Cựu TT Đài Loan Mã Anh Cửu tưởng niệm ngày 4/6 nhưng ca ngợi ông Tập
- Bình Minh
- •
Ngày 4/6 vừa qua là kỷ niệm 33 năm Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Trên Facebook, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) đã công khai kêu gọi chính quyền Bắc Kinh đối mặt với lịch sử và nhận trách nhiệm. Đồng thời ông cũng chỉ trích Đài Loan đang dần bước vào một “nền dân chủ phi tự do” và ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khiến dư luận phản đối kịch liệt.
Vào ngày 4/6, mọi tầng lớp nhân dân ở Đài Loan đều tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cũng đăng trên Facebook, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc dũng cảm đối mặt với lịch sử và có trách nhiệm, mới có thể tiến lên phía trước. Đồng thời, nhân đây ông cũng suy ngẫm về việc Đài Loan, mặc dù xưng là “dân chủ”, nhưng đã từng bước rơi vào một “nền dân chủ phi tự do”, và điều này rất đáng cảnh giác.
Ông Mã Anh Cửu nói: Chúng tôi mong đợi chính quyền Bắc Kinh đối mặt với lịch sử, nhưng chúng tôi cũng không thể ngồi yên nhìn nền dân chủ của Đài Loan đang bước lùi, thậm chí tiến tới một “nền dân chủ phi tự do” và “chế độ độc tài do dân bầu”; chúng ta phải bắt đầu từ chính mình và bảo vệ nền dân chủ chân chính của Đài Loan.
Ông đề cập rằng vào tháng Mười năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về “dân chủ” tại hội nghị công tác của Đại hội Nhân dân Trung ương, nhấn mạnh rằng tất cả quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân, và đảm bảo nhân dân là chủ của đất nước và đất nước được quản lý bởi pháp luật ở mức độ cao nhất.
Ông tin rằng đây là hướng đi đúng đắn giúp xây dựng một xã hội được cai trị bởi pháp luật. Nếu có thể chân thành đối mặt và phục hồi những tổn thương lịch sử của sự kiện “ngày 4/6”, Trung Quốc sẽ không chỉ có một hình ảnh rất tích cực trên trường quốc tế, mà cả 2 bên bờ eo biển sẽ không ngày càng cách biệt.
Tuy nhiên, ông Mã Anh Cửu cũng nói rằng về ý nghĩa của dân chủ, vì thể chế của 2 bên eo biển khác nhau, cách giải thích và thực hành cũng khác nhau; ngoài việc kêu gọi bờ bên kia (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) tự kiểm điểm, Đài Loan cũng nên xem xét kỹ hơn sự phát triển dân chủ của mình.
Trước vấn đề này, Đảng Dân Tiến (Đảng Dân chủ Tiến bộ) trả lời rằng các nhà khoa học chính trị có định nghĩa và giải thích rõ ràng về “nền dân chủ phi tự do”, trong đó không bao gồm Đài Loan.
Tháng Hai năm nay, “Cơ quan Tình báo Kinh tế” (EIU) đã công bố Chỉ số Dân chủ Toàn cầu cho thấy, Đài Loan đứng thứ 8, không chỉ cao nhất ở châu Á, mà còn tốt hơn các nước dân chủ lớn ở châu Âu và Hoa Kỳ, “Hệ thống dân chủ của Đài Loan được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phát biểu chỉ trích nền dân chủ của Đài Loan của ông Mã Anh Cửu càng phản ánh đầy đủ hơn mức độ tự do và dân chủ với mức độ cao của nước này.”
Đảng Dân Tiến tuyên bố, nội hàm và ý nghĩa thực sự của dân chủ nằm ở chủ quyền của nhân dân, tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ các quyền cơ bản.
“Ông Mã Anh Cửu ca ngợi chế độ chuyên quyền của Bắc Kinh là ‘thiết lập hướng đi đúng đắn’, nhưng lại phớt lờ cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng.”
Những lời nói và việc làm của ông Mã Anh Cửu quá lạc lõng với hiện thực quốc tế và đầy ảo tưởng về chế độ ĐCSTQ đến mức khó có thể khen ngợi. Với tư cách là một cựu tổng thống, ông ấy không nên dựa trên ý thức hệ cá nhân, sử dụng quyền tự do ngôn luận, làm tổn hại đến hệ thống dân chủ vốn khó có được của Đài Loan.
Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế như BBC, USA Today, Bloomberg, Mainichi Shimbun của Nhật Bản… đã tung ra “Hồ sơ cảnh sát Tân Cương” do giới hacker lấy được. Nội dung hồ sơ với hàng chục ngàn tài liệu, hình ảnh và dữ liệu tiết lộ tên, địa chỉ, số ID, tội danh, nơi giam giữ và thông tin cá nhân khác của gần 2.900 người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) cùng người thuộc cộng đồng dân tộc ít người khác. Họ đã bị nhà cầm quyền ĐCSTQ bỏ tù hoặc thậm chí bắn chết. Ngoài ra, hồ sơ còn bao gồm những hình ảnh về tình hình trong các “trại cải tạo” và các nhà tù chưa từng được công khai, cho thấy là bằng chứng vững vàng trước cáo buộc ĐCSTQ đã thực hiện các hành vi giam giữ và ngược đãi đối với hàng loạt người dân địa phương, vấn đề liên quan đến “tội ác diệt chủng”.
Ông Kha Kiến Minh: Đừng quên ngày 4/6
Ông Kha Kiến Minh (Ker Chien-ming), lãnh đạo Đảng Lập pháp của Đảng Dân Tiến, cũng đăng trên Facebook rằng khi ngọn gió dân chủ và tự do thổi qua, một số người lại chọn đi ngược chiều, trong khi những người khác chọn bay lượn thuận theo chiều gió.
Những lựa chọn khác nhau tạo ra những số phận khác nhau, bắt đầu từ ngày 4/6/1989, Đài Loan và Trung Quốc đã được ấn định khác nhau về tư tưởng. Nhìn lại sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Đài Loan đã trải qua sự cai trị độc tài theo hệ thống thiết quân luật.
Trong khi ở bên kia eo biển, dưới chế độ độc đảng của ĐCSTQ, trong sự nỗ lực hòng vượt qua Anh và đuổi kịp Hoa Kỳ, cuối cùng “Đại nhảy vọt“ đã trở thành một thảm họa. Cuộc “Cách mạng Văn hóa“ sau đó, cùng việc tham gia vào đấu tranh chính trị và đấu tranh giai cấp đã hủy hoại vô số tinh anh của Trung Quốc.
Ông Kha Kiến Minh nói rằng ĐCSTQ đã chọn sử dụng vũ lực của nhà nước, bao vây và ngăn cản người dân tiếp cận với tự do, dân chủ. Khi từng đoàn xe tăng và những khẩu súng trường bắn vào con dân Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn, những chồi non của nền dân chủ và tự do vừa mới nhú lên khỏi mặt đất của Trung Quốc đã bị chà đạp đến chết.
Về phương diện này, Trung Quốc đã đi một con đường khác với thế giới. Ngược lại, Đài Loan lại bắt kịp thế giới, dù chặng đường dân chủ này đầy máu, nước mắt và chông gai, nhưng Đài Loan vẫn vững bước tiến lên.
Ông Kha Kiến Minh nói rằng Đài Loan sẽ không im lặng, đấu tranh cho việc việc nhắc đến ngày 4/6 trên internet, cũng như sẽ không đột nhập vào nhà lúc nửa đêm và bắt người vì họ đã chỉ trích tổng thống hoặc bất kỳ nhân vật chính trị nào trong mọi trường hợp.
Do đó, ông không thể chấp nhận được việc ông Mã Anh Cửu công khai ca ngợi điều ông Tập Cận Bình làm ngày nay là “dân chủ” và nói rằng nền dân chủ của Đài Loan là “nền dân chủ phi tự do”.
Ông Kha Kiến Minh kêu gọi, nhân dịp kỷ niệm 33 năm “Sự kiện thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6”, người Đài Loan nên thử nhìn lại quá khứ, và sau đó suy ngẫm về thực tế rằng dân chủ và tự do rất khó có được ở Đài Loan. Vì vậy thậm chí tất cả người Đài Loan càng cần phải đoàn kết với thế giới hơn nữa, chung tay với tất cả bạn bè trên thế giới, ủng hộ dân chủ và tự do, nỗ lực chống lại sự xâm nhập của chế độ chuyên chế và độc tài.
Tờ “Liberty Times” đưa tin, cùng ngày, “Đảng Xây dựng Nhà nước Đài Loan” (TSP) cũng lên tiếng chỉ trích những nhận xét không phù hợp của ông Mã Anh Cửu.
Ông Trương Bác Dương (Chang Bo-yang), Giám đốc Ban Tin tức TSP, cho biết ông Mã Anh Cửu nói “Đài Loan là một nền dân chủ phi tự do”, nhưng phải chăng ông ấy đã quên rằng kể từ khi lên nắm quyền, ông ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập của Đài Loan với Trung Quốc, và gần như hủy hoại nền dân chủ của Đài Loan?
Ông Trương tin rằng thể chế dân chủ của Đài Loan có thể không phải là 100 điểm, nhưng nó thực sự không nên được sử dụng như một tấm gương, hoặc thậm chí ca ngợi cho điểm 0 của chế độ độc tài (ĐCSTQ) bên cạnh.
Từ khóa Trung Quốc Đài Loan dân chủ Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ Mã Anh Cửu