Đại sứ Philippines: Sẽ liên minh với Mỹ nếu chiến tranh lớn xảy ra ở eo biển Đài Loan
- Mộc Vệ
- •
Theo CNA Đài Loan, Đại sứ Philippines tại Mỹ cho biết hôm thứ Hai (15/8) rằng mặc dù Philippines và Mỹ có “Hiệp ước Phòng thủ chung”, nhưng nếu Mỹ dính líu đến tranh chấp eo biển Đài Loan thì Manila có thể không bị buộc phải tham gia. Tuy nhiên, “chúng tôi sẽ liên minh với Mỹ” nếu nổ ra chiến tranh quy mô lớn.
Hôm thứ Hai (15/8), Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez đã tham gia diễn đàn trực tuyến của Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài của Philippines. Khi được giới truyền thông hỏi, ông nói rằng mặc dù Philippines và Mỹ có Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT), nhưng nếu Mỹ tham gia vào tranh chấp eo biển Đài Loan thì “chúng tôi sẽ không nhất thiết bị buộc phải tham gia vào”.
Ông Romuldez cho biết Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ chủ yếu bao gồm “khu vực chịu trách nhiệm của chúng tôi, thực tế là Biển Tây Philippines và các khu vực xung quanh”. Biển Tây Philippines là một phần của Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền, cách vùng đặc quyền kinh tế của Philippines khoảng 200 hải lý.
Tuy nhiên, ông nói rằng nếu tình hình leo thang, “nếu có một cuộc chiến tranh lớn mà chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra, thì chúng tôi sẽ liên minh với Mỹ, giống như chúng tôi đã liên minh với họ trong Thế chiến thứ II”.
Là một đồng minh đáng tin cậy, Philippines sẵn sàng “làm phần việc của chúng tôi” cho liên minh Mỹ – Philippines, ông Romoldz nói. “Nhưng chúng tôi muốn thúc giục bạn bè, đồng minh của chúng tôi, tiếp tục thực hiện kiềm chế tối đa bởi vì chúng tôi đều biết những điều này (leo thang) có thể mang lại những gì”.
Manila và Washington đã ký “Hiệp ước Phòng thủ chung” vào năm 1951, cam kết rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ quê hương hoặc hải đảo của một bên, quân đội, tàu hoặc máy bay của bên nào ở Thái Bình Dương bị tấn công, thì hai bên sẽ hành động chung để đối phó với thách thức.
Ông Romuldez cho biết vị trí địa lý của Philippines rất quan trọng, “đó là lý do tại sao Mỹ biết các thỏa thuận của chúng tôi, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau và Hiệp định Lực lượng Vũ trang (VFA), là quan trọng hơn bao giờ hết”.
Một phóng viên đã hỏi liệu căng thẳng ở eo biển Đài Loan có đẩy nhanh tiến độ của Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) giữa Philippines và Mỹ hay không. Philippines và Mỹ đã ký EDCA vào năm 2014, cho phép Mỹ bố trí thêm các sĩ quan và binh sĩ đóng quân tại Philippines, chia sẻ các căn cứ quân sự của Philippines, xây dựng và đặt các cơ sở quân sự, thiết bị, máy bay quân sự và tàu chiến, và thời hạn hiệu lực là 10 năm.
Ông Romuldez cho biết, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu ông thông báo cho Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi chiến tranh Nga -Ukraine bùng nổ rằng: chính quyền Manila sẽ cho phép Mỹ “sử dụng bất kỳ cơ sở nào mà chúng tôi có”. Ông cho rằng Mỹ có thể cần sử dụng các cơ sở của Philippines để giảm hoạt động căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Ông Romuldez nói rằng Manila tiếp tục thúc đẩy Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường giữa Mỹ – Philippines: “Tôi nghĩ rằng trong vài năm tới chúng ta có thể thấy nhiều tiến bộ hơn trong thỏa thuận”.
Mặt khác, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự kiến sẽ đến New York vào tháng Chín để phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Về vấn đề này, ông Romuldez cho biết đây sẽ là lần đầu tiên ông Marcos phát biểu tại Liên Hợp Quốc, “Về cơ bản là giới thiệu bản thân với thế giới và thế giới phương Tây”. Ông Marcos cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc hội đàm bên lề với một số nguyên thủ và gặp gỡ doanh nhân để khuyến khích họ đầu tư vào Philippines.
Ông nói rằng Đại sứ quán Philippines tại Mỹ hy vọng sẽ thu xếp sớm nhất có thể để Tổng thống Marcos đến Washington gặp Tổng thống Biden. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Jose Faustino Jr. cũng có kế hoạch trong vòng vài tháng đến Washington để thảo luận với Mỹ về các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông và hiện đại hóa quân đội Philippines.
Đại sứ Romuldez nói rằng ngoài các thỏa thuận quân sự thì Philippines dưới thời Marcos còn muốn tăng cường trao đổi kinh tế với Mỹ, bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng sạch, gồm cả năng lượng hạt nhân mô-đun hóa.
Theo ông, Philippines đang tìm cách mua trực thăng Chinook hạng nặng từ Mỹ sau khi hủy thỏa thuận trị giá 12,7 tỷ peso (227,35 triệu USD) với Nga để tránh các lệnh trừng phạt.
Sau ngày 24/2 khi ông Tổng thống Putin của Nga phát động xâm lược Ukraine thì nước Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng từ phương Tây dẫn đầu là Mỹ. Do đó các nước mua thiết bị của Nga cũng có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Vào tháng Ba, Philippines đã bỏ phiếu trong một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga ngừng ngay cuộc tấn công và rút toàn bộ quân đội Nga nhằm vào Ukraine.
Trước đó, trong một tuyên bố do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đưa ra hôm 12/7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã cảnh báo rõ ràng giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ Philippines nếu lực lượng, tàu thuyền hoặc máy bay của họ bị tấn công trong vùng tranh chấp ở Biển Đông.
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi CHND Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và chấm dứt hành vi khiêu khích của họ,” ông Blinken cho hay.
“Chúng tôi cũng tái khẳng định, một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ.”
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa biển Đông Philippines quan hệ Mỹ Philippines eo biển Đài Loan