hiểm cho người Afghanistan, khu vực, và an ninh quốc tế.”
Giá lương lực tại Afghanistan đã tăng hơn 50% kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8. Việc các ngân hàng trung ương nước ngoài đóng băng 9 tỷ đô la tài sản của Afghanistan và việc mất đi thu nhập từ nước ngoài đã gây ra lạm phát tại nước này.
Theo ông Borrell, hệ thống ngân hàng Afghanistan phần lớn bị tê liệt, người dân không thể rút tiền, trong khi hệ thống y tế của nước này, vốn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài, gần như sụp đổ.
Ông nhận định: “Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra và mùa đông đang đến gần, điều này có nguy cơ biến thành một thảm họa nhân đạo.” Ông còn lưu ý, điều này có thể dẫn đến làn sóng di cư quy mô lớn sang các nước láng giềng.
EU với 27 quốc gia thành viên đã tăng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan kể từ khi Taliban nắm quyền, nhưng đã tạm ngừng cung cấp các khoản hỗ trợ phát triển, một động thái cũng được các quốc gia khác và Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Ông Borrell nhìn nhận, phản ứng của EU đối với cuộc khủng hoảng sẽ phụ thuộc vào thái độ của chính quyền mới Afghanistan, và việc nối lại quan hệ với chính quyền mới sẽ diễn ra nếu Taliban tuân thủ các điều kiện, bao gồm vấn đề nhân quyền.
Ông giải thích: “Trên tất cả, điều này yêu cầu rằng Taliban phải thực hiện các bước để cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ người dân Afghanistan.” Ông nói thêm, các nữ nhân viên của các cơ quan quốc tế phải có thể thực hiện công việc của họ.
Nhiều báo cáo về vi phạm nhân quyền và việc không cho trẻ em gái đến trường ở nước này đã làm mất đi sự lạc quan của quốc tế rằng cách tiếp cận của Taliban đã thay đổi so với lần đầu tiên tổ chức này cầm quyền Afghanistan trong giai đoạn 1996 đến 2001.
Tuần trước, ông Borrell đã gặp các quan chức Qatar ở thủ đô Doha của Qatar, nơi Taliban có một văn phòng đại diện.
Ông tiết lộ, các cuộc tiếp xúc của Qatar với Taliban là nhằm tiết chế hành vi của tổ chức này. Ông cũng kêu gọi Doha sử dụng mối liên hệ của họ với Taliban để đảm bảo có thể tránh “tình huống xấu nhất” xảy ra tại Afghanistan.
Gia Huy (Theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Afghanistan Dòng sự kiện Thảm họa nhân đạo khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan