Đài Á Châu Tự do sẽ đóng cửa các kênh tiếng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ
- Cao Sam
- •
Theo Politico, vào ngày 1/5, Đài Á Châu Tự do thông báo rằng họ sẽ buộc phải đóng cửa bộ phận tin tức tiếng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ vào ngày 9/5, chủ yếu là do thiếu hụt kinh phí.
Đài Á Châu Tự do (RFA) vừa thông báo sẽ đóng cửa các kênh tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ vì triển vọng tài trợ không chắc chắn.
Ông Rohit Mahajan, phát ngôn viên của Đài Á Châu Tự Do, giải thích về quyết định này rằng Cơ quan truyền thông toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) không thể đảm bảo đài này sẽ nhận được nguồn tài trợ kịp thời hoặc nhất quán từ Quốc hội Hoa Kỳ, điều này làm gia tăng áp lực tài chính cho RFA.
Ông nói điều này buộc RFA phải tiếp tục chương trình nghỉ việc tạm thời và đóng cửa 50% dịch vụ tin tức đa ngôn ngữ của mình trong những tuần tới.
Ngày 14/3, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp có tên “Tiếp tục cắt giảm bộ máy quan liêu liên bang”, ra lệnh cho 8 cơ quan cắt giảm hoạt động và nhân viên xuống mức tối thiểu, bao gồm USAGM.
Sau khi lệnh được ban hành, quỹ của các công ty con của USAGM, gồm Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Châu Âu Tự do (RFE) và Đài Á Châu Tự do (RFA), ngay lập tức bị đóng băng. Tại VOA, hơn 1.300 nhân viên ngay lập tức được yêu cầu nghỉ phép và mọi công việc đều bị đình chỉ.
Sau đó, các nhân viên của VOA đã kiện quyết định này ra tòa.
Ngày 23/4, thẩm phán liên bang Hoa Kỳ Royce Lamberth tại Washington ra phán quyết rằng Chính phủ phải khôi phục nguồn tài trợ liên bang cho VOA và các tổ chức phát thanh nước ngoài khác trước khi tòa án tiến hành phiên tòa đầy đủ và đưa ra quyết định về việc đóng cửa các tổ chức này.
Phán quyết này cũng tuyên bố rằng việc chính phủ cắt giảm ngân sách sâu là không có cơ sở pháp lý và các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ phải tuyển dụng lại tất cả những nhân viên đã bị sa thải. Ngoài VOA, phán quyết của tòa án cũng áp dụng cho Đài Á Châu Tự Do.
Đài Á Châu Tự do hoan nghênh phán quyết này. Giám đốc RFA Bay Fang đã ra tuyên bố kêu gọi USAGM tiếp tục giải ngân khoản tài trợ từ Quốc hội Hoa Kỳ cho đài để đài có thể hoạt động bình thường.
Bà chỉ ra rằng sau khi USAGM ngừng cấp tiền tài trợ, hơn 3/4 số nhân viên của cơ quan này tại Hoa Kỳ đã bị cho nghỉ phép không lương, hầu hết hợp đồng của các nhà báo ở nước ngoài cũng bị chấm dứt. Tình trạng này sẽ tiếp tục nếu không khôi phục được nguồn tài trợ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã kháng cáo phán quyết của Thẩm phán Lamberth.
Việc chính quyền Trump đóng cửa đài VOA và RFA ngay lập tức thu hút sự chú ý và tranh luận sôi nổi. Những người ủng hộ điều này cho rằng VOA đã trở thành cơ quan truyền thông cánh tả phục vụ lợi ích đảng phái. Mặc dù nhận được nguồn tài trợ khổng lồ hàng năm, nhưng tổ chức này chưa đóng vai trò thúc đẩy các chính sách và giá trị thực sự của Mỹ ra thế giới.
Vào tháng Hai, Tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ Hoa Kỳ (DOGE), đã chỉ trích các cơ quan này trên mạng xã hội. Ông nói rằng các cơ quan này chỉ là những kẻ điên cuồng cánh tả cực đoan tự nói chuyện với chính mình và đốt 1 tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ mỗi năm.
Cùng lúc đó, những thính giả nhiều năm nghe VOA và RFA đều bày tỏ sự tiếc nuối. Trong đó, bình luận của nhà văn và nhà thơ Tây Tạng Tsering Woeser khá tiêu biểu.
Trong bài viết đăng ngày 25/3 có tiêu đề “Đừng để tiếng nói Tây Tạng biến mất: Bộ phận tiếng Tây Tạng của RFA và VOA không nên bị đóng cửa”, bà cho biết bộ phận tiếng Tây Tạng của RFA và VOA đã hoạt động trong nhiều thập kỷ, là kênh cứu sinh giúp người Tây Tạng vượt qua sự phong tỏa thông tin và là kênh quan trọng để có được thông tin bên ngoài.
Bà nói, chúng không chỉ cung cấp một cửa sổ cho người Tây Tạng trong và ngoài nước hiểu được sự thật về Tây Tạng, mà còn cung cấp thông tin có giá trị để cộng đồng quốc tế hiểu về Tây Tạng.
Bà nói thêm, hiện giờ khi họ phải đối mặt với số phận bị đóng cửa, vấn đề Tây Tạng có thể sẽ càng bị gạt ra ngoài lề trong cộng đồng quốc tế và sự chú ý của toàn cầu đối với hoàn cảnh khốn khổ của người Tây Tạng cũng có thể bị suy yếu.
VOA bắt đầu phát sóng vào năm 1942 với các chương trình được sản xuất bằng tiếng Đức nhằm phản đối tuyên truyền của chế độ Đức Quốc xã, và cung cấp chương trình phát thanh thay thế cho người dân Đức. Sau đó, số lượng ngôn ngữ có sẵn trên các kênh của VOA tăng lên nhanh chóng.
Trong Chiến tranh Lạnh, VOA đã thành lập Đài Châu Âu Tự do/ Đài Tự do với sứ mệnh tương tự, và thành lập Đài Á Châu Tự do vào năm 1996.
Theo Cao Sam / Epoch Times
Từ khóa Người Duy Ngô Nhĩ RFA Đài Á Châu Tự do Tây Tạng
