ĐCSTQ hạn chế chuyến bay của Mỹ, nạn nhân lại là du học sinh TQ
- Lâm Nghiên
- •
Mới đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện các biện pháp “ngắt mạch” các chuyến bay đối với Mỹ vì lý do phòng chống dịch bệnh, nhưng biện pháp này đã bị Mỹ phản kích. Bộ Giao thông Vận tải Mỹ thông báo rằng họ sẽ giới hạn số lượng hành khách được vận chuyển trên một số hãng hàng không Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích, hiện tại đang vào thời điểm cao điểm du học sinh Trung Quốc sang Mỹ nhập học, sự đối kháng ác ý của ĐCSTQ đã khiến Mỹ đáp trả, nạn nhân lớn nhất có khả năng vẫn là người đến từ Trung Quốc.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ hôm 18/8 tuyên bố sẽ giới hạn số lượng hành khách trên một số chuyến bay của 4 hãng hàng không Trung Quốc đến Mỹ không vượt quá 40% trong thời gian 4 tuần. Trước đó, ĐCSTQ đã thông báo vào ngày 6/8 rằng họ sẽ hạn chế các chuyến bay của United Airlines vì 5 hành khách trên chuyến bay từ San Francisco đến Thượng Hải vào ngày 21/7 đã xét nghiệm dương tính với virus sau khi nhập cảnh vào nước này.
Phía Trung Quốc đã cho United Airlines 3 lựa chọn: hủy 2 chuyến bay từ San Francisco đến Thượng Hải; khai thác 2 chuyến bay không có hành khách; hoặc khai thác 4 chuyến bay với sức chứa hành khách giới hạn ở mức 40%. Các hạn chế của phía Trung Quốc đã được thực hiện vào ngày 11/8 và 4 chuyến bay San Francisco -Thượng Hải của United Airlines chỉ có thể vận chuyển 40% công suất. Chính quyền Biden đã áp dụng các hạn chế tương tự vào ngày 18/8 đối với phía Trung Quốc.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ tuyên bố rằng các biện pháp “ngắt mạch” do ĐCSTQ thực hiện đã vi phạm thỏa thuận dịch vụ hàng không giữa hai nước và khiến các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm không chính đáng đối với những hành khách được chẩn đoán sau khi đến Trung Quốc. Ngoài ra, các hãng hàng không không thể xác minh một cách độc lập các kết quả xét nghiệm dương tính mà ĐCSTQ cáo buộc, cũng như không thể xác định vị trí hoặc thời điểm hành khách có thể bị nhiễm bệnh.
ĐCSTQ thực hiện các biện pháp “ngắt mạch”, người dân Trung Quốc là nạn nhân
Về vấn đề này, ông Qua Bích Đông (Ge Bidong), một học giả độc lập ở Mỹ và là tác giả chuyên mục bình luận thời sự, đã phân tích với Epoch Times rằng các biện pháp “ngắt mạch” do ĐCSTQ thực hiện đã bị Mỹ phản kích lại ở mức độ ngang hàng. Thực ra, đây chính là trạng thái bình thường hóa trong đối đầu Trung – Mỹ, và vươn đến đối đầu xung đột trong lĩnh vực hàng không. Trong tương lai, loại xung đột như thế này sẽ xuất hiện trên mọi lĩnh vực và mọi phương hướng.
Ông nói rằng các biện pháp “ngắt mạch” mà ĐCSTQ thực hiện với danh nghĩa phòng chống dịch bệnh, bề ngoài là ngăn chặn việc nhập khẩu virus từ nước ngoài, nhưng thực chất là tiếp tục đổ lỗi nguồn gốc virus cho Mỹ. Bởi vì cái gọi là những người được xác nhận từ chuyến bay mà phía Trung Quốc đưa ra đều là thông tin mà họ đơn phương công bố.
Ông Qua Bích Đông nói rằng ĐCSTQ không cung cấp bất kỳ thông tin nào để có thể truy ngược nguồn gốc virus, nhưng họ lại nói rằng virus do Mỹ mang đến, là do American Airlines mang đến. Sau đó, thông qua việc hạn chế các chuyến bay để tuyên truyền rằng virus có nguồn gốc từ Mỹ, trên thực tế, Trung Quốc mới là nơi bắt nguồn của dịch bệnh.
Ông chỉ ra rằng sau khi virus bùng phát, thành phố Vũ Hán đã bị đóng cửa. ĐCSTQ cũng đã áp dụng một số biện pháp “ngắt mạch”. Hiện nay tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đã chững lại, trong khi cộng đồng quốc tế đang tiến hành một cuộc điều tra quan trọng để truy tìm nguồn gốc virus thì ĐCSTQ chơi cái gọi là “ngắt mạch” các chuyến bay.
Ông Qua Bích Đông nói rằng động tác đối kháng và gây xung đột một cách ác ý của ĐCSTQ đương nhiên sẽ dẫn đến việc Mỹ phản kích lại. Thực tế nạn nhân vẫn là hành khách đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc, nạn nhân lớn nhất có thể vẫn là những người đến từ Trung Quốc.
ĐCSTQ thực thi biện pháp “ngắt mạch” để ngăn cản du học sinh ra nước ngoài
Trương Kiện (Zhang Jian), một chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ cho rằng “các biện pháp ngắt mạch do ĐCSTQ đề xuất không phải để phòng chống dịch bệnh, mà là mượn phòng chống dịch để nâng cao chi phí ra nước ngoài đối với du học sinh và những người ra nước ngoài khác.”
Ông Trương Kiện nói rằng từ khi virus Trung Cộng (virus corona mới, COVID-19) bùng phát cho đến nay, số ca lây nhiễm và tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ coi là bí mật quốc gia. Không ai biết chắc tình hình thực tế, và ĐCSTQ tuyên bố rằng họ đã đạt được thành tích tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh. Dưới sự tuyên truyền như thế, ĐCSTQ mượn cớ dịch bệnh bùng phát để tiến hành các loại diễn tập kiểm soát dịch bệnh toàn diện, “Bình thường không có cơ hội lớn như thế này, nhưng hiện tại lấy dịch bệnh làm cái cớ thì ĐCSTQ hoàn toàn có thể làm được.”
Nhưng một khi Lãnh sự quán Mỹ mở cửa cho người Trung Quốc, sinh viên đến Mỹ sẽ xếp hàng dài, sinh viên Trung Quốc “bỏ phiếu bằng chân”, mong muốn được đến một đất nước tự do. Đây là điều mà ĐCSTQ rất sợ.
“Vì vậy, các biện pháp ‘ngắt mạch’ do ĐCSTQ đưa ra chỉ là kết quả của việc kiểm soát chặt chẽ hơn trong nước, giữ những nhân tài xuất sắc của mình ở trong nước và ngăn chặn ngoại hối chảy ra nước ngoài.” Ông Trương Kiện nói, ĐCSTQ mượn cớ phòng dịch để làm cái gọi là ‘ngắt mạch’ này, làm tăng chi phí đi nước ngoài của người Trung Quốc cộng với việc hải quan gây khó khăn, cách làm của họ đều là muốn giam cầm tất cả những nhân tài hữu ích dưới sự cai trị của họ.
Ông Trương Kiện cho rằng “ĐCSTQ đã đánh giá rất sai lầm đối với du học sinh, từ dịch bệnh đến hiện nay, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà họ thực thi, cho rằng mình đã có cách giam cầm hữu hiệu về tinh thần và thân thể đối với người dân. Nhưng người dân rất thực tế, một khi có cơ hội thì sẽ dốc hết sức để lựa chọn từ bỏ sự thống trị của ĐCSTQ.”
“ĐCSTQ thậm chí đã hủy bỏ quyền xin hộ chiếu của người dân bình thường, họ chính là muốn bế quan tỏa cảng. Người Trung Quốc hiểu rằng khi cánh cửa sắp bị đóng lại, họ sẽ cố gắng hết sức để nhanh chóng trốn thoát.”
Mỹ – Trung đã triển khai nhiều cuộc đối đầu về dịch vụ hàng không
Trên thực tế, kể từ khi virus Trung Cộng bùng phát, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc đối đầu về dịch vụ hàng không.
Ngày 31/1/2020, Tổng thống Trump khi đó đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người không phải là công dân Mỹ đã đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Do đó, American Airlines đã chủ động ngừng tuyến bay Trung Quốc. Tháng Sáu cùng năm, do sự hạn chế của Trung Quốc, American Airlines không thể nối lại các chuyến bay đến nước này, Mỹ ngay lập tức phản đối ĐCSTQ và cấm các chuyến bay dân dụng của Trung Quốc vào Mỹ.
Khi đó, Bắc Kinh nhanh chóng nới lỏng các hạn chế bay đối với các hãng hàng không nước ngoài. Mỹ cũng ngay lập tức nới lỏng các hạn chế, cho phép các hãng hàng không Trung Quốc bay 2 lần/tuần đến và đi từ Mỹ. Thỏa thuận hàng không dài hạn Trung – Mỹ cho phép hai nước khai thác hơn 100 chuyến bay mỗi tuần, nhưng hiện chỉ một phần nhỏ trong số đó đã hoạt động trở lại.
Chính phủ Mỹ áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại và nhập cảnh của người Trung Quốc cho đến nay. Chính quyền Biden đã nới lỏng các hạn chế đối với du học sinh Trung Quốc đến Mỹ vào tháng Tư và có hiệu lực vào ngày 1/8. Gần đây, sảnh khởi hành của sân bay Thượng Hải xuất hiện cảnh tượng xếp hàng dài, hơn nữa giá vé máy bay tăng cao, thậm chí có thể lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.381 USD).
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa United Airlines hàng không Trung Quốc Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Hàng không Hoa Kỳ