Hàng ngàn nhân viên công nghệ Trung Quốc bị từ chối cấp thị thực Ấn Độ
- Bình Minh
- •
Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ biến Ấn Độ thành một cường quốc sản xuất trong khi quan hệ Trung – Ấn tiếp tục xấu đi do tranh chấp biên giới. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp Ấn Độ tiết lộ hàng ngàn công nhân công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc, đã không thể xin được thị thực Ấn Độ.
Ngày 27/6, tờ Financial Times đưa tin ông Pankaj Mohindroo, Chủ tịch Hiệp hội Điện thoại và Điện tử Di động Ấn Độ, cho biết trong 2 đến 3 năm qua, hàng ngàn đơn xin thị thực kinh doanh và việc làm của công dân Trung Quốc đều bị từ chối.
Ông nói rằng công dân Trung Quốc đã làm việc trong các bộ phận Trung Quốc của các công ty Mỹ trong nhiều năm cũng bị từ chối cấp thị thực.
Năm 2020, trước bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và xung đột gây chết người giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, Ấn Độ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với các công ty Trung Quốc.
Ngày 22/6, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho biết, Trung Quốc đang thúc ép Ấn Độ khởi động lại các chuyến bay chở khách trực tiếp sau 4 năm tạm dừng. Nhưng New Delhi phản đối vì tranh chấp biên giới tiếp tục đè nặng lên mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ cuộc đối đầu quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng vào tháng 6/2020. Hàng ngàn binh sĩ mỗi bên vẫn được triển khai dọc biên giới.
Kể từ cuộc đụng độ, Ấn Độ đã hạn chế cho phép đầu tư từ các công ty Trung Quốc, cấm hàng trăm ứng dụng phổ biến và cắt đứt các tuyến chở khách, mặc dù các chuyến bay chở hàng trực tiếp vẫn hoạt động.
4 năm trước, Chính phủ Modi đã ban hành Thông cáo báo chí số 3 (PN3), yêu cầu mọi khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty ở Ấn Độ và bất kỳ quốc gia giáp ranh đất liền nào đều phải được chính quyền trung ương chấp thuận.
Khi đó Chính phủ Ấn Độ cho biết, quy định này nhằm mục đích kiềm chế việc mua lại các công ty Ấn Độ một cách cơ hội. Mặc dù biện pháp này không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng nhiều người ở Ấn Độ tin rằng nó chủ yếu nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Biên giới thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ, có 7 quốc gia giáp ranh Ấn Độ về mặt địa lý là Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Bhutan, Nepal, Pakistan và Afghanistan, trong đó Trung Quốc từng là nhà đầu tư lớn nhất.
Theo dữ liệu do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển công bố, trong hai thập kỷ qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của 6 quốc gia biên giới khác chỉ bằng 2/1000 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Tác động của nó đối với đầu tư của Ấn Độ gần như không đáng kể.
Tờ Financial Times đưa tin, theo các quan chức Chính phủ Ấn Độ, những công ty Trung Quốc không xin được phép mở rộng ở tiểu lục địa Ấn Độ bao gồm nhà sản xuất xe điện BYD và nhà cung cấp Luxshare Precision của Apple.
Tuy nhiên từ cuối năm 2023, Ấn Độ đã đẩy nhanh việc cấp thị thực cho một số công dân Trung Quốc. Những thị thực này được áp dụng cho các dự án thuộc “Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất” (PLI) của Chính phủ Modi.
Chương trình này nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất của Ấn Độ, cung cấp khoản trợ cấp trị giá hàng tỷ USD cho các công ty trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm điện tử, dược phẩm và dệt may.
Khi căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng leo thang, cùng với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tăng cường kiểm soát và giám sát các công ty nước ngoài, ngày càng nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách chuyển chuỗi cung ứng và kênh bán hàng ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng tìm kiếm cơ hội phát triển ở các quốc gia khác ở châu Á.
Vị trí địa chính trị hiện tại của Ấn Độ mang lại cho nước này nhiều lợi thế. Chính phủ Modi tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng “Trung Quốc+1”: Hạn chế rủi ro chuỗi cung ứng và sản xuất liên quan đến Trung Quốc ở nhiều nước phương Tây và châu Á, bằng cách chuyển hướng hoạt động kinh doanh và đầu tư sang các nước láng giềng của Trung Quốc.
Các công ty đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt hiện nay coi Ấn Độ không chỉ là lựa chọn thay thế cho nguồn đầu tư vốn dài hạn, mà còn nhận ra sức hấp dẫn thị trường của chính nước này.
Ấn Độ là quốc gia dân chủ đông dân nhất. Ông Modi đã ủng hộ chiến lược “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) trong suốt 10 năm cầm quyền, nhằm tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu. Động thái này trùng hợp với việc các công ty toàn cầu đang tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy bên ngoài Trung Quốc tại các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam.
Ấn Độ đã thu hút thành công một số công ty đa quốc gia, trong đó có Apple và nhà cung cấp Foxconn, đang xây dựng nhà máy ở miền nam Ấn Độ.
Ngày 23/6, Tổng thống Mỹ Biden và ông Modi đã tổ chức cuộc họp bàn tròn tại Nhà Trắng và gặp gỡ các nhà lãnh đạo công nghệ đến từ Mỹ và Ấn Độ.
CEO của các công ty công nghệ như Apple, Alphabet, Microsoft đã tham dự cuộc họp, để thảo luận về cơ hội và thách thức khi đầu tư vào Ấn Độ. Ông Modi cũng gặp gỡ CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk.
Sau cuộc họp, Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, cho biết Ấn Độ đại diện cho một cơ hội lớn. Các công ty bán dẫn lớn như Micron và Applied Materials cũng tận dụng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi để công bố kế hoạch đầu tư lớn vào Ấn Độ.
Từ khóa BYD Made in India Ấn Độ Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ