Giáo hoàng Francis bị Ukraine chỉ trích là “bộ máy tuyên truyền Nga” vì khen văn hóa Nga
- Nhật Tân
- •
Giới chức Ukraine phản ánh gay gắt, ví như ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cao cấp của tổng thống, hôm Thứ Tư (30/8) đã gọi Giáo hoàng Công giáo Roma Francis là “bộ máy tuyên truyền Nga” và tham gia vào “một diễn ngôn mang tính hủy diệt đối với chủ nghĩa nhân văn đương đại.” Nguyên nhân là vì vào hôm Thứ Sáu (25/8), trong một sự kiện riêng của Công giáo, Giáo hoàng đã khen ngợi những thanh niên Nga là “hậu duệ kế thừa nước Nga vĩ đại… những bậc thánh giả, những đấng quân vương,… Piotr Đại đế và Ekaterina Đại đế,… Đế chế Nga vĩ đại, có nền văn hóa và nhân văn sâu đậm.”
Giáo hoàng Công giáo Roma gặp gỡ từ xa thanh niên Nga hôm 25/8
Theo báo cáo của Tổng Giáo Phận Công giáo Roma (RCC) ở Moskva, trong cuộc gặp mặt với giới trẻ Nga có niềm tin Kitô của Công giáo Toàn Nga tổ chức tại Vương cung Thánh đường St Catherine of Alexandria tại thành phố St Petersburg, người đứng đầu Công giáo Roma, Giáo hoàng Francis, đã tham gia hội đàm từ xa qua mạng Internet.
Đây là sự kiện với sự tham gia của các chức sắc tôn giáo và thanh niên từ các giáo xứ khác nhau trên toàn Liên bang Nga, “một cơ hội hiếm có để chúng ta làm quen với nhau, chia sẻ tâm đắc thể hội và trải nghiệm đức tin,” theo lời của Oksana Pimenova, một trong những người phụ trách giới trẻ của Tổng giáo phận.
Trong sự kiện của cộng đồng Công giáo (Catholics) này, Giáo hoàng Công giáo Francis đã tham dự từ xa. Ông đã lắng nghe những bài phát biểu của những người tham gia, và ông có những lời hướng dẫn tâm linh của mình, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của đức tin và nhận ra tiếng gọi từ Thiên Chúa, hướng dẫn cách mở lòng tình yêu của Thiên Chúa tới chúng sinh, v.v.
Trước khi ban phước lành, trong lời kết của mình, Giáo hoàng Francis nói với các Kitô hữu trẻ tuổi Nga như sau:
“Đừng bao giờ quên di sản của mình.
Các bạn là hậu duệ kế thừa Nước Nga vĩ đại, Nước Nga vĩ đại của những bậc thánh giả, những đấng quân vương, Nước Nga vĩ đại của Piotr Đại đế và Ekaterina Đại đế, một Đế chế Nga vĩ đại, có nền văn hóa và nhân văn sâu đậm.
Các bạn đừng bao giờ rời bỏ di sản này.
Các bạn là người kế thừa của Nước Nga vĩ đại này. Hãy truyền đời tiếp tục điều ấy.
Cảm ơn.
Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn như là một người Nga.”
Phản ứng gay gắt của giới chức Ukraine
Người đứng đầu Công giáo khen ngợi các tín đồ Công giáo, và kêu gọi các tín đồ hãy trân quý di sản văn hóa Tổ quốc của mình, hãy truyền đời giá trị bản sắc dân tộc của mình, hãy tôn trọng và phát huy chúng, và lời nhắn nhủ ấy được nói ra trong một sự kiện riêng của cộng đồng tôn giáo — nếu trong một bối thông thường thì đây là một điều hết sức bình thường, và được coi là tốt.
Nhưng vì những lý do nào đó, điều này đã khiến giới chức Ukraine tức giận.
Thông thường một sự kiện nội bộ của Công giáo như vậy lẽ sẽ không được đưa rộng rãi lên mặt báo. Nhưng chính vì phản ứng gay gắt của giới chức Kiev, đã đưa câu chuyện này nổi lên.
Theo RT, Mykhailo Podolyak, cố vấn cao cấp của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, đã nói khi trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera (Italy) hôm 30/8 rằng Giáo hoàng Francis là “bộ máy tuyên truyền Nga” và việc mà Giáo hoàng làm là “một diễn ngôn mang tính hủy diệt đối với chủ nghĩa nhân văn đương đại.”
Piotr Đại đế (1672-1725) và Ekaterina Đại đế (1729-1796) là những nhà vua danh tiếng, không chỉ ở nội bộ nước Nga, mà cũng được xem là danh nhân của văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, ông Podolyak lập luận rằng những danh nhân đó chỉ là những ví dụ mà Nga chuyên dùng trong các tuyên truyền về Thế giới Nga, và để hạ thấp cái mà giới chức Kiev tuyên truyền với cái tên gọi là “bản sắc dân tộc” của Ukraine.
“Giáo hoàng đề cao họ và [Tổng thống Nga Vladimir] Putin sử dụng họ để loại bỏ bản sắc của chúng ta,” ông Podolyak nói. “Nếu chúng ta đánh giá những lời nói của Giáo hoàng với một tinh thần cởi mở, chúng ta sẽ thấy rằng những lời nói ấy là sự khuyến khích vô điều kiện cho chủ nghĩa đế quốc hung hãn, là những lời ca ngợi ý tưởng đẫm máu về ‘thế giới Nga’, vốn ám chỉ sự tàn phá tàn bạo các quyền tự do và lối sống của người khác.”
Oleg Nikolenko, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, thậm chí còn viết trên mạng xã hội như thế này, “vô cùng đáng tiếc là những tư tưởng bành trướng đại quốc của Nga, nguyên nhân đằng sau những cuộc xâm lược kinh niên của Nga, vô tình hay cố ý lại phát ra từ miệng của Giáo hoàng.”
Lập luận của ông Nikolenko là “chính bằng tuyên truyền đế quốc như vậy, “chủ lực tinh thần” và “nhu cầu” giải cứu “Đất Mẹ Nga vĩ đại”, mà Điện Kremlin đã biện minh cho việc giết hại hàng ngàn người Ukraine và phụ nữ Ukraine cũng như phá hủy hàng trăm thành phố và làng mạc của Ukraine.”
Andrii Yurash, Đại sứ Ukraine tại Vatican, đã viết trên mạng xã hội, “không thể chấp nhận những chuyện biện minh cho chủ nghĩa đế quốc Nga, khi mà việc thực hiện nó hiện là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh.”
Ukraine sẽ cấm RCC không? Và các phản ứng từ các phía khác.
Nhóm phóng viên tôn giáo UOJ thậm chí lập luận theo kiểu rằng với phong cách hành sự của chính quyền Kiev, rất có thể Giáo hội Công giáo Roma (RCC) sẽ bị chèn ép hoặc cấm.
Tại sao?
Trước đây, chỉ vì lấy lý do lời của một bài hát “Người Mẹ Nga thức tỉnh” được nghe thấy ở Tu viện Kiev, mà Giáo hội Chính thống UOC bị chính quyền cho vào tầm ngắm. Kỳ thực, “Người Mẹ Nga” này thực ra là “Người mẹ Kiev Rus” —đế chế của lịch sử có từ trên 1.000 năm trước, là tổ tiên của cả Nga, Belarus, và Ukraine hôm nay— chứ không liên quan gì tới Liên bang Nga hay chế độ Putin.
Thế mà lời bài hát được sáng tác từ hơn 20 trước như vậy cũng bị coi là phạm thượng, là phạm húy, và từng bị chính quyền Kiev lấy làm lý do đàn áp UOC.
Bây giờ Giáo hoàng Francis còn nói rõ ràng “Đế chế Nga vĩ đại”, “các bậc thánh giả, các đấng quân vương”, v.v. Thế thì quá rồi!
Cho nên UOJ lập luận rằng không loại trừ khả năng chính quyền Kiev sẽ có động tác với các nhóm Công giáo ở Ukraine, như họ đã từng làm với Giáo hội UOC!
Theo RT, Vatican đã phản ứng lại phản ứng dữ dội với lối hành xử của chính quyền Kiev bằng cách chỉ ra rằng trong nhận xét của mình, người đứng đầu nhà Giáo hội Công giáo chỉ là đang nhấn mạnh “nền văn hóa và nhân loại vĩ đại” của Nga, một quốc gia thật sự là có lịch sử lâu đời và đáng tôn trọng lịch sử đó, chứ không hề có ý nói về sự bành trướng về lãnh thổ.
Người phát ngôn và cũng là thư ký báo chí Điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã hoan nghênh những bình luận của Đức Thánh Cha Francis, nói rằng “thật tuyệt vời khi Đức Thánh Cha biết lịch sử nước Nga, vốn đã có cội rễ sâu xa.”
Giáo hoàng Francis nằm trong danh sách “kill list” của Ukraine
Theo dòng sự kiện này, cư dân mạng đưa tin rằng Giáo hoàng Công giáo Francis có trong danh sách Myrotvorets — danh sách những phần tử thù địch của chính quyền Kiev.
Tấm hình chụp từ tháng 5 khi Giáo hoàng Công giáo Francis và Tổng thống Zelensky trao đổi nhau “món quà” ngày 13/5 đã được cư dân mạng lôi trở lại để minh họa vì trong đó hình chúa hài đồng không hiểu vì lý do gì mà bị biến mất, và ông Zelensky lâu nay vẫn được hiểu là theo Do thái Giáo, chứ không phải tín đồ Kitô.
Sau này, đã có lời giải thích rằng hình chúa hài đồng bị biến mất trong bức tranh mà ông Zelensky tặng, đó là vì ông muốn nói trẻ em nước ông đang gặp nạn do chiến tranh, và ông coi việc xóa đen hình chúa hài đồng là thích hợp để truyền thông điệp ấy.
Trong chuyến thăm Vatican của Zelensky vào tháng 5, ông Francis đã đề xuất rằng ông sẽ giúp đỡ trong việc đàm phán chấm dứt chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, ông Zelensky đã bác bỏ đề xuất này, nói rằng “chúng tôi không cần những người hòa giải, chúng tôi cần một nền hòa bình công bằng.”
- Blogger trẻ Mỹ tuyên bố bị Ukraine cho vào danh sách ám sát ‘kill list’
- Blogger quân sự Nga bị đánh bom thiệt mạng tại St Petersburg
- Cựu sĩ quan tàu ngầm Nga trong danh sách đen Ukraine bị bắn chết khi chạy buổi sáng
Mặc dù với danh nghĩa là một website không phải của chính quyền và mang cái tên Myrotvorets có nghĩa là “người gìn giữ hòa bình”, nhưng kỳ thực website này đầy rẫy những hình ảnh khủng bố. Những người bị ghi danh vào đây bị Chính phủ Ukraine phân biệt đối xử và bị coi là thù địch. Đã có những người trong danh sách bị ám sát, kể cả bị ám sát bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Cái tên không chính thức “kill list” là từ đó mà ra. Có nhiều báo cáo cho thấy ai có tên trong danh sách thì sẽ bị chặn ở hải quan của Ukraine.
Từ khóa Giáo hoàng Francis Chiến tranh Nga - Ukraine Đàn áp tôn giáo Dòng sự kiện