Giáo hoàng Francis kêu gọi “hưu chiến trong lễ Phục Sinh và đàm phán thực sự” tại Ukraine
- Lý Cao
- •
Giáo hoàng Francis đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine vào ngày đầu tiên của tuần lễ Phục sinh.
Khi số dân thường Ukraine tử vong trong chiến tranh ngày càng gia tăng, trong thời gian Vatican tổ chức Chúa nhật Lễ Lá Phục sinh, Giáo hoàng đã kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Người đứng đầu Vatican nói: “Hãy để hưu chiến trong lễ Phục sinh bắt đầu.”
“Nhưng đây không phải là tái vũ trang và tiếp tục chiến đấu, mà là đạt được hòa bình thông qua đàm phán thực sự, và có một vài hy sinh vì lợi ích của người dân.”
“Không có gì là không thể đối với Chúa”, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh trong bài phát biểu trước hàng chục ngàn người tại Quảng trường Thánh Peter ở thành phố Vatican hôm Chủ nhật (ngày 10/4).
“Người thậm chí có thể kết thúc một cuộc chiến tranh không có kết cục, một cuộc chiến tàn sát dã man và tàn bạo cùng cực xảy ra mỗi ngày trước mắt chúng ta và đối với những người dân thường không có khả năng tự vệ.”
Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo hoàng Francis đã đề cập đến sự tàn bạo của vụ thảm sát Bucha và vụ thảm sát tại nhà ga Kramatorsk ở Ukraine.
Thị trấn Bucha nằm ở ngoại ô Kyiv, thủ đô của Ukraine. Cùng với việc quân đội Nga xâm lược và rút lui khỏi khu vực này, tại một thị trấn nhỏ trước đó bị quân Nga chiếm đóng, hình ảnh một số lượng lớn người dân thường Ukraine thương vong đã được phơi bày. Có tới 410 thi thể của người dân được chôn trong các hố chôn tập thể, nhét vào cống rãnh hoặc nằm rải rác trên các con đường của thị trấn bị tàn phá. Có bằng chứng cho thấy nhiều người đã bị tra tấn, hãm hiếp… trước khi bị giết.
Sáng thứ Sáu (8/4), ga đường sắt trung tâm ở thành phố Kramatorsk, thuộc vùng Donbas, miền đông Ukraine, đã bị tấn công bằng bom. Khi hai quả tên lửa rơi vào nhà ga, khoảng 4.000 người dân thường Ukraine đang tập trung ở đó để chờ được sơ tán. Vụ tấn công khiến ít nhất 52 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương. Mặc dù phía Nga phủ nhận, nhưng phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Trước đó, ngày 6/4, Giáo hoàng đã lên án sự kiện ở Bucha trước công chúng, tuyên bố các vụ giết người hàng loạt là một “hành động tàn bạo mới” và hôn lên một lá cờ Ukraine đã phai màu.
Trong thời gian diễn ra buổi lễ, đám đông bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. Theo Reuters, một số người tham dự đã đặt lá cờ Ukraine trên ngọn cành ô liu.
Mặc dù Đức Giáo hoàng Francis lên án toàn bộ cuộc chiến, từ khi Nga tiến hành xâm lược nước láng giềng với cái gọi là “hành động quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2 đến nay, Đức Giáo hoàng vẫn luôn kín đáo chỉ trích Moscow, lên án mạnh mẽ “hành vi tàn bạo” của cái mà Ngài gọi là “hành động xâm lược phi lý”, nhưng không trực tiếp nhắc tên nước Nga trong bất kỳ tuyên bố nào đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine.
Ngoại lệ duy nhất là một buổi cầu nguyện toàn cầu tại Thành phố Vatican vào ngày 25/3, nơi ngài thỉnh cầu Đức mẹ Maria bảo vệ toàn thể nhân loại, “đặc biệt là Nga và Ukraine”.
Đức Giáo hoàng Francis không phải là nhà lãnh đạo tôn giáo duy nhất tìm kiếm một lệnh ngừng bắn trong tuần lễ Phục sinh. Hôm 31/3, mục sư Franklin Graham đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để kêu gọi ngừng bắn trong Tuần Thánh.
Ông Franklin Graham là con trai cả của nhà truyền giáo Cơ đốc nổi tiếng quá cố Billy Graham. Mặc dù ông Franklin Graham không mong đợi ông Putin sẽ trả lời, nhưng cho biết ông tin rằng việc gửi đi thông điệp là cần thiết.
Từ khóa Vatican Lễ Phục Sinh Đức Giáo hoàng Giáo hoàng Francis Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine thảm sát ở Bucha