David Kilgour là cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một nhà hoạt động nhân quyền uy tín từng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Suốt 27 năm làm việc trong chính phủ Canada, ông từng là Công tố viên, rồi Nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế, Cố vấn chính phủ,… Ông là một trong những nghị sĩ phụng sự lâu đời nhất trong Quốc hội Canada. Dưới đây là bài bình luận trên tờ Hong Kong Free Press của ông về nguyên nhân cần buộc chế độ Trung Quốc chịu trách nhiệm vì đại dịch virus Trung Cộng trên toàn cầu.

David Kilgour: Phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm vì đại dịch toàn cầu
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: Minghui)

*

Theo một cuộc khảo sát ý kiến ​​quốc gia năm 2019 của Nanos, thậm chí trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thì cứ 10 người Canada thì có 9 người có ấn tượng tiêu cực về chính quyền Trung Quốc.

Nhiều người ở các quốc gia có truyền thông độc lập có lẽ đã biết rằng trong khoảng 40 ngày cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Bắc Kinh đã che giấu và làm sai lệch thông tin về sự lan truyền của COVID-19 trong nước.

Tình báo Đức và những cơ quan khác báo cáo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây áp lực buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trì hoãn việc ban hành cảnh báo toàn cầu về vi-rút. Theo một báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Canada được hãng thông tấn AP trích dẫn, Bắc Kinh đã triệt tiêu thông tin để có thời gian thu mua thiết bị bảo hộ cá nhân và các vật tư y tế khác trên toàn cầu.

Khi đại dịch lây lan ở Vũ Hán, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhanh chóng sàng lọc các chuyến bay từ Vũ Hán vào ngày 31 tháng 12 năm 2019; cấm cư dân Vũ Hán vào ngày 23 tháng 1; thực hiện kiểm tra chuyên sâu và truy vết tiếp xúc; đồng thời cấm tất cả du khách đến từ Trung Quốc vào ngày 6 tháng 2. Nếu WHO và 194 quốc gia thành viên của tổ chức này điều chỉnh các hoạt động theo cách của Đài Loan, thì có lẽ đã giảm thiểu được số ca nhiễm và tử vong trong đại dịch toàn cầu này.

Dòng người mang COVID lớn nhất xâm nhập vào châu Âu là khoảng 260.000 công dân Trung Quốc, khi ⅔ trong số họ quay trở lại công việc của mình ở Ý. Đến ngày 11 tháng 1 năm 2021, có 2,2 triệu trường hợp được xác nhận ở Ý và 79.203 trường hợp tử vong.

Các chính phủ Liên minh Châu Âu, Úc và Hoa Kỳ đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về cách lây lan của COVID-19 từ người sang người. Ông Tập đã đề nghị chi 2 tỷ đô-la cho WHO, nhưng cho đến giữa tháng 1 năm 2021, lại ngăn WHO và các nhà điều tra từ các quốc gia khác nhau vào Vũ Hán. Một số vụ kiện tập thể yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường thiệt hại đã được tiến hành ở Hoa Kỳ.

Nhiều người ủng hộ pháp quyền nói rằng Bắc Kinh phải bị buộc chịu trách nhiệm về những hậu quả của đại dịch trên toàn cầu, hành vi sai trái của họ đã gây ra hơn 100 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, hơn 2 triệu người chết và khoảng 400 triệu việc làm bị mất. Thiệt hại kinh tế toàn cầu cho đến nay ước tính khoảng 16 nghìn tỷ USD.

Đại dịch toàn cầu này cũng nhấn mạnh thực tế là Canada và nhiều nền dân chủ đã phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về thuốc, trang thiết bị bảo hộ cá nhân và hàng hóa sản xuất. Riêng Canada đã mất khoảng 600.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất kể từ năm 2000.

Người Canada còn phải cân nhắc một vấn đề chính yếu khác, đó là “chính sách ngoại giao con tin” của ông Tập và việc chế độ của ông bắt cóc Michael Kovrig và Michael Spavor, những người đã bị giam giữ hơn hai năm trong điều kiện khắc nghiệt.

Một nghiên cứu học thuật của Cơ quan Tình báo An ninh Canada kết luận: “Dưới sự lãnh đạo [của Tập Cận Bình], nhà nước đảng trị đang tổ chức một cuộc tấn công kịch liệt vào nền dân chủ và các giá trị phương Tây”. Một ví dụ điển hình là việc tấn công vào tính dân chủ và pháp quyền ở Hồng Kông.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh bị cáo buộc đã tiến hành thu hoạch nội tạng từ hàng nghìn tù nhân lương tâm – người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, tín đồ Kitô và những người khác. Ngành thương mại đáng ghê tởm này đã được mô tả lại trong cuốn sách “Thu hoạch Đẫm máu” (Bloody Harvest – 2009) của David Matas, cuốn sach “Đại Thảm Sát” (The Slaughter – 2014) của nhà báo Ethan Gutmann, và một bản cập nhật (xem bản tiếng Anh tại đây) cho cả hai cuốn sách này vào năm 2016.

Hai công dân Canada là Irwin Cotler và David Matas gần đây đã đề xuất một số hướng tiếp cận để khắc phục các thiệt hại do đại dịch toàn cầu gây ra bởi chính quyền Trung Quốc, bao gồm:

  • Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ): Bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc cũng có thể yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế cho ý kiến ​​tư vấn về câu hỏi pháp lý. Với cách làm này, Trung Quốc sẽ không thể sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Liên Hợp Quốc.
  • Xem xét WHO: Hành vi của WHO trong đại dịch toàn cầu này thật đáng thất vọng. Thay vì yêu cầu Trung Quốc cải cách các chính sách và cách hành xử của mình, WHO đã thay đổi cách tiếp cận của họ để phù hợp với Bắc Kinh. Nếu các biện pháp can thiệp ở Trung Quốc bắt đầu sớm hơn 3 tuần, việc lây truyền COVID-19 có thể đã giảm 95%, theo một nghiên cứu của Đại học Southampton của Anh.
  • Sử dụng Đạo luật Magnitsky: Đạo luật này được đặt tên theo Sergei Magnitsky, một người Nga bị sát hại sau khi tố cáo chính quyền. Đạo luật này cho phép công khai những người vi phạm nhân quyền và khiến họ bị cấm thị thực, tịch thu tài sản. Sáu quốc gia có đạo luật như vậy nên truy cứu trách nhiệm đối với những người trong [chế độ] Trung Quốc đã để cho COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế Francis Fukuyama, người từng là thành viên của Quỹ Quốc gia về Dân chủ của Mỹ, đã nhận xét một cách đúng đắn rằng: “Chúng ta không đối phó với Trung Quốc của những năm 1990 hoặc… 2000, mà là một con quái vật hoàn toàn khác, thứ rõ ràng đang thách thức các giá trị dân chủ của chúng ta.” Ông kết luận rằng điều này phải được ngăn chặn cho tới khi nó trở thành một quốc gia độc tài bình thường hơn.

Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải hành động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn cầu; sự cẩu thả hoặc những điều tệ hơn thế mà ông Tập làm ở Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá lâu dài. Ngăn chặn một đại dịch toàn cầu khác đòi hỏi phải theo đuổi trách nhiệm giải trình chống lại Bắc Kinh ngay từ bây giờ. Tất cả chúng ta phải lên tiếng vì phẩm giá của những người đã thiệt mạng. Bước đầu tiên là yêu cầu những người chịu trách nhiệm phát tán COVID-19 phải bồi thường thiệt hại.

Bộ trưởng Ngoại giao mới của Canada, Marc Garneau, có khả năng làm việc hiệu quả với chính quyền Biden để có các cam kết đa phương khi tiếp cận với Bắc Kinh.

David Kilgour
Xem bài gốc trên Hong Kong Free Press tại đây

Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: Hạ viện Canada tuyên bố Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng tại Tân Cương

Mời xem video: