FT: Bắc Kinh nỗ lực tiếp cận nhóm Trump nhưng bất thành
- Dương Thiên Tư
- •
Tờ Financial Times (Anh) hôm 28/8 dẫn nguồn tin cho hay, Bắc Kinh đã nhiều lần liên hệ với nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump, nhưng đều không thành công. Vấn đề này làm nổi bật quan điểm diều hâu của Washington và những lo ngại về hoạt động gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Financial Times: Nỗ lực của Bắc Kinh tiếp cận nhóm Trump đã thất bại
Tờ Financial Times dẫn lời 8 người Mỹ và Trung Quốc quen thuộc với vấn đề này cho biết, Bắc Kinh đã nhiều lần thiết lập liên lạc với nhóm vận động tranh cử của ông Trump, thậm chí còn cử cựu Đại sứ tại Mỹ Thôi Thiên Khải, nhưng không cuộc liên hệ nào thành công.
Nhiều quan chức và học giả trao đổi của Trung Quốc đến Mỹ được coi là người đại diện cho Bắc Kinh, đã phải vật lộn để có được các cuộc gặp với các nhà lập pháp Mỹ và hiện phải đối mặt với những trở ngại tương tự đối với các cuộc gặp với đội ngũ của Trump.
Dennis Wilder, cựu nhà phân tích của CIA về Trung Quốc, cho biết ĐCSTQ có thể chỉ đơn giản hy vọng thu thập thông tin tình báo hơn là tìm kiếm các cuộc thảo luận thực sự.
Mặc dù ông Thôi Thiên Khải được coi là một nhà ngoại giao hợp pháp, nhưng ông hiện đang giữ chức cố vấn cho Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc. Ông Wilder cho biết, viện này “tuy không phải cơ quan chính thức để thu thập thông tin tình báo, nhưng thường được sử dụng để tiếp cận du khách quốc tế”.
Chủ tịch Sáng kiến Chính sách Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ (America First Policy Institute), ông Steve Yates nói với Financial Times rằng việc quan chức Trung Quốc gặp nhóm Trump “không có ý nghĩa gì”. Quan điểm của ông Trump về Trung Quốc đã được nhiều người biết đến, vấn đề rủi ro bị “hiểu sai”, đội ngũ vận động tranh cử của cựu tổng thống hiện đang tập trung vào việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Người đại diện cho chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Cheney (Dick Cheney), ông Steve Yates cho biết: “Kỷ luật của các thành viên và người đại diện trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cao hơn nhiều so với năm 2016”.
Xu thế chung ngày càng cứng rắn hơn với ĐCSTQ
Trong bối cảnh lưỡng đảng của Washington ngày càng trở nên cứng rắn với ĐCSTQ, việc Bắc Kinh tiếp cận nhóm Trump cũng khó khăn hơn. Bắc Kinh cũng nhận ra dù ai thắng cử thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc khó có thể bớt cứng rắn hơn.
Truyền thông nước ngoài dẫn nguồn tin cho biết, một số cố vấn của ông Trump lo ngại cuộc gặp với các quan chức ĐCSTQ có thể ảnh hưởng đến vị trí tương lai của họ trong chính phủ. Thông tin cũng đề cập rằng sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế Tổng thống Biden làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, các nhà ngoại giao của Washington đang bận rộn thiết lập liên lạc với nhóm của bà Harris, nhưng vẫn chưa rõ bà Harris sẽ chọn ai để tư vấn về chính sách châu Á. Nhóm vận động tranh cử của bà không bình luận về thông tin này.
Nhiều nước cũng được cho là đang cố gắng thiết lập quan hệ với các cố vấn của ông Trump để tránh lặp lại sai lầm của năm 2016, khi đó vì không lường trước được cơ hội thắng cử của ông nên bỏ lỡ cơ hội xây dựng mối quan hệ với họ.
Các cố vấn của ông Trump cũng tránh lặp lại những vấn đề như năm 2016. Các cuộc gặp của chiến dịch Trump với các quan chức Nga trước lễ nhậm chức năm 2016, bao gồm cả giữa đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak và cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ là Michael Flynn, đã làm dấy lên tranh cãi về cuộc điều tra Nga kéo dài nhiều năm.
Victoria Coates, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump và hiện đang làm việc tại tổ chức tư vấn Heritage Foundation ở Washington, cho biết ngay cả cuộc gặp gỡ định kỳ giữa đội ngũ chuyển giao quyền lực của năm 2016 và các nhà ngoại giao Nga, đã có những động thái “lợi dụng vấn đề này để giăng bẫy”. Bà chỉ ra các quan chức tiềm năng tương lai có thể nắm giữ các vị trí trong chính quyền Trump nếu Trump thắng cử sẽ cảnh giác khi gặp các nước thù địch như Trung Quốc, để tránh các cuộc đàm phán bị thao túng hoặc hiểu sai thành gợi ý thông đồng với kẻ thù.
Bà Victoria Coates nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức tiềm năng của chính quyền Trump, những người có thể nắm giữ các vị trí trong tương lai, sẽ cảnh giác khi tổ chức các cuộc gặp với người của các nước đối địch như Trung Quốc, vì những cuộc gặp này có thể thành cái cớ cáo buộc thông đồng với kẻ thù”.
Nếu Trump đắc cử, có thể áp thuế 60% lên hàng Trung Quốc
Nếu ông Trump đắc cử, ông có kế hoạch áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tờ Washington Post vào tháng 1 năm nay trích dẫn 3 người quen thuộc với vấn đề này, đưa tin rằng Trump đã thảo luận riêng với các cố vấn về khả năng áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu ông tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh việc tăng thêm thuế nhập khẩu đó có thể thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa ở Mỹ và gây quỹ cho chính phủ liên bang, đồng thời cho rằng thuế quan thời gian ông nắm quyền đã mang lại hàng tỷ đô la cho kho bạc Mỹ. Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, ông nói: “Tôi đã đứng lên chống lại ĐCSTQ – điều mà chưa chính quyền tiền nhiệm nào làm được, đã đưa hàng trăm tỷ đô la vào Bộ Tài chính của chúng ta; chưa có tổng thống nào khác lấy được tiền như vậy từ Trung Quốc, thậm chí không có được dù chỉ 10 xu”.
Được biết, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, chiếm 11,7% tổng ngoại thương của Mỹ. Phân tích cho thấy nếu quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Trung Quốc với Mỹ bị hủy bỏ, Chính phủ liên bang Mỹ có thể áp mức thuế hơn 40% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Giới chuyên gia kinh tế từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ phổ biến cho rằng nếu các biện pháp trên được thực hiện, tác động sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động chống lại Trung Quốc vào năm 2018.
Ông Trump đã tweet vào tháng 12/2018 tự gọi mình là “Người đàn ông thuế quan” (Tariff Man), để thể hiện sức mạnh của chính sách đối ngoại dân túy, lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc về thương mại và hình ảnh “Nước Mỹ trên hết” của ông.
Chiến tranh thương mại Trung Quốc-Mỹ (China–United States trade war) hiện đang diễn ra được phát động kể từ năm 2018 thời Trump. Lúc bấy giờ ông Trump làm Tổng thống Mỹ đã ký bản ghi nhớ vào ngày 22/3/2018, ông tuyên bố rằng “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ”, và yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ (ước tính tổng số hàng hóa liên quan là 60 tỷ USD), ngoài ra còn thiết lập các rào cản thương mại khác nhằm buộc Trung Quốc phải thay đổi “các tập quán thương mại không công bằng”, đã dẫn đến việc Mỹ gia tăng thâm hụt thương mại và buộc phải chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Từ khóa Donald Trump mối quan hệ Mỹ - Trung bầu cử tổng thống Mỹ 2024 Bầu cử Mỹ 2024