Chủ tịch Hạ viện Mỹ chỉ trích Trung Quốc “giả tạo” về vụ xả thải Fukushima
- Anh Nguyễn
- •
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa, California) hôm thứ Năm (7/9) đã chỉ trích “giả tạo” của Trung Quốc liên quan đến việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 24 tháng 8, một động thái bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ và áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với tất cả thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản.
Ông McCarthy đã đến Tokyo vào ngày 7/9 để tham dự cuộc họp của các chủ tịch nghị viện nhóm G7. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với Nhật Bản và cho rằng lập trường của Trung Quốc về việc xả nước ở Fukushima trái ngược với quan điểm của các nước khác.
Ông nói với các phóng viên: “Tôi chỉ coi đó là một cách khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bịa đặt giả dối, cố gắng chia rẽ. Đó là một quan điểm không công bằng và nhìn nhận sai lầm của họ so với quan điểm của thế giới”.
Ông McCarthy đã ăn các sản phẩm được trồng ở Fukushima trong bữa trưa với Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản ông Rahm Emanuel để thể hiện sự ủng hộ của mình. Ông Emanuel cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản, đồng minh số 1 của Washington.
Ông Emanuel đăng trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) : “Mong được hợp tác cùng nhau để củng cố liên minh Mỹ – Nhật và hỗ trợ [Nhật Bản], đồng minh số 1 của chúng tôi, khi mà chúng ta cùng nhau đương đầu với các chiến thuật cưỡng chế kinh tế mới nhất của Trung Quốc”.
Thủ tướng Kishida hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia vào ngày 6/9. Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ vụ xả thải nước nhiễm xạ đã qua xử lý.
Ông Kishida cho biết ông đã giải thích với ông Lý về các biện pháp an toàn mà Nhật Bản đã thực hiện để xử lý tình trạng xả nước và kêu gọi Bắc Kinh dựa vào bằng chứng khoa học. Ông từ chối bình luận về phản ứng của ông Lý.
Theo văn phòng của thủ tướng Nhật, ông Kishida cho biết :“Chúng tôi đã giải thích cẩn thận quan điểm của mình, bao gồm đảm bảo tính minh bạch và công khai hoạt động giám sát của chúng tôi, đảm bảo độ tin cậy thông qua sự tham gia của IAEA”.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đó thông qua các kênh ngoại giao đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm thủy sản nhập từ Nhật.
Khi được hỏi về cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói với các phóng viên hôm 7/9 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hy vọng Nhật Bản “sẽ làm việc theo cùng hướng” với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản trước đó đã đệ trình phản biện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại lệnh cấm của Trung Quốc, và kêu gọi ĐCSTQ bãi bỏ biện pháp của mình.
Trong tài liệu đệ trình lên WTO, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn xả tritium của Nhật Bản là ít hơn 22 nghìn tỷ becquerel mỗi năm và con số đó là thấp hơn so với tiêu chuẩn do các lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc thải ra.
Bộ cho biết: “Ví dụ như, lượng tritium được thải ra hàng năm từ [Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi] xấp xỉ 1/10 lượng tritium được thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Qinshan ở Trung Quốc”.
‘ĐCSTQ muốn đạt được lợi thế ngoại giao’
Giáo sư Nobumasa Akiyama của Đại học Hitotsubashi, một chuyên gia về chính trị quốc tế và chính sách hạt nhân, cho biết ông tin rằng ĐCSTQ đang tìm cách “đạt được lợi thế ngoại giao bằng việc liên tục duy trì sự phản đối việc xả thải của Nhật Bản”.
Ông Akiyama cho rằng điều quan trọng đối với Nhật Bản là duy trì được niềm tin của cộng đồng quốc tế hơn là lo lắng về sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia cụ thể.
“Điều này không có nghĩa là việc truyền thông không còn cần thiết khi độ an toàn đã được khoa học chứng minh; đúng hơn, cần phải đạt được cả an toàn khoa học và an sinh xã hội”, ông Akiyama nói với kênh truyền thông NHK của Nhật Bản.
“Điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản không nên hài lòng với việc nhiều nước không phản đối mà phải kiên nhẫn cung cấp thông tin họ muốn biết từ quan điểm của phía khác”.
Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho rằng nếu các chuyên gia trên toàn thế giới đồng ý việc xả thải tuân theo các tiêu chuẩn khoa học và thủ tục quốc tế thì không cần phải lo lắng.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho rằng đây là vấn đề khoa học và Đài Loan tôn trọng quan điểm của các chuyên gia, trong khi Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ hiểu tính chuyên nghiệp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Từ khóa Nhật Bản xả nước thải hạt nhân Fukushima Trung Quốc phản đối xả nước thải hạt nhân Fukushima quan hệ Mỹ - Nhật Bản Fukushima Kevin McCarthy