Hai trường Đại học tại Ba Lan đóng cửa Viện Khổng Tử
- Hoàng Hạc
- •
Ngày 25/10, Đại học Wroclaw ở Ba Lan đã chính thức công bố quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường này – nơi đã cung cấp các khóa học tiếng Trung trong gần 15 năm qua. Đây là trường Đại học thứ 2 ở Ba Lan tuyên bố đóng cửa hệ thống do Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) tài trợ này.
Năm 2008, Đại học Wroclaw (Uniwersytet Wrocławski) đã đồng ý cùng các cơ sở của Trung Quốc gồm Hanban và Đại học Hạ Môn thành lập Viện Khổng Tử trong đại học Wroclaw, thỏa thuận hợp tác hết hạn ngày 25/1/2023. Ba tháng trước khi hết hạn, Đại học Wroclaw đã công bố bản ghi nhớ cho hay không có ý định tiếp tục hợp tác với phía đối tác Trung Quốc nữa.
Như vậy với quyết định ngày 25/10/2023, đây là trường Đại học thứ hai ở Ba Lan tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử do Chính phủ của ĐCSTQ tài trợ.
Một trường hợp khác là Đại học Công nghệ Warsaw (Politechnika Warszawska) ngày 28/5 năm nay tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử. Đại học Công nghệ Warsaw có 20 khoa là trường đại học kỹ thuật lớn nhất và được xếp hạng cao nhất ở Ba Lan, đội ngũ giáo sư và giảng viên của trường tới hơn 2000 người, còn số sinh viên trong nước và quốc tế khoảng 30.000.
Công cụ gián điệp của ĐCSTQ
Trong bối cảnh tội đánh cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ trên khắp thế giới không ngừng bị vạch trần, cộng đồng quốc tế nhận ra rằng Viện Khổng Tử là một trong những công cụ chính thức của ĐCSTQ, vì vậy việc đóng cửa Viện Khổng Tử là một lựa chọn quan trọng và sáng suốt.
Đại học Wroclaw nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến họ dừng hợp tác với Trung Quốc là do cái gọi là giáo viên tiếng Hán “làm tình nguyện viên” của Trung Quốc được biết đến là “công cụ tuyên truyền của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Đại học Wroclaw thông báo rằng mặc dù đã đóng cửa Viện Khổng Tử nhưng họ sẽ tiếp tục bảo lưu dạy tiếng Trung Quốc, vì “Trung Quốc học là một trong những lĩnh vực được yêu thích nhất” ở Ba Lan. Chính sách của trường chỉ nhằm loại trừ việc quảng bá các giá trị của ĐCSTQ dưới danh nghĩa dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc: “Nghiên cứu về Trung Quốc sẽ được giảng dạy theo chương trình giảng dạy mới, và sẽ chú trọng hơn vào việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc”.
Viện Khổng Tử đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc được thành lập tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tháng 11/2004. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống học về Khổng Tử của ĐCSTQ ở nước ngoài đã bao phủ 154 nước và vùng lãnh thổ với tổng số 1,87 triệu học viên, hệ thống này bao gồm 548 Viện Khổng Tử ở các Đại học và 1193 lớp học Khổng Tử ở các trường tiểu học và trung học.
Bề ngoài các Viện Khổng Tử là cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, nhưng bản chất là “bộ phận quan trọng trong khuôn khổ tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ”, bí mật tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chính trị. Do đó các Viện Khổng Tử ngày càng bị chỉ trích trên khắp thế giới và không ngừng bị đóng cửa.
Tại Canada, vào năm 2013 và 2014, Đại học McMaster ở Hamilton và Hội đồng Trường học Quận Toronto lần lượt đóng cửa Viện Khổng Tử
Tại Pháp tháng 9/2013, Đại học Lyon 2 và Lyon 3 đã đóng cửa Viện Khổng Tử.
Tại Úc, ngày 22/8/2019 chấm dứt dự án hợp tác Viện Khổng Tử do Cơ quan Giáo dục và Cộng đồng New South Wales thực hiện.
Năm 2020, Thụy Điển và Na Uy chính thức đóng cửa toàn bộ Viện Khổng Tử trên lãnh thổ của họ.
Ngày 13/8/2020, Mỹ đã liệt kê Tổng trụ sở của Viện Khổng Tử Trung Quốc tại Mỹ vào danh sách cơ quan đại diện nước ngoài, về cơ bản các Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học của Mỹ đã đóng cửa trước cuối năm 2020.
Ngày 31/10/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Đức đã yêu cầu chấm dứt tất cả các Viện Khổng Tử ở Đức.
Từ khóa Ba Lan Viện Khổng Tử