Georgia bỏ dự luật “đặc vụ nước ngoài” vì biểu tình bạo động 2 ngày liên tiếp
- Nhật Tân
- •
Đảng đa số của Quốc hội Georgia đã từ bỏ việc theo đuổi dự luật mà tạm gọi là “đặc vụ nước ngoài” do 2 ngày liên tục có biểu tình bạo động lớn của hàng ngàn người ở thủ đô Tbilisi, The Guardian và nhiều báo khác cùng đưa tin 9/3.
Ít nhất một cửa sổ trong tòa nhà quốc hội bị vỡ và một xe cảnh sát bị lật. Các công trình công cộng bị những người bạo động đập phá. Xe ô-tô bị đốt phá, và ánh lửa rực sáng trong đêm có thể thấy ở video. Có những người bạo động che mặt, mặc đồ sẵn sàng cho bạo động, và sử dụng bom tự chế molotov cũng như pháo hoa. Có những người khoác cờ Ukraine.
Cảnh sát võ trang đã sử dụng hơi cay, lựu đạn gây choáng, và vòi rồng để giải tán đám đông. Cảnh sát cho hay, 77 người đã bị bắt trong cuộc biểu tình hôm Thứ Ba.
Hôm sau những người bạo động đã bao vây tòa nhà quốc hội và đòi thả những người bị bắt cùng với xóa bỏ dự luật.
Chính quyền đã kêu gọi nhiều lần những người biểu tình hãy tuân thủ luật pháp và hành xử “một cách hòa bình bất bạo động” nhưng không thành công.
“Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã cầm cờ Ukraine trên các quảng trường và đường phố Georgia trong những ngày này. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về việc quốc ca của chúng tôi đã xuất hiện ở Tbilisi. Đây là sự tôn trọng đối với Ukraine và tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng chân thành của mình đối với Georgia,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng ủng hộ người biểu tình bạo động, và nhắc đến việc quốc ca và cờ của chính quyền ông xuất hiện ở cuộc biểu tình.
Ông cũng khích lệ tinh thần chống Nga của những người biểu tình, và bày tỏ đồng quan điểm với những người bạo động khi nhìn nhận rằng rằng chống Nga là mở đường cho việc gia nhập Liên minh Châu Âu EU, và đó cũng là con đường “dân chủ thành công.”
“Không có người Ukraine nào lại không chúc người bạn Georgia của chúng ta thành công. Dân chủ thành công. EU thành công,” ông Zelensky nói.
“Chúng tôi [Ukraine] muốn ở trong EU và chúng tôi sẽ ở đó. Chúng tôi muốn Georgia gia nhập EU và tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ ở đó. Chúng tôi muốn Moldova gia nhập EU và tôi chắc chắn rằng họ sẽ ở đó. Tất cả các quốc gia tự do của châu Âu đều xứng đáng với điều này.”
Reuters đưa tin, Phái đoàn của Liên minh châu Âu về Georgia cũng ca ngợi quyết định từ bỏ dự luật này, với lời chúc trên Twitter:
“Chúng tôi hoan nghênh thông báo của đảng cầm quyền về việc từ bỏ dự luật về ‘ảnh hưởng nước ngoài.’”
“Chúng tôi khuyến khích tất cả các nhà lãnh đạo chính trị ở Georgia tiếp tục cải cách [theo hướng] thân EU, theo cách toàn diện và mang tính xây dựng.”
Hoa Kỳ cũng đứng về phía những người biểu tình, khi Đại sứ quán Mỹ ở Tbilisi đã gọi đó là “ngày đen tối của nền dân chủ” ở Georgia. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, có thể sẽ có các biện pháp trừng phạt Georgia nếu đàn áp biểu tình bạo động này, RT đưa tin.
Dự luật mà tạm gọi là “đặc vụ nước ngoài” này yêu cầu tổ chức nào có từ 20% trở lên quỹ hoạt động là từ nước ngoài thì phải đăng ký và khai báo hoạt động với chính quyền theo các điều khoản của luật.
Đảng đa số Georgian Dream trước đó lưu ý, dự luật được lập để ứng phó những người chỉ trích Giáo hội Chính thống Georgia, một tổ có ảnh hưởng rất mạnh ở quốc gia này. Chính phủ Georgia cho biết dự luật được soạn ra phỏng theo luật FARA đang hiện hành ở Hoa Kỳ, vốn có từ năm 1938.
Dự luật đã được thông qua 76-13 ở quốc hội.
Những người phản đối dự luật đã gọi đó là “luật Nga” chuyên dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến, với lập luận rằng luật này tương tự với luật năm 2012 của Nga. Đảng đối lập đã gọi đảng Georgian Dream là đảng thân Nga, và việc dùng bạo động để lật đổ luật này là cần thiết cho nền dân chủ của Georgia.
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili, hiện đang công du ở Hoa Kỳ, đã nói rằng bà sẽ sử dụng quyền phủ quyết dự luật này nếu nó đặt lên bàn làm việc của bà.
Sau hai ngày hai đêm bị phản đối mãnh liệt, Đảng Georgia Dream đã tuyên bố họ sẽ “rút lại vô điều kiện dự luật mà chúng tôi ủng hộ mà không có bất kỳ sự bảo lưu nào,” với luận điểm rằng nên giảm bớt “sự đối đầu” trong xã hội.
Video của Reuters về vụ bạo động ở Georgia, đoạn đốt phá
Từ khóa Georgia bạo động ở Georgia