Hôm thứ Tư (4/5), Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, khoảng 193 triệu người trên thế giới phải chịu cảnh thiếu ăn do chiến tranh, biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế.

shutterstock 1551878537
(Ảnh minh họa: Lucian Coman/ Shutterstock)

Chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine gây vấn đề mùa màng thất thu làm tình hình thêm ảm đạm, báo cáo thường niên của FAO cho biết, vào năm ngoái có thêm 40 triệu người trên thế giới rơi vào trạng thái “mất an ninh lương thực”.

Trong số 53 nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề này thì bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Yemen và Afghanistan. Hồi năm ngoái sau khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan thì nước này rơi vào khủng hoảng tài chính khiến người dân chìm trong đói nghèo.

LHQ định nghĩa “tình trạng mất an toàn lương thực” là tình trạng một người không thể chi tiêu thỏa đáng về lương thực khiến mạng sống hoặc sinh kế của họ đang cấp bách nguy hiểm.

Báo cáo của FAO cho biết: “Đói ăn có khả năng biến thành thảm họa chết người hàng loạt”.

Nạn đói trên thế giới tiếp tục gia tăng kể từ khi báo cáo chung đầu tiên của FAO, Chương trình lương thực thế giới của LHQ và Liên minh châu Âu được công bố vào năm 2016.

Theo FAO, tình trạng gia tăng nạn nhân thiếu lương thực trên thế giới vào năm 2021 là do 3 nguyên nhân chính: xung đột, khí hậu cực đoan và khủng hoảng suy thoái kinh tế.

Tuy báo cáo không tính đến cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng FAO lưu ý rằng cuộc chiến này sẽ có tác động tàn khốc đối với các nước đang trong nguy cơ an ninh lương thực.

Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn, xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp bao gồm lúa mì, dầu thực vật và phân bón. FAO trước đó cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong tháng Ba.

“Cuộc chiến đã làm nổi bật phụ thuộc và sự mong manh của hệ thống lương thực toàn cầu”, theo báo cáo của FAO.

Báo cáo lưu ý rằng một số nước bị cuộc khủng hoảng lương thực là nước đã nhập khẩu gần như hoàn toàn lúa mì từ Nga và Ukraine. Các nước này bao gồm Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Madagascar.

FAO chỉ ra trong báo cáo: “Triển vọng thực sự ảm đạm”; “Ngày nay, nếu không có nhiều nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các cộng đồng nông dân, các thảm họa quy mô lớn hơn về nạn đói và sinh kế sẽ còn bi thảm hơn”; “Để ngăn chặn thực trạng này, cần phải có hành động nhân đạo lớn và khẩn cấp”.

Theo FAO, xung đột và mất an toàn vào năm 2021 đã dẫn đến nguy cơ nạn đói nghiêm trọng ở 24 nước, ảnh hưởng đến 139 triệu người; còn “cú sốc” kinh tế trầm trọng hơn do dịch bệnh COVID-19 đã tác động thiếu lương thực đối với 30,2 triệu người ở 21 nước; thời tiết khắc nghiệt đã khiến 23,5 triệu người ở 8 nước châu Phi bị mất an toàn lương thực.

Theo đó, FAO nêu vấn đề cần tài trợ 1,5 tỷ đô la Mỹ để giúp ổn định và tăng sản lượng lương thực ở các khu vực có nguy cơ khi mùa gieo trồng bắt đầu. FAO đã tổ chức cuộc họp vào thứ Tư (4/5) để thảo luận về vấn đề nguy cơ lương thực ngày càng trầm trọng này.

Theo VOA