Chuyến thăm Trung Quốc theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 2 đã bị hoãn lại cho đến ngày 18/6, điều này cho thấy liên lạc ngoại giao Trung-Mỹ đang gặp khó khăn nghiêm trọng, hai bên khó ngồi với nhau. Chuyến đi của ông Blinken tới Bắc Kinh không phải để tìm kiếm sự phục hồi trong quan hệ Mỹ – Trung, mà chỉ để ngăn hai bên trở mặt hoàn toàn và dẫn đến xung đột. ĐCSTQ càng sợ xung đột, những người lãnh đạo ĐCSTQ đã nhiều lần làm xáo trộn quan hệ Trung – Mỹ, giờ họ cần tuyên truyền nội bộ và trốn tránh trách nhiệm.

Blinken Tan Cuong
Ngoại trưởng Mỹ Blinken gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh hôm 18/6. (Nguồn: Twitter Ngoại trưởng Blinken)

Hành trình của Blinken không thể trì hoãn được nữa

Vào tháng 2 năm nay, chuyến thăm Trung Quốc của Blinken đã được xác định, nhưng khinh khí cầu ĐCSTQ đột nhiên xuất hiện trên không phận Mỹ, ĐCSTQ nói dối rằng đó là “khí cầu dân sự” mất kiểm soát, không chịu xin lỗi và không cam kết đảm bảo rằng những vụ việc tương tự sẽ không xảy ra. Nhà Trắng đã hoãn chuyến thăm dự kiến ​​của ông Blinken tới Bắc Kinh vào phút chót.

Vào ngày 18/2, ông Blinken và ông Vương nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại của ĐCSTQ, đã gặp nhau trong Hội nghị An ninh Munich. ĐCSTQ không những từ chối xin lỗi về sự cố khinh khí cầu mà còn phản công lại, và thế giới bên ngoài coi đó là một điểm thấp mới trong quan hệ Trung – Mỹ.

Vào tháng 11/2022, ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia và xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken vào đầu năm nay, tuy nhiên hành trình đã xác định vào tháng 2/2023 bị trì hoãn đến tháng 6. Vào tháng 3, trước chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Moscow, ông Biden đã cố gắng nói chuyện với ông Tập Cận Bình nhưng không thành công, và cuộc đối thoại cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị cản trở nghiêm trọng.

Từ ngày 10 đến ngày 11/5, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại của ĐCSTQ Vương Nghị, đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Áo, được coi là một cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong 6 tháng kể từ cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình, quan hệ Trung – Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023 sẽ được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 9, ông Biden và ông Tập có thể vẫn có cơ hội mặt đối mặt. Nếu chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken tiếp tục bị hoãn lại và các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ không thăm nhau, thì mỗi năm sẽ chỉ có thể đợi cuộc gặp của nguyên thủ quốc gia ở một nước thứ 3. Đây có lẽ là một trong những mối quan hệ ngoại giao lạnh nhạt nhất giữa các cường quốc trên thế giới, thậm chí còn lạnh nhạt hơn cả mối quan hệ của Nga với Mỹ và các nước phương Tây.

NATO đang hoàn toàn ủng hộ cuộc phản công của Ukraine trước cuộc xâm lược của quân đội Nga, nên quan hệ đương nhiên sẽ lạnh nhạt. Để tránh xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken không thể trì hoãn được nữa.

Nhà Trắng không trông chờ vào việc ĐCSTQ nhận thua

Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Mỹ Biden đã đề xuất chiến lược “cạnh tranh” với ĐCSTQ, đồng thời nhiều lần nhấn mạnh đây không phải là “chiến tranh lạnh mới” và hy vọng ngăn chặn “xung đột” giữa Trung Quốc và Mỹ dưới hình thức “cạnh tranh gay gắt”. 

Chiến lược “cạnh tranh” của Nhà Trắng một mặt nỗ lực nâng cao ưu thế của chính mình, mặt khác thực hiện sách lược ‘rút củi đáy nồi’ đối với ĐCSTQ, bao gồm liên kết với nhiều đồng minh và đối tác, áp đặt phong tỏa công nghệ đối với ĐCSTQ, thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu bỏ qua ĐCSTQ, đồng thời loại trừ ĐCSTQ khỏi các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các vấn đề quốc tế lớn khác.

Để ngăn ĐCSTQ khơi mào xung đột, Mỹ và các đồng minh tiếp tục tăng cường răn đe quân sự ở Tây Thái Bình Dương, để đe dọa và ngăn ĐCSTQ hành động liều lĩnh. ĐCSTQ nhanh chóng rơi vào thế bất lợi trong cuộc “cạnh tranh” kiểu Mỹ, chỉ có thể thỉnh thoảng lên tiếng gay gắt, nhưng nỗ lực thu phục một số nước để thành lập liên minh chống Mỹ liên tục thất bại. ĐCSTQ biết rằng con bài Đài Loan không thể chơi liên tục, nếu không sẽ càng phản tác dụng nên đã diễn bài đánh chặn máy bay quân sự Mỹ một cách nguy hiểm, cố tình tạo ra nguy cơ xung đột và tung ra một con bài đối kháng với Nhà Trắng.

Những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm làm suy yếu ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn và hiệu quả cuối cùng vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. Chuỗi cung ứng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, lượng hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu ngày càng giảm, ĐCSTQ ngày càng khó có được những công nghệ, thiết bị và sản phẩm cao cấp như chip, kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, những người lãnh đạo của ĐCSTQ vẫn cố gắng gượng và tiếp tục hô hào “nội tuần toàn”, ĐCSTQ vẫn đang chi những khoản tiền khổng lồ để phóng tàu vũ trụ và vệ tinh lên bầu trời, vẫn đang đóng tàu sân bay, tăng kho tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã đắc cử ba nhiệm kỳ liên tiếp không thể thừa nhận thất bại vào lúc này, nếu không uy quyền cá nhân của ông ta sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Nhà Trắng không mong đợi ĐCSTQ nhận thất bại ngay bây giờ, ông Biden đã lên kế hoạch thời gian biểu 10 năm cho cuộc “cạnh tranh” giữa Trung Quốc và Mỹ. Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đang tự mình làm rối mình, điều này thực sự đã đẩy nhanh thế bất lợi trong “cuộc cạnh tranh”, nhưng Nhà Trắng hiện không có ý nhất quyết hơn thua, và Mỹ vẫn muốn giải quyết Nga trước.

Vào ngày 14/6, ông Dan Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã thông báo về chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc và nói: “Đây không phải là một chuyến thăm mà tôi dự đoán sẽ tạo ra một danh sách dài các kết quả có thể thực hiện được”; “Ít nhất chúng tôi sẽ giảm nguy cơ phán đoán sai lầm, qua đó chúng ta sẽ không vướng vào xung đột tiềm ẩn”; “Chúng tôi không đến Bắc Kinh để có một bước đột phá nào đó hoặc thay đổi trong phương thức chúng ta chung sống [hòa thuận] với nhau.”

ĐCSTQ không mong đợi Chính phủ Mỹ thay đổi

Hai ngày trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công bố chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken, vào ngày 12/6, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 43 thực thể liên quan đến phát triển quân sự của ĐCSTQ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Vào ngày 14/6, ông Blinken đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương và thảo luận về “tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc thông suốt” để quản lý một cách có trách nhiệm quan hệ Mỹ – Trung Quốc, “tránh phán đoán sai lầm và xung đột”.

Ông Tần Cương tiếp tục vạch ra “lằn ranh đỏ” về vấn đề Đài Loan; ông cũng nói rằng Mỹ nên “ngừng phá hoại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới danh nghĩa cạnh tranh”. Ông Tần Cương một lần nữa cố tình bào chữa trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ rằng: “Kể từ năm nay, quan hệ Trung – Mỹ gặp phải những khó khăn và thách thức mới, trách nhiệm đã rõ ràng”.

Vào ngày 16/6, ông Tập Cận Bình gặp tỷ phú người Mỹ Bill Gates tại Bắc Kinh, bản tin của Tân Hoa Xã phần lớn là sáo rỗng. Nhưng bản tin cho biết ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc “sẽ không bao giờ đi theo con đường cũ của một nước mạnh tìm kiếm bá quyền”. Đây có lẽ là một cử chỉ của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken.

Điều tương đối hiếm thấy là, ngoài việc rập khuôn theo bản tin của Tân Hoa Xã, trang Mạng quân sự Trung Quốc còn đăng một báo cáo khác, có tiêu đề “Tập Cận Bình gặp Bill Gates: Nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ nằm ở người dân, và tôi đặt hy vọng vào người dân Mỹ”. Theo bài báo, ông Tập Cận Bình nói với ông Bill Gates, “Tôi luôn tin rằng nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ nằm ở người dân. Tôi đặt hy vọng vào người dân Mỹ.”

Câu này là một câu nói sáo rỗng của ĐCSTQ, nhưng nó được nhấn mạnh và đưa tin riêng, nhìn bề ngoài vẫn có vẻ ám chỉ rằng sai lầm là ở Chính phủ Mỹ; thực tế thì giống như thể hiện rằng những người lãnh đạo của ĐCSTQ đã không còn hy vọng rằng Chính phủ Mỹ hay giới chính trị Mỹ thay đổi chiến lược “cạnh tranh” hiện nay, mà chỉ có thể dựa vào một số doanh nhân Mỹ. Trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken, phát biểu của nhà lãnh đạo ĐCSTQ tiết lộ rằng họ không có nhiều hy vọng cho cuộc gặp sắp tới.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào ngày 16/6, người phát ngôn Uông Văn Bân đã cáu gắt nói những lời sáo rỗng, nhấn mạnh rằng “Cánh cửa đối thoại và liên lạc của Trung Quốc đang mở, và liên lạc giữa hai nước không có bị gián đoạn”; nhưng ông cũng kêu gọi Mỹ “ngừng kiềm chế và chèn ép Trung Quốc”. Ông cũng nhắc lại khi trả lời về cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Bill Gates, ông Tập Cận Bình đã nói: “Nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ nằm ở người dân, và chúng tôi luôn đặt hy vọng vào người dân Mỹ”.

Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ biết rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không tốt hơn, nhưng khi ông Blinken đến thăm Trung Quốc, thì họ luôn phải thể hiện một cử chỉ nhỏ; nhưng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ không muốn nhận thua, càng không muốn thừa nhận sai, điều họ quan tâm nhất là làm thế nào để đẩy trách nhiệm cho Mỹ, chứ không phải là làm thế nào để để xoa dịu quan hệ Trung – Mỹ. Chuyến đi của ông Blinken tới Trung Quốc sẽ mang lại ít kết quả thực sự, Nhà Trắng muốn tránh xung đột, trong khi ĐCSTQ cần tuyên truyền nội bộ.

Nhà Trắng phải ổn định ĐCSTQ trước rồi mới tiếp tục bố trí chiến lược

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan nói thẳng thừng rằng, “Chuyến đi của Bộ trưởng Blinken tới Trung Quốc sẽ là một sự kiện lớn, nhưng về chính sách ngoại giao của Mỹ mà nói thì nó thậm chí không phải là sự kiện quan trọng nhất trong tuần tới.” Ông Sullivan nói rằng một trong những mục tiêu chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken là khống chế sự leo thang của tình hình để đảm bảo rằng [hai bên] sẽ không “rơi vào xung đột”, “cạnh tranh kịch liệt thì cần ngoại giao tích cực”.

Ông Sullivan vừa gặp gỡ những người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines tại Nhật Bản, sau đó đến New Delhi, Ấn Độ. Điều Nhà Trắng cần quan tâm hơn có lẽ là chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thủ tướng Nhật Bản, tổng thống Hàn Quốc và tổng thống Philippines lần lượt được mời đến Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng được mời đến Nhà Trắng vào năm ngoái. Liên minh quân sự AUKUS giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc đang tăng tốc thúc đẩy Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã bắt đầu tuần tra ở Biển Đông. Mỹ gần đây cũng đã ký một thỏa thuận quân sự với Papua New Guinea. Trong bố cục chi tiết của Mỹ nhắm vào  ĐCSTQ giờ đến lượt Ấn Độ, hai bên nhất định tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và quân sự, ĐCSTQ nhận thấy những gì đằng sau chiến tuyến mà Mỹ bày bố này ngày càng thực chất.

Khi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ gần đây nhấn mạnh đến an ninh, họ đột nhiên đề cập đến “tình huống cực đoan”“tư duy cực đoan”, bộc lộ mối lo ngại lớn về sự bất ổn của chính quyền. Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ lo lắng rằng sẽ có một cuộc đảo chính hoặc nổi dậy trong nội bộ, và họ cũng lo lắng rằng nếu xung đột với Mỹ sẽ không thể đảo ngược sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền ĐCSTQ nhanh hơn.

Mục đích chính của chuyến đi của ông Blinken là để ổn định các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ và tránh hai bên trở mặt hoàn toàn và phán đoán sai tình hình. Đồng thời, Mỹ sẽ một lần nữa cảnh báo ĐCSTQ không được công khai và trực tiếp cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Nga.

Ukraine đã bắt đầu phản công, Mỹ và các nước NATO đang chuẩn bị viện trợ quân sự lâu dài cho Ukraine để đánh bại hoàn toàn Nga, do đó lúc này Mỹ có lẽ đang gắng hết sức để đảm bảo rằng ĐCSTQ chỉ đứng nhìn không có hành động gì. Mỹ có lẽ biết rằng ĐCSTQ đã giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt, bí mật cung cấp các linh kiện vũ khí và chuyển chúng qua các nước thứ ba; nhưng chừng nào ĐCSTQ không dám công khai cung cấp vũ khí trên quy mô lớn, thì quân đội Nga sẽ khó có thể duy trì cuộc chiến.

Ông Blinken có lẽ sẽ một lần nữa nhấn mạnh hậu quả của việc ĐCSTQ viện trợ quân sự cho Nga, đồng thời cố gắng đạp phanh một chút khi mối quan hệ Trung – Mỹ đang xuống dốc. Phân tích của FBI về khinh khí cầu của ĐCSTQ lẽ ra đã có kết quả, nhưng Nhà Trắng lại giữ kín, đồng thời cũng không đề cập đến việc truy tìm nguồn gốc của virus corona mới. Cả hai điều này đều có thể được đặt lên bàn cân nếu các nhà lãnh đạo ĐCSTQ có ý định giở trò lưu manh.

Nhà lãnh đạo của ĐCSTQ có lẽ sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan, tiếp tục kích động chủ nghĩa dân tộc để che giấu những sai lầm thường xuyên của họ, có lẽ có thể giả vờ tỏ ra hòa hoãn, nhưng họ không bao giờ thừa nhận sai lầm hoặc nhận thua.

Nhà Trắng sẽ không quá quan tâm đến tuyên truyền của ĐCSTQ, chỉ cần ổn định được các lãnh đạo của ĐCSTQ và khiến họ không mất lý trí thì coi như đã đạt được mục đích, sau đó tiếp tục “cạnh tranh kịch liệt” với ĐCSTQ theo cách mà Mỹ đã thiết lập. Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, Nhà Trắng có thể đang lên kế hoạch khiến ĐCSTQ thảm bại một lần nữa.

Dương Uy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)