Chuyên gia: Cần xử lý triệt để vấn đề tập đoàn lớn của Mỹ thân Trung Quốc
- Trương Uyển
- •
Ông Clyde Prestowitz, chủ tịch Viện Chiến lược Kinh tế (Economic Strategy Institute), một tổ chức tư vấn của Washington, khi làm chứng trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc, đã cảnh báo vấn đề một số công ty lớn của Mỹ liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc (US-China Economic and Security Review Commission – USCC) là cơ quan được Quốc hội Mỹ ủy quyền thành lập vào tháng 10/2000 để giám sát và điều tra các vấn đề an ninh quốc gia, thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo do ủy ban công bố hàng năm được coi là tài liệu tham khảo quan trọng để Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng quyết định chính sách Mỹ – Trung.
Chuyên gia Prestowitz cho biết trong văn bản làm chứng cho USCC vào ngày 6/4 rằng tách khỏi Trung Quốc nên là mục tiêu hàng đầu trong chính sách thương mại của Mỹ. Do đó, một mục tiêu khác trong chính sách thương mại của Mỹ cần nhắm vào trách nhiệm đối với các công ty lớn của Mỹ.
Ông cũng nhận định vấn đề không chỉ về thương mại mà còn về đầu tư, nghĩa là “các công ty công nghệ tiên tiến đang đầu tư vào đâu và họ đang sản xuất ở đâu” và “lý do tại sao họ đưa ra quyết định”…
Chính phủ Mỹ phải bắt đầu truy hỏi các CEO của những công ty đó rằng họ sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho Mỹ bằng cách chuyển hoạt động sản xuất và phát triển công nghệ của họ tại Trung Quốc? “Khi những CEO này ra điều trần trước Quốc hội, họ luôn thể hiện là ‘CEO của Mỹ’, nhưng họ có thực sự như vậy không? Người đứng đầu Apple có đang nghĩ về điều gì tốt cho nước Mỹ không, hay chỉ nghĩ có thể nhận được bao nhiêu trợ cấp từ Bắc Kinh và lợi nhuận thu được có thể được đặt ở Bermuda hoặc Singapore để tránh phải trả thuế ở Mỹ?”
Tại phiên điều trần của USCC ngày 14/4, chuyên gia Prestowitz đã nêu ví dụ về Apple. Ông cho biết, ở mức độ nhất định tất cả các sản phẩm Apple sản xuất và bán đều xuất phát từ các dự án nghiên cứu được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, kể từ khi thành lập đến nay, công ty này đã nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ những người nộp thuế tại Mỹ. Thế nhưng tất cả các sản phẩm của Apple đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Văn bản làm chứng của ông cho biết rằng CEO Timothy Donald Cook của Apple có ảnh hưởng chính trị cực kỳ mạnh mẽ ở Washington. Apple có một đội quân luật sư và nhà vận động hành lang, nhiều điều luật do chính những người đó khởi xướng. Ông Cook luôn sẵn sàng giao tiếp với các quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ và Apple đã thực hiện các khoản quyên góp chính trị đáng kể.
Nhưng ở Trung Quốc, ông Cook không chỉ không có ảnh hưởng gì về chính trị mà Apple còn thường xuyên bị chèn ép, vậy mà thái độ của ông ấy đối với Bắc Kinh là “cúi đầu” hợp tác; trong khi Trung Quốc thiếu pháp quyền để bảo vệ ông và công ty của ông trước những tình huống như cắt điện đột ngột, thanh tra đột xuất, ngoài ra bất cứ lúc nào cũng có thể có chuyện làm nhà cầm quyền Bắc Kinh trút giận. Chuyên gia Prestowitz cho rằng thực tế là CEO của Apple ngán Bắc Kinh hơn và sẵn sàng có hành động thỏa hiệp với Bắc Kinh, thậm chí có thể đại diện cho Bắc Kinh vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ.
Ông đã trích dẫn hai ví dụ về thái độ khác nhau của Apple trong cuộc điều tra vụ xả súng ở California và trong phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông:
– Ngày 2/12/2015, 14 người đã thiệt mạng và 21 người bị thương trong một vụ xả súng ở San Bernardino – California. Khi đó, FBI đã yêu cầu Apple mở khóa iPhone của kẻ giết người nhưng Apple từ chối. CEO Tim Cook cho biết vào thời điểm đó rằng yêu cầu của FBI không phù hợp nhu cầu an toàn đối với khách hàng của Apple.
– Nhưng 4 năm sau, trong “phong trào chống dẫn độ” ở Hồng Kông, công ty Apple đã gỡ bỏ ứng dụng di động HKmap.live theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh.
Chuyên gia Prestowitz nói trước buổi điều trần rằng ứng dụng đó giúp những người biểu tình trẻ phát hiện cảnh sát ở đâu, qua đó giúp họ có thể chọn biểu tình ở nơi không có cảnh sát. Điều này khiến các nhà chức trách ở Bắc Kinh tức giận và tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ bắt đầu công kích Apple. Sau đó vài ngày, ứng dụng HKmap.live đã biến mất khỏi Apple Store.
Nhưng không chỉ Apple mà còn có CEO nhiều công ty lớn khác cũng vậy.
Trong lời làm chứng bằng văn bản, chuyên gia Prestowitz cho biết ĐCSTQ tận dụng tình trạng phụ thuộc kinh tế vào các nước khác của các công ty này như một vũ khí để cưỡng chế. Ví dụ: Bắc Kinh đã hủy phát sóng các trận đấu của Hiệp hội Bóng rổ Mỹ ở Trung Quốc để trừng phạt người quản lý đội tuyển Mỹ vì đã đăng tweet ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông.
Ông cũng chỉ ra mục tiêu của Bắc Kinh là thay thế Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới. Không chỉ về mặt chính trị và quân sự, ĐCSTQ muốn giành quyền lãnh đạo và kiểm soát trong tất cả các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Vì mục tiêu này, Bắc Kinh đã thực hiện một cách tiếp cận khác với các nước thị trường tự do: mạnh mẽ lôi kéo và thậm chí gây áp lực đối với đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc; buộc các công ty nước ngoài chuyển nhà máy sang Trung Quốc, sản xuất ở Trung Quốc và xuất khẩu ra nước khác; buộc các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc chuyển giao toàn diện công nghệ. Gần đây, Bắc Kinh cũng khuyến khích các công ty Trung Quốc mua lại các tổ chức công nghệ cao của nước ngoài để chuyển giao công nghệ.
Về phía Mỹ, ông Prestowitz lập luận rằng chính sách của Mỹ gần như hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của ĐCSTQ. Chính sách của Mỹ khuyến khích chuyển giao sang Trung Quốc công nghệ từ Mỹ và từ những nước tự do khác, đồng thời tập trung mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghệ mới trong nước Mỹ; cho phép các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ mà không cần đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết giống như các công ty Mỹ; việc thực thi không nghiêm các hiệp định thương mại cũng như khuyến khích đưa qua Trung Quốc các hoạt động gia công mà không thể kiểm soát kỹ lưỡng bí mật khoa học công nghệ đã dần làm suy yếu khả năng cạnh tranh và vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ.
Chuyên gia Prestowitz lập luận rằng trên thực tế, ĐCSTQ đã và đang vận hành một chương trình phát triển kinh tế/công nghiệp toàn diện theo chủ nghĩa trọng thương, trong khi giới lãnh đạo Mỹ có xu hướng tin rằng ĐCSTQ sẽ trở thành “bên liên quan có trách nhiệm trong trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp và tự do”.
Ông nhắc lại khi ĐCSTQ gia nhập WTO thì thế giới phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tưởng tượng rằng thương mại tự do có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Trung Quốc. Nhưng kết quả không như thế, thậm chí ngược lại khiến ĐCSTQ gây đe dọa nhiều hơn đối với các nền dân chủ.
Từ những vấn đề trên, Prestowitz ủng hộ việc thành lập NATO Kinh tế (ENATO) để thay thế Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo đó trong thương mại với Trung Quốc, các thành viên ENATO phải có chính sách chung về thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ: hạn chế tối đa phụ thuộc vào Trung Quốc về thiết bị viễn thông, chất bán dẫn, robot cũng như mọi sản phẩm và dịch vụ công nghệ tiên tiến khác; không cho phép bán sang Trung Quốc các sản phẩm công nghệ tiên tiến cốt lõi; những công ty Mỹ sản xuất mọi thứ ở Trung Quốc giống như kiểu công ty Apple thì phải chuyển phần lớn hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và ngừng chuyển giao bất kỳ công nghệ tiên tiến nào cho Trung Quốc.
“Tóm lại là giới chức Mỹ phải ngừng sách lược cố gắng thuyết phục ĐCSTQ, thay vào đó là hành động để chống lại sự thao túng của ĐCSTQ”, chuyên gia Prestowitz nhấn mạnh.
Từ khóa Clyde Prestowitz Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung